Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2009

Ðôi bên sông Bùng – Một vùng văn hóa

(Baonghean) - Với tôi, sống xa quê, hình ảnh con sông luôn làm tôi thèm tiếc cả một thời thơ ấu, để rồi mỗi lần được gặp người quê hàn huyên, tôi lại quắt lòng bởi nhớ quê hương da diết...


“Qua nửa đời phiêu bạt
Con lại trở về úp mặt vào sông quê
Ơi con sông dạt dào như lòng mẹ
Che chở con qua chớp bể mưa nguồn…”



Có lẽ nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã nói hộ tình cảm của rất nhiều người xứ Nghệ sống xa quê. Nếu ai biết nhà thơ tài hoa này đã từng sinh ra và lớn lên ở một làng quê, bên con sông Bùng xứ Diễn, hẳn đều đồng cảm và sẻ chia với ông qua tứ thơ này. Riêng với tôi, sống xa quê, hình ảnh con sông luôn làm tôi thèm tiếc cả một thời thơ ấu, để rồi mỗi lần được gặp người quê hàn huyên, hay về quê, tôi lại quắt lòng bởi câu thơ đó.



Lèn Hai Vai

Sông Bùng bắt nguồn từ những dòng sông, suối nhỏ như sông Du, Vũ Giang, Khe Cát của huyện Yên Thành và hợp lưu nơi đất Diễn Châu, chảy qua các xã Diễn Quảng, Diễn Hoa, Diễn Kỷ, sau đó đổ ra biển Diễn Ngọc. Con sông Bùng cứ lặng lẽ trôi – chảy qua miền ký ức. Hình ảnh của vùng quê xứ Diễn luôn lắng đọng trâm tâm tưởng những người con xa quê.
Diễn Châu là vùng đất giàu truyền thống đấu tranh cách mạng, những địa danh gắn với các huyền thoại như Thành Diễn Châu - nơi chứng kiến trận đánh quan trọng của nghĩa quân Lam Sơn trong cuộc kháng chiến chống quân Minh, thế kỉ XV; Cầu Bùng - cây cầu nằm trên con đường huyết mạch Bắc – Nam, nơi được coi là túi bom trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; núi Mộ Dạ - nơi An Dương Vương được thần Kim Quy mở lối thoát về phía biển khi trốn chạy giặc Triệu. Ngày nay ở phía Bắc chân núi Mộ Dạ gần cửa Tư Hiền còn có mộ của công chúa Mỵ Châu.
Đền Cuông thờ vua An Dương Vương

Diễn Châu cũng là nơi phát tích của những anh tài, khoa bảng. Ở Diễn Châu những dòng họ khoa bảng có nhiều, nhưng nổi tiếng nhất là họ Ngô và họ Đặng. Dòng hộ Ngô ở Lý Trai (xã Diễn Kỷ) liên tiếp 4 đời đỗ 5 tiến sĩ. Dòng họ Đặng ở Nho Lâm (xã Diễn Thọ) có 3 cha con đều đỗ đại khoa. Một số tên tuổi đại khoa người Diễn Châu mà cả nước đều biết đến như Ngô Trí Hòa, Ngô Trí Tri, Nguyễn Xuân Ôn…. Về Diễn Châu, dân gian vẫn còn truyền tụng câu đối nôm nói về sự đỗ đạt của 2 dòng họ Ngô – Đặng: “Sáng khoai, trưa khoai, tối khoai, khoai ba bữa / Ông đỗ, cha đỗ, con đỗ, đỗ cả nhà”.
Nói đến Diễn Châu là nói đến một vùng đất phong cảnh hữu tình. Sách xưa đã từng liệt kê trong số 8 cảnh đẹp của “Đông Yên Nhị Châu” (vùng đất thuộc tổng Yên Thành xưa) thì có 6 cảnh đẹp thuộc về Diễn Châu, đó là: Dạ Sơn Linh Tích (Dấu thiêng núi Mộ Dạ - thuộc xã Diễn An), Cao Xá Long (gò rồng Cao Xá), Bùng Giang Thu Nguyệt (tràng thu trên sông Bùng), Bích Hải Quy Phàm (cánh buồm về cửa Bích), Thiên Uy Thiết Cảng (kênh sắt oai trời), Diễn Thành Thạch Bảo (thành đá phủ Diễn Châu). Tao nhân mặc khách thuở nao đã luôn phải động lòng trước Bích Hải Quy Phàm (cửa Vạn ngày nay). Họ từng phải thốt lên:
Phủ hám Bùng giang cổ độ đầu
Nhất luân minh nguyệt cáp phùng thu
Trùng trùng quế phách hàm giang trữ
Trạm trạm kim hàn tẩm bích lưu.
Có nghĩa rằng:
Cúi đầu nhìn xuống bến đò cũ sông Bùng
Một vầng trăng sáng quắc, ấy chính là buổi đang thu
Phách cây quế trong suốt đến đáy cả bến nước
Chiếc mâm vàng trong trẻo ngâm dưới dòng xanh...
Đến Diễn Châu, không ghé thăm cửa Vạn hẳn đó sẽ là một tiếc nuối. Đứng ở Cửa Vạn nhìn ra Biển Đông với bao la bát ngát của trời, của biển, với nắng và sóng, bạn sẽ nhận ra hồn vía của cả một vùng văn hóa Xứ Diễn. Văn hóa xứ Diễn vừa có nét đặc thù của văn hóa Xứ Nghệ - miền Trung, vừa có sắc thái riêng khiến người ta phải ngạc nhiên. Giọng nói của người Diễn Châu âm điệu khác hẳn với giọng nói của các vùng miền khác ở Xứ Nghệ. Dân Diễn Châu “Ăn to nói lớn”, “Bụng dạ thẳng tưng”, quý người và không để bụng. Họ cần cù, chất phác, chịu thương, chịu khó cho nên đi đâu cũng sống được. Tính cần cù, “thắt lưng buộc bụng”, cộng với sự ham học hỏi đã làm nên thành công của người Diễn Châu khi bước ra cuộc sống. Có lẽ uống nước sông Bùng, tắm phù sa của sông Bùng, cư dân ở đây trong cách ăn, cách nói, nếp nghĩ, nếp làm đều mang “cái gu” khó trộn lẫn.
Không rộng dài, kỳ vĩ như sông Hồng, sông Mã, cũng không thơ mộng như sông Hương… Sông Bùng cứ lặng lẽ chảy giữa đôi bờ xứ Diễn và tạo dựng nên một vùng miền văn hoá rất đặc trưng - vùng văn hoá mang khí thiêng của “lèn Hai Vai- sông Bùng”, trong cái mạch nguồn văn hoá “Sông Lam - Núi Hồng” xứ Nghệ.
Với lợi thế của một vùng đất mà một bên là dải đồng bằng trù phú, màu mỡ, một bên là biển Đông. Cùng với điều kiện tự nhiên cũng ưu ái cho người Diễn Châu, vùng đất được coi như một tiểu vùng không bị ảnh hưởng nhiều của gió Lào (Do có núi Mộ Dạ nằm ở phía Nam nên gió Lào về tới đây bị chặn lại), khiến cho khí hậu Diễn Châu “mát mẻ” hơn so với các vùng miền Trung Bộ khác. Tất cả những điều đó làm cho Diễn Châu được coi là vùng đất “đủ đầy” hơn so với nhiều khu vực khác ở xứ Nghệ.
Hiếm có một dải đất nhỏ hẹp nào lại tập trung nhiều nghề truyền thống như ở Diễn Châu. Đất Diễn Châu với nhiều nghề truyền thống như: luyện thép ở Nho Lâm (Diễn Thọ), dệt vải ở Phượng Lịch (Diễn Hoa), nghề mộc ở Tràng Thân (Diễn Phúc), nước mắm Vạn Phần (Diễn Vạn), nón lá Diễn Đồng, đẽo sò ở Diễn Thành…Cùng với việc duy trì những làng nghề truyền thống, giờ đây Diễn Châu xuất hiện nhiều làng nghề mới theo chuyển dịch cơ cấu kinh tế như chuyên canh cây lương thực Diễn Kỷ; dâu tằm tơ Diễn Kim; bún bánh Diễn Quảng; chế biến hải sản Diễn Bích, Diễn Ngọc; chổi đót Diễn Đoài; đúc đồng, nhôm Diễn Tháp…
Ngày nay, cùng với các vùng miền khác của cả nước, kinh tế của huyện Diễn Châu ngày càng phát triển. Trong dòng chảy của thời kỳ hội nhập, nhưng những bản sắc văn hóa của người dân đôi bờ sông Bùng vẫn không bị nhạt phai. Người Diễn Châu đã, đang và sẽ tạo ra nhiều huyền thoại. Khí thiêng của lèn Hai Vai – sông Bùng luôn tạo ra những con người như thế.
Bất chợt tôi lại…
Gửi hồn neo đậu bến quê
Bao nhiêu xa ngái dồn về một nơi
Sông quê bên lở bên bồi
Để tôi mang nợ cả đời với quê.

