Chủ Nhật, 7 tháng 6, 2009

Nguy cơ suy thoái đa dạng sinh học do các loài ngoại lai xâm hại

.
Nước ta đang xảy ra tình trạng suy thoái đa dạng sinh học và các hệ sinh thái nông nghiệp do các loài ngoại lai xâm hại. Nguyên nhân là do sự gia tăng thương mại toàn cầu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới, phát triển đường giao thông, đặc biệt là do một số người chủ ý hoặc do không hiểu biết đã ngẫu nhiên mang vào. Cụ thể như cây Mimosa pigra - một loài cây bụi thuộc học Đậu có nhiều gai sắc nhọn mà người dân địa phương gọi là cây Mai Dương đang phát triển rất mạnh ở vườn quốc gia Cát Tiên và Vườn quốc gia Tràm Chim. Đây là loài cây được du nhập vào Việt Nam từ trước năm 1960 nhưng tới gần đây mới trở thành loài cây xâm hại.
Riêng tại vườn quốc gia Tràm Chim, loài cây này đã chiếm lĩnh một diện tích tới hơn 2.000 ha, tương đương với ¼ diện tích vùng này. Chúng đang dần dần thay thế thảm thực vật trảng cỏ bản địa, làm sinh cảnh của loài Sếu Đầu đỏ - biểu tượng của Tràm Chim. Trong khi đó, hoạt động kiểm soát, hạn chế sự lan tràn của loài xâm hại này hầu như không có. Giải pháp chặt cây và đốt không những không có hiệu quả, mà còn kích thích chúng mọc lại nhanh hơn sau các mùa lũ.
Đối với hệ sinh thái nước ngọt và nông nghiệp thì tác động của các loài ngoại lai xâm hại nghiêm trọng hơn rất nhiều. Chẳng hạn như loài Ốc bươu vàng (Pomacea canaliculata)- một loài ốc bản địa của Nam Mỹ được đưa vào Đông Nam Á từ những năm 1980 làm thực phẩm đã trở thành mnột trong những vật xâm hại nguy hiểm nhất đối với cây lúa của Việt Nam. Mỗi năm, Việt Nam bị thiệt hại kinh tế lên tới hàng chục tỷ đồng do giảm năng suất lúa và đầu tư phòng trừ ốc bươu vàng. Vấn đề các loài ngoại lai xâm hại mang tính toàn cầu và đòi hỏi phải có sự hợp tác quốc tế để giải quyết. Vì thế, Việt Nam là một trong những Quôc gia sẽ nhận được sự hỗ trợ của Chương trình các loài xâm hại toàn cầu, nhằm thiết lập một đầu mối chuyên môn để điều phối các nỗ lực trong khu vực, xây dựng năng lực cho các quốc gia, tiến hành các chiến dịch nâng cao nhận thức và cải thiện việc truy cập thông tin và hỗ trợ kỹ thuật.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mong bạn góp ý thêm