Nguyễn Thanh Điệp

Thứ Hai, 21 tháng 12, 2009

Thương lắm phong bì ơi!


(Huỳnh Cương - Congannghean.vn)-Từ ngày chuyển sang cơ chế thị trường, phong bì cũng chuyển đổi chức năng, không còn đựng thư từ mà còn đựng tiền. Tình cảm đã được vật hoá thành ngân hàng, đô la, để người nhận có thể đo đếm được.

Xin các bạn đừng vội cho rằng H.C này cạn kiệt hết vốn chữ nghĩa rồi hay sao mà lại tương một cái tít giật gân như thế lên mặt báo, sặc mùi cải lương, giữa lúc thiên hạ đang cực lực phê phán tệ nạn phong bì.
Hãy bình tĩnh, mọi vấn đề đều phải được xem xét một cách toàn diện, lịch sử theo phép biện chứng.
Nếu bạn đã từng là anh lính hải quân ở trên một hòn đảo chìm, đảo nổi Trường Sa, hẳn bạn sẽ mong chờ da diết một cánh thư từ đất liền gửi ra. Lá thư đựng trong phong bì đã vượt qua hàng triệu ngọn sóng để đến với bạn. Bạn đọc thư và giữ cả chiếc phong bì đó như một báu vật.
Hồi còn nhỏ, ở quê, có lần tôi nhận được phong bì của ông Tổng biên tập báo tỉnh gửi, báo tin mẩu tin bao diêm đầu tiên tôi viết đã được in và động viên tôi tiếp tục cộng tác. Tôi sung sướng còn hơn bắt được vàng. Tôi dán chiếc phong bì lên bức vách cạnh tấm huân chương kháng chiến của bố tôi và mãi đến nay vẫn còn giữ được mấy dòng chữ của sếp nhà báo.
Các bạn thấy chiếc phong bì có đáng yêu, đáng trọng không nào.
Từ ngày chuyển sang cơ chế thị trường, phong bì cũng chuyển đổi chức năng, không còn đựng thư từ mà còn đựng tiền. Tình cảm đã được vật hoá thành ngân hàng, đô la, để người nhận có thể đo đếm được.
Giờ đây, không có phong bì làm sao có thể dễ dàng xin đất làm nhà, chữa bệnh chóng khỏi, đưa con vào trường điểm, chạy xuất khẩu lao động. Rồi còn chạy chức, chạy quyền, chạy học hàm học vị..., mua các danh hiệu cao quý, trở thành sao trên các lĩnh vực đời sống.
Phong bì trở thành đồng loã với những kẻ xấu, trở thành vật bao che cho những cái đen tối trong lòng nó.
Không có phong bì làm sao các xếp tham nhũng có xe hơi xịn, có biệt thự nguy nga, có tiền gửi ngân hàng nước ngoài, nếu như mọi người chỉ biết tặng mấy bông hoa rẻ tiền và cảm ơn mồm.
Nói như thế không phải vơ đũa cả nắm, vẫn còn những phong bì trong sáng, nhân ái khi chúng ta câm nó bỏ vào thùng, chia sẻ khó khăn, nhường cơm sẻ áo cho đồng bào bị lũ lụt, cho những em bé đang cần mổ tim, cho những gia đình bị chất độc đi - ô - xin...
Những kẻ tham nhũng hí hửng đón nhận phong bì hối lộ, sau khi say sưa kiểm tra món ngân hàng, đô la, cẩn thận bỏ vào tủ sắt, khoá lại liền vứt toẹt chiếc phong bì vào sọt rác. Cảnh giác hơn họ cho một mồi lửa để phi tang. Phong bì bị thiêu sống. Thương lắm phong bì ơi!

Thứ Ba, 8 tháng 12, 2009

Vườn thị cổ – cần phải được “định giá” và có chiến lược bảo tồn



Vào một ngày ấm áp đầu đông, chúng tôi “bố trí” được cơ hội về thăm lại “vườn thị cổ” của ông Lê Minh Thưởng ở Nghi Thịnh, Nghi Lộc, Nghệ An. Vẫn với sự nhiệt tình đón khách của cụ Thưởng với những câu chuyện kể về xưa và nay làm cho độ hưng phấn của chúng tôi càng lên cao hơn.

Tuy đã ở tuổi "cổ lai hy" nhưng chủ nhân vẫn rất nhanh nhẹn và nhiệt tình hướng dẫn - ảnh Hoàng Hoa Quế


Chúng tôi được “mắt thấy tay sờ” các cây thị cao hàng chục mét, đường kính có cây đến gần 3m. Nhiều cây đã mục rỗng ruột bên trong nhưng bên ngoài vẫn còn biểu hiện sức sống khỏe khoắn của các đại thụ.


Cây thị (Diospyros decandra Lour) thuộc họ thị (ebenaccae) rất gần gũi với chúng ta, được trồng rải rác trong các vườn gia đình, nhất là ở đình chùa, miếu mạo để lấy quả. Theo kinh nghiệm dân gian, hầu hết các bộ phận của cây thị đều được dùng làm thuốc chữa bệnh rất tốt. Chắc không phải chỉ là tự nhiên mà tác giả vô danh của chuyện Tấm Cám cho cô Tấm từ trong quả thị chui ra. Người cô gái ấy chắc phải thơm lắm, vì quả thị có màu đẹp thế, da thịt căng thế, hương thị thơm thế. Nếu không thì sao cô Tấm không chui ra từ quả mít, quả na, quả sầu riêng, quả bứa thật chua, quả dừa toàn nước...?


Qua lời giới thiệu của chủ nhân vườn thị, chúng tôi biết được “tính nết” của từng cây cây: cây thì quả to như quả cam, cây thì quả nhỏ nhưng thịt thơm ngọt và không có hạt(?), 5 cây thị cổ nhất trong vườn này có tuổi khoảng 600 năm(?). Cụ kể rằng (theo cuốn gia phả họ Lê Văn) vào thế kỷ 16, Lê Văn Hoan, một người con của dòng họ này, theo nghĩa quân Tây Sơn và được phong tướng quân; khi hành quân ra Bắc đánh nhà Trịnh, ông đã cho đại quân dừng chân ở vùng đất thiêng này, cho cột đàn voi chiến dưới những gốc cây thị cổ thụ và sai người lập đền thờ bên cạnh cây lớn nhất. Rồi những năm chiến tranh chống Mỹ ác liệt, hàng chục, hàng trăm lượt đơn vị bộ đội đã trú quân dưới những gốc thị già trước khi hành quân vào Nam chiến đấu.


Điều thật ngạc nhiên là mặc dầu nơi đây là trọng điểm ném bom, bắn phá của máy bay Mỹ, vùng đất này đã gánh chịu hàng chục tấn bom đạn, không một tấc đất nào nơi đây không bị cày xới, nhà thờ họ Lê Văn (ở trong vườn) đã bị bom đạn làm cháy, nhưng 5 cây thị không hề bị trúng quả bom nào.
Năm tháng qua đi, những cây thị giờ đã già lắm rồi, nhưng nhựa sống vẫn tràn trề, hàng năm cây vẫn đâm chồi nảy lộc, đơm hoa kết trái. Tuy nhiên những áp lực đè nặng lên những cây thị cổ này là mối, mục phá hại và biết đâu một ngày nào đó nó bị... bán mất đi???

Vì vậy theo tôi 5 cây thị cổ này cần được xác định giá trị và có chiến lược bảo tồn. Về giá trị của nó thể hiện ở các mặt sau đây:

Thứ nhất là giá trị về sinh thái:
Với tán hình ô, xòe rộng hàng chục mét, các cây thị đã tạo nên độ khép tán gần kín toàn bộ khu vườn hàng ngàn m2 tạo nên bóng mát xanh trong lành, nếu được đầu tư để kinh doanh kiểu du lịch sinh thái thì chắc chắn nơi đây sẽ là điểm nhấn trong hệ thống du lịch sinh thái của Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung.

Giữ được cây cổ thụ như thế này ở trong vườn là một kỳ công của dòng họ Lê Văn -ảnh HHQ


Thứ hai là giá trị về tâm linh:
Đối với người Việt, cây cối là loại sinh thể đặc biệt, có đời sống trực giác tâm linh y như con người; có năng lượng phát ra và tương tác được với năng lượng của con người. Vì vậy, cây cối được người Việt sử dụng trong phép điều hòa môi trường sống (phong thủy) như là những nội dung chủ đạo (cùng đá, nước, núi, phương hướng..). Mặt khác, cây còn được coi là nơi trú ngụ của các vị thần linh hay ma quỷ. Dân gian người Việt có câu: "Cây thị có ma, cây đa có thần". Những cây cổ thụ thường được nhân dân thắp hương, lập miếu thờ cúng.


Tục thờ cây của nhân dân Việt Nam - ảnh Tăng Văn Tân


Thứ ba là giá trị về lịch sử:
Vườn thị này đã “chứng kiến” nhiều sự kiện lịch sử của nước nhà như: là nơi dừng chân của nghĩa quân Tây sơn trên đường tiến quân ra Bắc???. Trong cuộc kháng chiến chống Mĩ là nơi dừng quân của các đơn vị bộ đội trước khi vào Nam. Nơi đây còn là căn cứ chỉ huy chiến đấu của tỉnh đội Nghệ An (ông còn chỉ cho chúng tôi xem chỗ đào hầm chữ A dưới gốc cây, chỗ cây mục dùng để nhốt các chiến sĩ vi phạm kỉ luật)


Thứ tư là giá trị về nghiên cứu khoa học:
Trải qua 600 năm, các cây thị đã ghi lại dấu ấn của những biến động về thời tiết, bức tranh về thời tiết được “ghi” lại trong từng thớ gỗ. Các nhà khoa học có thể “giải mã” về sinh trưởng của cây qua các thời kỳ...

Thứ năm là giá trị về kinh tế:
Mỗi năm vườn thị này cho hàng tấn quả. Quả thị có vị ngọt, thơm nên được người dân mua về thưởng thức. Mùa quả chín rộ vào tháng 7 âm lịch hàng năm lại trùng với mùa du lịch nghỉ mát Cửa Lò, nhiều đoàn khách biết được đây là những cây thị cổ nên đã đặt mua hàng ngàn quả. Điều lạ kỳ mà chúng tôi nhận thấy là lúc này đã vào mùa đông mà vẫn có cây cho quả trĩu cành. Biết chúng tôi có ý định xin hái quả làm kỉ niệm, ông thoăn thoắt leo lên và hái cho chúng tôi hàng chục quả.
Theo lời ông, có “đại gia” đến trả 5 cây thị cổ này 2,5 tỉ VND nhưng ông vẫn từ chối. Ông nói, ông muốn giữ lại cho gia đình, cho quê hương một món quà vô giá mà thiên nhiên đã ban tặng và tổ tiên đã có công giữ gìn.

Vào mùa đông mà cây vẫn cho trĩu quả - ảnh Hoàng Hà


Chúng tôi ra về nhưng vẫn còn lưu luyến mãi, lưu luyến không chỉ vì sức sống diệu kì của các cây thị cổ mà còn vì sự nhiệt tình của chủ nhân. Hiện nay, chiến tranh đã đi qua, nhưng liệu các cây thị cổ này có còn lưu giữ được trong cơ chế kinh tế thị trường hay không? được biết hiện nay 2 trong 5 cây đã có bị mục rỗng, lại bị mối đất tấn công, mặt khác đã có người muốn mua đào đi nơi khác.

Đã đến lúc các các cơ quan chức năng cần phải xác minh cụ thể về niên đại, giá trị và có giải pháp bảo tồn vườn thị có một không hai này./.

11/2009

Thứ Ba, 10 tháng 11, 2009

Các quân cờ

.
Trên bàn cờ,
Xe tranh công: chỉ có mình mạnh nhất
Dọc ngang nào ai cản được bước ta
Pháo mỉa cười: nếu gặp khoảng cách xa
Xe sao câu trúng được đầu quân địch?

Nghe thế
Sĩ, Tịnh liền tranh tâu thành tích
Không có ta bảo vệ cổng thành
Liệu “ông Tướng” có được lành yên ?
Cho các anh đánh đông dẹp bắc?

Im ngay, tất cả đừng dương dương tự đắc
Chúng mày chỉ là những kẻ bị khiến sai
Gặp người điều khiển chúng bay có đức, có tài
Thì dù con gì cũng được hoan nghênh chào đón

Nếu điều khiển là người tài hèn sức mọn
Chúng mày phải chạy quanh co trên bàn cờ như những con rối ngu si
Pháo hay Xe... nào có giá trị gì???
Thua chú Tốt của bên quân địch

Phải biết phát huy sức mạnh của mình khi cần thiết
Cài cắm vào nhau trong thế trận hợp tình
Đừng tranh nhau đứa nào giết được nhiều sinh linh
Cùng hợp lực để đến bến bờ chiến thắng
.

Thứ Hai, 9 tháng 11, 2009

Phạt 500 triệu hành vi săn, bắn động vật rừng, vận chuyển lâm sản trái phép

(Chinhphu.vn) - Với mức phạt cao như vậy, Nghị định 99/2009/NĐ-CP ngày 2/11/2009 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản đã tạo cơ sở pháp lý để phạt nặng các hành vi vi phạm, hạn chế tình trạng chặt phá rừng và khai thác lâm sản trái phép đang gia tăng hiện nay.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2010 và thay thế Nghị định số 159/2007/NĐ-CP ngày 30/10/2007.
Mức phạt cao nhất tới 500 triệu đồng

Người VPHC trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền. Ngoài ra, tùy theo tính chất mức độ vi phạm mà còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả.

Theo đó, người có hành vi lấn, chiếm rừng trái pháp luật bị phạt tiền từ 2 - 50 triệu đồng; vi phạm các quy định của Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy rừng gây cháy rừng bị phạt từ 3 - 50 triệu đồng tùy theo hậu quả đã gây ra.

Người có hành vi phá rừng trái pháp luật thì bị phạt từ 200.000 đồng đến 50 triệu đồng tùy theo diện tích rừng bị phá hoặc loại rừng là rừng sản xuất, rừng phòng hộ hay rừng đặc dụng. Đối với các hành vi khai thác rừng trái phép, mức phạt có thể lên tới 200 triệu đồng.

Đặc biệt, người có hành vi săn, bắn, bẫy, bắt; nuôi, nhốt; giết động vật rừng trái pháp luật; vận chuyển lâm sản trái pháp luật hay mua, bán, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản trái các quy định của Nhà nước có thể bị phạt với mức cao nhất là 500 triệu đồng.

So với Nghị định 159/2007/NĐ-CP quy định mức phạt cao nhất chỉ tới 30 triệu đồng, Nghị định mới đã tăng mức xử phạt cao gấp nhiều lần, góp phần hữu hiệu trong việc ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng và khai thác lâm sản trái pháp luật.
Thầm quyền xử phạt
Lực lượng Kiểm lâm và Chủ tịch UBND các cấp có thẩm quyền xử phạt VPHC trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.

Các cơ quan chức năng như Công an, Bộ đội biên phòng, Hải quan, Thuế, Quản lý thị trường, Thanh tra, các chủ rừng có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với cơ quan Kiểm lâm trong việc kiểm tra, thanh tra, ngăn chặn các hành vi vi phạm.

Nghị định cũng quy định cụ thể thủ tục áp dụng các biện pháp ngăn chặn, thủ tục xử phạt và thi hành quyết định xử phạt.

Phương Mai
(Nguồn: Nghị định 99/2009/NĐ-CP)

Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2009

Kỹ thuật trộn thư cao cấp trên MS Word2003

Thông thường khi sử dụng chức năng Mail Merge (trộn thư) trong MS Word để tạo ra các mẫu thư mời hay phiếu báo điểm... mặc định của chương trình là ứng với mỗi một Record dữ liệu nhất định sẽ tạo ra một trang tập tin Main chính trên một trang giấy (A4) tương ứng. Khi đó nếu nội dung của tập tin main chính quá ít bạn sẽ thấy trên trang giấy sẽ còn rất nhiều chỗ trống và nếu bỏ đi thì thật là đáng tiếc, thủ thuật sau sẽ giúp bạn tuỳ biến số lượng mẫu tin in ra sau khi trộn trên tập tin Main chính nhằm để tiết kiệm giấy.

Để có thể làm tốt thao tác trong bài viết này đòi hỏi bạn phải thành thạo kỹ năng Mail Merge cơ bản trong MS WORD

1. Chuẩn bị trước nội dung tập tin Main chính trên WORD2003 và tập tin danh sách cơ sở dữ liệu để trộn trên EXCEL2003 (danh sách này có thể dùng Table trên WORD cũng được).
2. Mở mới một Document WORD trắng, kích hoạt thanh công cụ Mail Merge.
3. Nhấp chọn nút công cụ Main document setup, xem hình 1.


Hình 1


4. Chọn chức năng tạo nhãn Labels trên hộp thoại Main Document Type, xem hình 2.


Hình 2


5. Trên hộp thoại Label Options nhấp chọn tên một kiểu nhãn phù hợp trong khung Product number, xem hình 3.


Hình 3


6. Nhấp nút New Label để thiết kế lại kích thước nhãn tùy biến theo khuôn mẫu vừa mới chọn: lần lượt điều chỉnh lại các thông số kích thước lề trên, dưới, độ rộng, chiều cao cho phù hợp với khổ giấy A4 (chọn ở mục Paper Size) tương ứng, lưu ý đến hai thông số quan trọng: Number across (số nhãn thể hiện theo cột), Number down (số nhãn thể hiện theo hàng), đặt tên cho mẫu label mới vào dòng Label name xong nhấp OK để đồng ý khởi tạo mẫu, xem hình 4.


Hình 4


* Hướng dẫn thêm: Ví dụ ở đây tôi muốn trên cùng một trang giấy A4 (khổ đứng) sẽ in ra được 2 phiếu báo điểm nằm theo kiểu hàng (trên và dưới) thì sẽ thiết lập number across (1) và number down (2), tương tự như vậy bạn có thể tùy biến thoải mái các thông số này nếu muốn in ra nhiều phiếu hơn trên cùng một mặt giấy.
7. Trở về hộp thoại Label Options bạn nhấp chọn mẫu tên Label vừa tạo, nhấp OK để bắt đầu quá trình trộn thư, xem lại hình 3.
8.Lúc này trên trang WORD trắng sẽ có một khung bảng (kiểu một cột, hai dòng) đúng như thiết kế ở bước 6, bạn lần lượt sao chép phần nội dung tập tin Main chính đã chuẩn bị (ở bước 1) vào hai khung trống này, xem hình 5.


Hình 5


9. Nhấp nút công cụ Open data Source (nút thứ hai từ trái qua) trên thanh Mail Merge để đưa vào tập tin danh sách EXCEL cơ sở dữ liệu đã chuẩn bị ở bước 1, xem hình 6.


Hình 6


10. Khi đưa vào tập tin EXCEL sẽ xuất hiện hộp thoại Select Table yêu cầu bạn xác định lại lần nữa thật chính xác Sheet chứa cơ sở dữ liệu chính thức, xem hình 7.


Hình 7


11.Trở lại giao diện trộn thư của WORD bạn nhấp chọn vào các vị trí cần điền nội dung trên tập tin “giấy báo điểm thi”, nhấp nút Insert Merge Fields (nút thứ sáu từ trái qua) trên thanh Mail Merge lần lượt chèn vào các cột tương ứng cho đúng vị trí, xem hình 8.


Hình 8


* Hướng dẫn thêm:
o Lần lượt chèn vào các Fields theo đúng thứ tự trên nội dung tập tin Main, tiến hành hai lượt cho mẫu giấy báo điểm bên trên và phía dưới (không được dùng thao tác Copy xuống dưới vì sẽ gây lỗi trong kết quả trộn), tương tự như vậy bạn sẽ phải tiến hành lần chèn công thức 3- lần 4 nếu như trên khổ giấy A4 thể hiện thêm 3 hay 4 mẫu phiếu báo điểm cùng loại.
o Khi chèn vào các công thức trường Fields bạn nên chọn chế độ thể hiện in đậm (Bold) để tạo ra hiệu ứng nổi bật đồng loạt trên các mẫu phiếu báo điểm sau khi trộn.
o Lưu ý: sau mẫu phiếu báo điểm thứ hai (bên dưới) lúc này sẽ có một công thức <>, bạn di chuyển công thức này lên sau ngay bên dưới của mẫu phiếu báo điểm thứ nhất (nếu bạn trộn ba mẫu phiếu báo điểm trên cùng mặt giấy thì lúc này chỉ có công thức <> dưới phiếu báo 1, phiếu báo 2, mà không có sau mẫu 3), xem hình 9.


Hình 9


12.Nhấp nút công cụ Merge to new document (nút thứ tư tính từ phải qua) trên thanh công cụ Mail Merge để xuất kết quả trộn thư sang một tập tin DOC mới. Trong hộp thoại qui ước trộn chọn All để trộn tất cả cơ sở dữ liệu hay From…to để trộn trong khoảng cách các record cố định tùy ý, nhấp OK để đồng ý, xem hình 10.

Hình 10


13. Kết quả của tập tin trộn thư sẽ theo đúng thiết kế (2 phiếu trên cùng một trang) và thứ tự từ một cho đến hết của các mẫu tin trong danh sách cơ sở dữ liệu Excel, xem hình 11.


Hình 11


(Trần Đại Minh Trí)

Thứ Hai, 14 tháng 9, 2009

Hiệu ứng nhà kính

Hiệu ứng nhà kính làm cho nhiệt độ của không gian bên trong của một nhà trồng cây làm bằng kính tăng lên khi Mặt Trời chiếu vào. Nhờ vào sức ấm này mà cây có thể đâm chồi, ra hoa và kết trái sớm hơn. Ngày nay người ta hiểu khái niệm này rộng hơn, dẫn xuất từ khái niệm này để miêu tả hiện tượng nghẽn nhiệt trong bầu khí quyển của Trái Đất được Mặt Trời chiếu sáng là hiệu ứng nhà kính khí quyển. Trong hiệu ứng nhà kính khí quyển, phần được đoán là do tác động của loài người gây ra được gọi là hiệu ứng nhà kính nhân loại.
Hiệu ứng nhà kính
Hiệu ứng nhà kính, xuất phát từ effet de serre trong tiếng Pháp, do Jean Baptiste Joseph Fourier lần đầu tiên đặt tên, dùng để chỉ hiệu ứng xảy ra khi năng lượng bức xạ của tia sáng mặt trời, xuyên qua các cửa sổ hoặc mái nhà bằng kính, được hấp thụ và phân tán trở lại thành nhiệt lượng cho bầu không gian bên trong, dẫn đến việc sưởi ấm toàn bộ không gian bên trong chứ không phải chỉ ở những chỗ được chiếu sáng.
Hiệu ứng này đã được sử dụng từ lâu trong các nhà kính trồng cây. Ngoài ra hiệu ứng nhà kính còn được sử dụng trong kiến trúc, dùng năng lượng mặt trời một cách thụ động để tiết kiệm chất đốt sưởi ấm nhà ở.
Hiệu ứng nhà kính khí quyển
Các tia bức xạ sóng ngắn của mặt trời xuyên qua bầu khí quyển đến mặt đất và được phản xạ trở lại thành các bức xạ nhiệt sóng dài. Một số phân tử trong bầu khí quyển, trong đó trước hết là điôxít cacbon và hơi nước, có thể hấp thụ những bức xạ nhiệt này và thông qua đó giữ hơi ấm lại trong bầu khí quyển. Hàm lượng ngày nay của khí đioxit cacbon vào khoảng 0,036% đã đủ để tăng nhiệt độ thêm khoảng 30 °C. Nếu không có hiệu ứng nhà kính tự nhiên này nhiệt độ trái đất của chúng ta chỉ vào khoảng –15 °C.
Có thể hiểu một cách sơ lược như sau : ta biết nhiệt độ trung bình của bề mặt trái đất được quyết định bởi cân bằng giữa năng lượng mặt trời chiếu xuống trái đất và lượng bức xạ nhiệt của mặt đất vào vũ trụ. Bức xạ nhiệt của mặt trời là bức xạ có sóng ngắn nên dễ dàng xuyên qua tầng ozon và lớp khí CO2 để đi tới mặt đất, ngược lại bức xạ nhiệt từ trái đất vào vũ trụ là bước sóng dài, không có khả năng xuyên qua lớp khí CO2 dày và bị CO2 + hơi nước trong khí quyên hấp thụ. Như vậy lượng nhiệt này làm cho nhiệt độ bầu khí quyển bao quanh trái đất tăng lên. Lớp khí CO2 có tác dụng như một lớp kính giữ nhiệt lượng tỏa ngược vào vũ trụ của trái đất trên quy mô toàn cầu. Bên cạnh CO2 còn có một số khí khác cũng được gọi chung là khí nhà kính như NOx, Metan, CFC.
Ở thời kỳ đầu tiên của lịch sử trái đất, các điều kiện tạo ra cuộc sống chỉ có thể xuất hiện vì thành phần của điôxít cacbon trong bầu khí quyển nguyên thủy cao hơn, cân bằng lại lượng bức xạ của mặt trời lúc đó yếu hơn đến khoảng 25%. Cường độ của các tia bức xạ tăng lên với thời gian. Trong khi đó đã có đủ cây cỏ trên Trái Đất, thông qua sự quang hợp, lấy đi một phần khí điôxít cacbon trong không khí tạo nên các điều kiện khí hậu tương đối ổn định.
Hiệu ứng nhà kính nhân loại
Từ khoảng 100 năm nay con người tác động mạnh vào sự cân bằng nhạy cảm này giữa hiệu ứng nhà kính tự nhiên và tia bức xạ của mặt trời. Sự thay đổi nồng độ của các khí nhà kính trong vòng 100 năm lại đây (điôxít cacbon tăng 20%, mêtan tăng 90%) đã làm tăng nhiệt độ lên 2 °C.
Không nên nhầm lẫn hiệu ứng nhà kính nhân loại với việc làm tổn thất đến lớp khí ôzôntầng bình lưu cũng do loài người gây ra.

Những ảnh hưởng có thể xảy ra do hiệu ứng nhà kính nhân loại
Phần lớn các nhà khoa học ủng hộ giả thuyết cho rằng việc tăng nồng độ các khí nhà kính do loài người gây ra, hiệu ứng nhà kính nhân loại, sẽ làm tăng nhiệt độ trên toàn cầu (sự nóng lên của khí hậu toàn cầu) và như vậy sẽ làm thay đổi khí hậu trong các thập kỷ và thập niên kế đến.
Giả thuyết này bị phủ nhận bởi một số người gọi là nhà phê bình khí hậu mà con số các nhà khoa học trong họ đã giảm đi rõ rệt trong những năm vừa qua.
Sau đây là một số hậu quả liên đới với việc thay đổi khí hậu do hiệu ứng này có thể gây ra:
- Các nguồn nước: Chất lượng và số lượng của nước uống, nước tưới tiêu, nước cho kỹ nghệ và cho các máy phát điện, và sức khỏe của các loài thủy sản có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự thay đổi của các trận mưa rào và bởi sự tăng khí bốc hơi. Mưa tăng có thể gây lụt lội thường xuyên hơn. Khí hậu thay đổi có thể làm đầy các lòng chảo nối với sông ngòi trên thế giới.
- Các tài nguyên bờ biển: Chỉ tại riêng Hoa Kỳ, mực nước biển dự đoán tăng 50 cm vào năm 2100, có thể làm mất đi 5.000 dặm vuông đất khô ráo và 4.000 dặm vuông đất ướt.
- Sức khỏe: Số người chết vì nóng có thể tăng do nhiệt độ cao trong những chu kì dài hơn trước. Sự thay đổi lượng mưa và nhiệt độ có thể đẩy mạnh các bệnh truyền nhiễm. Nhiệt độ tăng lên làm tăng các quá trình chuyển hóa sinh học cũng như hóa học trong cơ thể sống, gây nên sự mất cân bằng.
- Lâm nghiệp: Nhiệt độ cao hơn tạo điều kiện cho nạn cháy rừng dễ xảy ra hơn.
- Năng lượng và vận chuyển: Nhiệt độ ấm hơn tăng nhu cầu làm lạnh và giảm nhu cầu làm nóng. Sẽ có ít sự hư hại do vận chuyển trong mùa đông hơn, nhưng vận chuyển đường thủy có thể bị ảnh hưởng bởi số trận lụt tăng hay bởi sự giảm mực nước sông.
Xa hơn nữa nếu nhiệt độ của quả đất đủ cao thì có thể làm tan nhanh băng tuyết ở Bắc CựcNam Cực và do đó mực nước biển sẽ tăng quá cao, có thể dẫn đến nạn hồng thủy.
Các nỗ lực hiện tại để giảm trừ Hiệu ứng nhà kính nhân loại
- Một trong những cố gắng đầu tiên của nhân loại để giảm mức độ ấm dần do khí thải kỹ nghệ là việc các quốc gia đã tham gia bàn thảo và tìm cách kí kết một hiệp ước có tên là Nghị định thư Kyoto. Tuy nhiên, hiệp ước này không được một số nước công nhận, trong đó quan trọng nhất là Mỹ với lí do là hiệp định này có khả năng gây tổn hại cho sự phát triển kinh tế của Hoa Kỳ.
Tiến sĩ Roderic Jones thuộc Trung tâm Khoa học Khí quyển, phân khoa hóa của Đại học Cambridge đã phát biểu: Tôi không muốn làm mọi người lo sợ nhưng cùng lúc tôi nghĩ rằng thật là quan trọng nếu họ hiểu được tình hình và, một cách tối yếu, sự cần thiết phải làm gì đó cho nó. Nghị định thư Kyoto rất quan trọng, mặc dù vậy, theo (nội dung) đề cập, nó không đủ để cân bằng hóa CO2.
- Tuy nhiên, về phía nội bộ nước Mỹ và các nước tiên tiến khác, nhiều nỗ lực để giảm khí độc mà chủ yếu thải ra từ xe máy nổ và các nhà máy kỹ nghệ đã được áp dụng khá mạnh mẽ. Ở Hoa Kỳ, hầu hết các tiểu bang đều có luật bắt buộc các phương tiện giao thông dùng động cơ nổ phải có giấy chứng nhận qua được các thử nghiệm định kì về việc đạt tiêu chuẩn nhả khói của hệ thống xe.
- Trồng nhiều cây xanh (nhất là những loại cây hấp thụ nhiều CO2 trong quá trình quang hợp) nhằm làm giảm lượng khí CO2 trong bầu khí quyển, từ đó làm giảm hiệu ứng nhà kính khí quyển.
(Nguồn Wiki)

Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2009

Trái đất nóng lên dông bão càng nhiều và phức tạp


Mặt trời là lò phản ứng khổng lồ, tổng hợp hiđrô thành hêli với công suất 5,3 tỉ tỉ mêgaoat. Cứ mỗi giây đồng hồ, mặt trời truyền cho trái đất một năng lượng gần 5000 triệu kilôoat/giờ. Chính năng lượng này gây ra các hiện tượng mưa, gió, dông, bão… Hiện nay, cùng với hiện tượng trái đất ngày càng nóng lên, dông bão hình thành ngày càng nhiều, diễn biến phức tạp và vô cùng nguy hiểm.

Nước ta ở bờ Tây Thái Bình Dương, trong 71% diện tích được bao phủ, diện tích Thái Bình Dương chiếm một nửa. Quanh Thái Bình Dương có tới 360 núi lửa đang hoạt động, chiếm 85% số núi lửa trên thế giới và chiếm tới 80% số lần động đất, nguồn gốc của các đợt sóng thần khủng khiếp. Thái Bình Dương không những rộng mà còn rất sâu, chỗ sâu nhất là hồ Mariana sâu hơn 11km. Nhiệt độ trung bình của nước biển Thái Bình Dương là 19oC nhưng có tới 1/4 diện tích có nhiệt độ trên 25oC. Ở vùng vĩ độ 7o Bắc, nhiệt độ nước biển lên tới 280C chính là nơi bắt nguồn các cơn bão lớn. Nhiệt độ nước biển cao làm cho nước biển bay hơi mạnh tạo thành những đám mây có nhiều hơi nước, nên khi có giông bão cũng thường kéo theo các trận mưa lớn gây nên lụt lội.

* Các cơn dông thường xảy ra vào mùa hè nóng bức. Những nơi mùa hè càng dài càng có nhiều cơn dông. Nơi có nhiều cơn dông nhất là thành phố nhỏ Maowa - Indonesia có vĩ độ 6o36’, một năm có 322 ngày có dông và hàng ngàn lần sét đánh. Bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) trung bình một năm có 130 ngày có dông. Sét đánh làm hỏng ống khói, đường dây điện, cháy rừng chết người... Cơn dông có khi kèm theo mưa đá, vòi rồng rất nguy hại. Các nhà khoa học Mỹ đã nghiên cứu thiết bị “tên lửa phá dông”. Trước khi có cơn dông, người ta phóng tên lửa này lên không trung, nó sẽ liên tục kích thích sự phóng điện nhỏ để không gây ra những lần phóng điện lớn (sét đánh).

* Các cơn bão là hiện tượng không ngăn chặn được. Bão xảy ra do mặt biển nhiệt đới có nhiệt độ cao, độ ẩm lớn. Không khí nóng bốc lên cao, ngưng tụ thành mưa, giải phóng nhiều nhiệt. Không khí mặt biển lại tiếp tục nóng lên, mặt biển lại bốc hơi nước lên cao, không khí nóng, ẩm càng tăng nhanh, cứ tuần hoàn như vậy sẽ hình thành những vùng áp thấp. Không khí lạnh xung quanh đổ dồn vào trung tâm áp thấp tạo nên một dòng xoáy lớn. Người ta gọi đây là cơn lốc nhiệt đới (áp thấp nhiệt đới), thông thường không phát triển thành bão, chỉ khi nào cơn lốc nhiệt đới được bổ sung liên tục không khí nóng ẩm và phía trên cơn lốc nhiệt đới hình thành một vùng tản nhiệt mạnh mẽ, khiến cho không khí nóng ẩm ở vùng thấp bốc lên luôn luôn tản ra xung quanh, khi ấy sẽ có thể phát triển thành bão.

Bão là một dòng xoáy không khí rất lớn, có đường kính từ mấy trăm đến hàng ngàn kilômét, độ cao khoảng trên 9km, cá biệt có thể vươn cao tới 27km. Trung tâm bão có một vùng rỗng, đường kính khoảng 10km, gọi là mắt bão. Ở đó không khí tĩnh lặng, trời trong. Xung quanh mắt bão là những bức tường mây dày đặc, là vùng mưa gió khủng khiếp. Bão di chuyển giống như con quay vừa xoay, vừa tiến lên. Đường đi của bão thường hay đổi hướng, tốc độ gió rất lớn khoảng 40-60m/s, cá biệt lên tới 110m/s. Lượng mưa của mỗi trận bão vào khoảng 200-300mm, có khi lên tới 1000mm, do đó bão thường kèm theo lũ lụt.

Các thông tin về bão cho biết kinh độ, vĩ độ của tâm bão và tốc độ di chuyển của bão, vậy làm thế nào để biết bão ở cách xa bao nhiêu và sau bao lâu bão sẽ đến? Giả sử kí hiệu kinh độ và vĩ độ của tâm bão là λb và φb, tọa độ nơi ta ở là λ và φ. Mặt đất có dạng mặt cầu, để tính khoảng cách chính xác khoảng cách trên mặt cầu phải dùng lượng giác cầu (nhưng nước ta ở gần xích đạo, dùng hình học phẳng có phạm sai số nhưng không lớn). Mỗi độ theo kinh độ hay vĩ độ có độ dài bằng chu vi trái đất chia cho 360o, gần bằng 111km. Vậy khoảng cách từ tâm bão đến nơi ta ở là đường chéo của hình chữ nhật có hai cạnh là 111 ׀ λb - λ ׀ km và 111 ׀ φb - φ ׀ km. Các giá trị λb, λ, φb, φ tính bằng đơn vị là độ (theo số thập phân). Khi biết được khoảng cách, biết tốc độ sẽ tính được thời gian bão đến.

* Dông và bão đều hình thành ở mặt biển có nhiệt độ cao (miền nhiệt đới). Trái đất nóng lên do công nghiệp và giao thông phát triển, thải vào khí quyển một lượng khí khổng lồ, chủ yếu là khí CO2 làm cản trở sự bức xạ hồng ngoại của trái đất vào không gian vũ trụ, nên nhiệt độ trái đất tăng làm băng tuyết tan, mực nước biển dâng cao, gây mất cân bằng sinh thái..., dẫn đến dông bão hình thành nhiều và diễn biến phức tạp hơn, khoảng thời gian có dông bão cũng kéo dài thêm.

Để ngăn cản sự biến đổi khí hậu, việc đầu tiên con người có thể làm là trồng cây và bảo vệ rừng. Cây cối hấp thụ khí CO2 sẽ giảm thiểu hiệu ứng nhà kính. Đồng thời phải hạn chế sử dụng năng lượng hóa thạch như than đá, dầu mỏ bằng cách tăng cường dùng các năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng thủy triều, thủy điện, các năng lượng tái tạo như khí biogas, etanol...

Theo dự báo, nước ta là một trong 5 nước bị tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu. Đề phòng và hạn chế tác hại của dông bão là việc cấp bách và quan trọng nhưng cũng chỉ là biện pháp tình thế, còn việc ngăn cản và hạn chế sự biến đổi khí hậu toàn cầu mới là nhiệm vụ sống còn của mọi quốc gia./.

(PGS. Nguyễn Đình Noãn)

Thứ Sáu, 11 tháng 9, 2009

WTC bị 'san phẳng' và cuộc ném bom 'san phẳng' VN


- Để cho sự kiện đau đớn như 11/9 hay chiến tranh Việt Nam không xảy ra, cần có tầm nhìn nhân loại. Nếu chỉ nhìn thấy biên giới quốc gia, như cậu tôi thấy lũy tre quanh làng ở Hoa Lư, hay đồng nghiệp nhìn qua hàng rào nhà mình bên DC, chắc chắn còn xung đột.

Ground Zero - một dấu tích của sự kiện 11/9. (Ảnh: Hiệu Minh)


Cậu ruột của tôi rất quí những đứa cháu học hành đến nơi đến chốn, thoát ra lũy tre làng để lập thân, trong đó có tôi. Mỗi lần tôi thăm quê, mẹ thường mời họ hàng thân quen, trong đó có cậu, tới chơi nhà. Ngoài chuyện làm ăn, chuyện đường xa, cậu rất quan tâm đến nước Mỹ.

Câu hỏi của cậu là “Nước Mỹ có văn minh không?”. Đương nhiên câu trả lời là “có”. “Tại sao đế quốc Mỹ lại mang bom ném Việt Nam?"

Làng Tụ An thanh bình thuở nào bên dòng sông Hoàng Long yên ả, chẳng có gì đáng gọi là mục tiêu quân sự. Cống thủy lợi Trường Yên tưới tiêu cho cả tỉnh Ninh Bình. Thế mà nơi đây từng hứng chịu vài lần bom đạn đế quốc Mỹ, thực hiện "giấc mơ " làm "phẳng" miền Bắc của Tổng thống Mỹ lúc đó là Johnson. Giữa năm 1968, cống bị oanh tạc, mấy chục người chết thảm. Hai bên mố cống bị sụt lở và nứt. Năm đó lũ lụt đã tiếp tay phá tan đê. Hàng vạn người kêu khóc, trẻ em bà già nheo nhóc chạy lũ lên núi vào một đêm đen tối. Cậu tôi ghét đế quốc Mỹ là đương nhiên.

Năm 2005, sau khi định cư ở Mỹ vài năm, tôi về thăm. Lại câu hỏi khác về nước Mỹ: “Họ có mạnh không?”. Câu trả lời: “Mỹ mạnh nhất thế giới, cậu ạ”. “Mạnh mà để Bin Laden tấn công?”.

Cậu nói với vẻ hài lòng: “Ném bom làng mình, gây tội ác, thì phải nhận hậu quả thôi”. Đó là cách người nông dân ít học quê tôi nghĩ về sự kiện 11/9.

Vào 8 giờ 46 phút sáng 11/9/2001, chiếc máy bay American Airlines số 11 chở khách đầu tiên lao vào tầng 80 đã chia cắt những tầng lầu trên đó thành ốc đảo. Rất nhiều người thấy lửa cháy đang liếm dần lên tầng của mình, đã nhảy tự tử từ trên cao 300-400m vì biết không thể thoát. Trước khi chết, họ cũng căm thù tột độ những kẻ khủng bố cũng không kém so với ông cậu khi nhìn bom rơi xuống làng tôi mấy chục năm trước.

Người New York, thấy hai tòa tháp từ từ sụp xuống như que kem bị nắng hè làm tan chảy, vô cùng căm hận 19 tên cướp 4 máy bay. Tòa tháp đôi (Twin Towers) "phẳng" như bình địa (Ground Zero)

Bin Laden tính toán rất kỹ để đạo diễn vụ này. 11/9/2001 rơi vào thứ 3, máy bay ít người đi lại, hành khách chống trả sẽ yếu hơn. Vừa cất cánh nên rất nhiều xăng đủ thiêu đốt tòa nhà hàng trăm tầng. Tháng 9 mùa thu nước Mỹ, trời trong xanh và nắng vàng rực rỡ, quay tivi hay chụp ảnh thật tuyệt diệu.

Máy bay đầu lao vào tòa nhà phía Bắc, chiếc sau chậm khoảng 15 phút, đủ thời gian cho các hãng thông tấn tới quay cảnh tòa nhà đang cháy. Chiếc thứ hai đâm vào tòa tháp phía Nam trước các ống kính ti vi đã lắp sẵn sàng để truyền hình trực tiếp cú lao khủng khiếp.

911 cũng là số gọi cảnh sát hay chữa cháy. Bên Mỹ, tháng ghi trước ngày nên mới có 9/11, nghĩa là ngày 11 tháng 9. Nhắc đến 911 nghĩa là nhắc đến nỗi đau khôn nguôi của người Mỹ.

Một đồng nghiệp kể về ngày tuyệt vọng đó tại Washington DC trong tòa nhà cách Nhà Trắng đúng một phố. Vừa ngồi vào bàn làm việc thì ai đó hoảng hốt báo một máy bay hành khách lao vào tòa tháp đôi ở New York. Cả nhóm sang xem ti vi mà không biết chiếc United Airlines 175 đang tới. Anh nhìn thấy chiếc máy bay đâm vào tòa nhà, khối lửa bùng lên trên ti vi do CNN quay trực tiếp.

Vì chuyện xảy ra ở New York nên Washington DC cách xa 500km không cảm thấy ngay. Các anh đang đứng bàn tán chợt nghe tiếng còi rú inh ỏi ngoài đại lộ Pensylvania, Lầu Năm góc bị tấn công. Khói đen bay cao ngất trời. Mục tiêu tiếp theo có thể là Nhà Trắng cách đó một phố. Anh cảm thấy chưa chắc còn sống để quay về nhà với các con.

Hàng chục ngàn nhân viên vội ra lấy xe ở gara để về. Nhưng khi đó đã quá muộn. Đường phố Washington DC chật cứng. Từ gầm gara lên đến đường vài chục mét, anh đợi khoảng 6 tiếng. Con nhỏ ở trường không ai đón.

Nước Mỹ hỗn loạn, người nào cũng im lặng, vẻ mặt thất thần. So với trận ném bom của Mỹ năm 1968 ở Việt Nam hay lụt do vỡ đê của dân cố đô Hoa Lư đó, sự hoảng loạn tại thủ đô Hoa Kỳ cũng không khác mấy.

Với cậu tôi ở Trường Yên, bạn đồng nghiệp hay người thân của gần 3.000 linh hồn đã chết oan uổng dưới đống tro tàn của Trung tâm Thương mại Thế giới, Lầu Năm góc hay chiếc máy bay rơi ở Pensylvania thì những kẻ gây ra tội ác đáng bị treo cổ.

Tại sao còn có người Việt Nam ghét đế quốc Mỹ. Xin hỏi cậu tôi và những người bị mất mát trong chiến tranh.

Tại sao cả nước Mỹ căm thù Bin Laden và đồng bọn. Xin hỏi những người đã sống qua ngày 11/9 trong sự hoảng loạn đến tột cùng.

Tại sao một số dân Palestine lại hân hoan vào ngày 11/9? Xin đến bờ Tây, Dải Gaza xem họ sống như tù nhân trên chính tổ quốc mình.

Nước Mỹ thay đổi sau khi người lính cuối cùng rút khỏi Sài Gòn năm 1975. Cú đâm máy bay vào tòa tháp đôi và Lầu Năm góc của Bin Laden đã thay đổi cả thế giới.

Tổng thống Nixon muốn Việt Nam đầu hàng, nhưng phải ngồi vào hội nghị Paris, để cuối cùng rút chạy trong cay đắng. Tổng thống Bush định đưa thế giới từ đa cực thành đơn cực do Mỹ làm bá chủ nhưng thất bại. Quốc gia Nga hay cạnh tranh với Mỹ đã không còn mạnh như trước, nhưng cùng lúc đó, Trung Quốc và Ấn Độ lại trỗi dậy.

Tìm cách tiêu diệt hết kẻ thù để không còn khủng bố như Bush muốn là không thể. Giải tán Taliban ở Afganistan, treo cổ Sadam Hussen tại thành Baghdad lại có những thế lực khác thích máu đổ lại nổi lên.

Khi những kẻ thông minh dùng trí não cho việc giết đồng loại thì rất đáng sợ. Bin Laden đạo diễn vụ tấn công nước Mỹ là một minh chứng. Basayev tổ chức tấn công trường học Beslan ở Nga có kịch bản tương tự, giết càng nhiều càng tốt.

Để cho sự kiện đau đớn như 11/9 hay chiến tranh Việt Nam không xảy ra, cần có tầm nhìn nhân loại. Nếu chỉ nhìn thấy biên giới quốc gia, như cậu tôi thấy lũy tre quanh làng ở Hoa Lư, hay đồng nghiệp nhìn qua hàng rào nhà mình bên DC, chắc chắn còn xung đột.

Thế giới phẳng cần lãnh đạo “phẳng”, chính trị “phẳng”, chiến lược “phẳng”, nghĩa là tìm ra giải pháp đôi bên hay nhiều bên cùng có lợi. Cách tiếp cận “trạng chết chúa cũng băng hà” để tìm cách "san phẳng" nhau chỉ mang lại thêm đau khổ. Khăng khăng cái “lưỡi bò” làm của riêng thì nhất định sẽ còn hàng xóm thù địch lẫn nhau.

Bàn về 11/9, người đồng nghiệp đã bình tâm hơn. Anh nói, giá như mọi người biết đặt quyền lợi của mình trong cái chung, sẽ không có thảm họa. Nếu nghĩ đến cả cộng đồng thì ai cũng là người chiến thắng. Vơ vét cho riêng mình sẽ tự tiêu diệt. Cộng đồng toàn những kẻ tham lam, bạc bẽo, ngày kia sẽ tàn lụi.

Xa hơn nữa là tầm quốc gia và toàn cầu. Nghĩ đến “của mình, nước mình” thì thảm họa kiểu 11/9 hay chiến tranh Việt Nam tương tự sẽ còn, mà kẻ ích kỷ gây ra chưa chắc đã thoát bị trừng phạt, bằng cách này hay cách khác, dưới dạng này hay dạng khác.

Chỉ có điều, người lương thiện như cậu tôi, bạn tôi, người viết bài và kể cả độc giả sẽ bị thiệt thòi nhất. Bài học 11/9 với Twin Tower bị "san phẳng" thành Ground Zero hay cuộc ném bom "san phẳng" Việt Nam còn đó mãi với nhân loại.


(Hiệu Minh -Vietnamnet)

Thứ Hai, 24 tháng 8, 2009

Về bài thơ "Lời cầu nguyện của rừng"




Trong ngành lâm nghiệp hầu như ai cũng biết hoặc nghe nói đến bài thơ "Lời cầu nguyện của rừng" của tác giả B.B, nhưng chưa được biết xuất xứ và chưa có được trọn vẹn bài thơ này.

B.B tức kỹ sư Bùi Bá, sinh năm 1918 và mất vào năm 1991, tốt nghiệp Trường Cao đẳng nông lâm Brévié Hà Nội năm 1940. Ông đã giữ chức vụ Vụ trưởng Vụ lâm nghiệp thuộc Bộ lâm nghiệp và sau đó là chuyên viên cao cấp tại Bộ.

Được biết giáo sư Lê Văn Ký, hiện giảng dạy tại trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh (Thủ Đức) biết rõ xuất xứ về bài thơ Lời cầu nguyện của rừng, và được phép của giáo sư, chúng tôi xin đăng tải về nguồn gốc bài thơ mà giáo sư đã sưu tập được (*).

Trường Quốc gia Nông - Lâm - Mục khai giảng vào tháng 12 năm 1955 gồm có ba ngành Nông - Lâm - Súc. Năm 1957, anh Nguyễn Hữu Đính, kỹ sư thủy lâm lão thành ở Huế, có gửi tặng trường bảng Danh từ lâm học Pháp Việt cùng với bài thơ Lời cầu nguyện của rừng của anh Bùi Bá; hai tài liệu này anh Đính đã mang từ Bắc về khi đi dự một hội nghị về lâm nghiệp ở miền Bắc. Sau đây là nguyên văn bài thơ:

Người hỡi!
Người có biết, những đêm đông giá lạnh, ta bốc hơi ấm lửa hun nồng;
Người có biết, những ngày nắng gắt, ta cho tàn mát rượi ánh thiêu nung;
Người có biết, dười sườn nhà đồ sộ, ta cho người dầu dãi nắng mưa chan;
Người có biết, trên nếp giường êm ấm, người nương ta an giấc điệp mơ màng;
Người có biết, kìa con thuyền vượt sóng, ta đưa người du ngoạn khắp năm châu;
Người có biết, nọ chuôi cày xới đất, ta vun cây cho nảy nở hoa màu.
Chính ta đã rước người vào cuộc thế, trong chiếc nôi âu yếm mẹ đưa ru.
Rồi ta sẽ tiễn người khi vĩnh biệt, làm áo quan ấm áp giấc nghìn thu.
Người hỡi người, nghe lời ta cầu nguyện: Chớ hại ta mà vũ trụ âu sầu...

Để ta sống, ta điều hòa mưa nắng, hoa xinh tươi cây cối nẩy thêm tươi.
Để ta sống, ta ngăn luồng vũ bão; chận cát bay làn gió bốc tung trời.
Để ta sống, ta đùn mây quyện gió, gieo mưa tuôn đầm ấm cõi trần gian.
Để ta sống, ta cản dòng nước lũ, cứu nhân dân cơn thủy nộ lầm than.
Ta là Mẹ của muôn nền hưng thịnh, làng hưng phong xây dựng nước hưng phong.
Ta tô điểm non sông nên gấm vóc, cây xanh cao lá biếc lớp trùng trùng
(Ta bảo vệ chiến khu và chiến sĩ, chống xâm lăng ta kháng chiến oai hùng)
Người hỡi!
Hồn Tổ quốc ngự giữa rừng sâu thẳm,
Rừng điêu tàn là Tổ quốc suy vong!
B.B

Vì lý do an ninh nên tác giả phải viết tắt là B.B và câu cuối (Ta bảo vệ chiến khu và chiến sĩ...) lúc ấy là một hàng chấm chấm. Mãi đến năm 1982, trong dịp anh Bùi Bá đến dự Hội thảo trên Trường Đại học nông nghiệp 4 ở Thủ Đức, tôi trình bày việc bài thơ Lời cầu nguyện của rừng đã được phổ biến rộng rãi ở miền Nam từ năm 1957, thì anh mới thêm câu ấy vào cho bài thơ nguyên thủy.

Đọc kỹ bài thơ Lời cầu nguyện của rừng, thấy rằng phần trên (10 câu đầu) là phỏng dịch từ bài La Prière de la Forêt:
Còn hai câu thơ cuối là dịch từ hai câu thơ của André Theuriet:

Các ngành lâm học Pháp đều biết bài Prière de la Forêt. Chúng tôi, kỹ sư thủy lâm Việt Nam cũng có nghe nói đến bài thơ ấy. Cụ thể là một ông giám đốc thủy lâm người Pháp lúc đó có gắn bằng chữ gỗ bài Prèire de la Forêt ở cửa vào Nha thủy lâm miền Nam ở đường Richaud (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu) và Sở thủy lâm Đà Lạt có dựng một tấm bảng to sơn bài thơ này ở Cam Ly trên đường vào Trung tâm thực nghiệm lâm học Manline, cạnh phần mộ của ông Nguyễn Hữu Hào.

Năm 1960, trong chuyến đi tham quan Trung tâm nghiên cứu và giáo dục lâm nghiệp Dehra Dun (Ấn Độ) (Forest Research Institute and College), tôi thấy trên tường nhà ăn sinh viên có ghi bài thơ tiếng Anh Prayer of the Forest, xem lại là dịch nguyên văn bài thơ Prière de la Forêt.

Năm 1962, trong chuyến tham quan các Trung tâm nghiên cứu và Trường đại học lâm nghiệp ở Liên bang Đức, tại Trường Đại học Freiburg, tình cờ tôi gặp trên một tờ báo Lâm nghiệp cũ một bài thơ tựa đề Das Gebet des Waldes (Lời cầu xin của rừng). Tôi mang bài thơ nhờ giáo sư Prodan dịch dùm ra tiếng Pháp thì thấy đúng bài Das Gebet des Waldes là bài Prière de la Forêt.
Sau đây là nguyên văn bài Das Gebet des Waldes.

Bà quản thủ thư viện Trường Đại học lâm nghiệp Freiburg theo lời yêu cầu của tôi đã truy tầm và cho biết Hannes Tuch là một cán sự lâm nghiệp, sinh ngày 2.11.1906, sống ở Kreis Warburg, Westphalie, Tây Đức. Ông còn là một nhà sưu tầm đồ cổ và sản xuất các loại mặt nạ v.v...

Tôi theo địa chỉ biên thơ cho ông Hannes Tuch, cho ông biết bài thơ của ông đã được dịch ra tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Việt để phổ biến nhiều nơi trên thế giới. Ông ta trả lời rất vui mừng đồng thời lưu ý một điều là bài thơ ông làm theo lối cổ "Stabreim" của xứ Saxon: ba hay bốn từ trong một câu bắt đầu bằng một chữ cái:

Như vậy đã rõ là để viết bài thơ tuyệt tác Lời cầu nguyện của rừng, anh Bùi Bá đã lấy ý từ bài Prière de la Forêt của Pháp; còn bài Prière de la Forêt không có âm vần, không có tên tác giả, là dịch gần như nguyên văn từ bài Das Gebet des Waldes của Hannes Tuch, một nhà lâm nghiệp, thi sĩ của Đức...

Người ghi: HUỲNH MINH BẢO
GS. LÊ VĂN KÝ
====================



LỜI CẦU NGUYỆN CỦA RỪNG
(Vương Tam Mộc* và Tiến Trực)

"Mấy lời nhắn nhủ với người
Rừng sưởi ấm bạn khi trời giá băng,
Nắng hè như nấu như nung
Rừng dâng gió mát, bóng tùng thiếu chi
Gỗ rừng, bạn cất nhà đi
Đóng giường, đóng tủ thiếu gì mà lo
Đóng tàu đủ cở nhỏ to
Cán sẻng, cán cuốc làm cho vừa tầm
Cổng cửa, rào dậu quanh sân
Bàn giấy, bàn viết, di van bạn ngồi
Tuổi già bạn lánh cỏi đời
Rừng tặng cấp sũ thảnh thơi ngả mình
Nghe rừng khẩn khoản thanh minh
Xin đừng phá hoại rừng xanh ích gì ?
Bổ sung là lệ thường khi
Khai thác là phải bù trì ngay cho
Rừng dầy xanh tốt cây to
Hưng vượng Tổ quốc, cần lo hỡi người.

(*Tên hiệu của GS Vương Đình Xâm)

Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2009

Cải cách…website


Một trong những yêu cầu chính của việc xây dựng Chính phủ điện tử và cải cách TTHC là website của những cơ quan nhà nước phải cập nhật thông tin liên tục, giúp người dân tra cứu thông tin cần thiết một cách nhanh chóng, thuận lợi và tiết kiệm thời gian.

Mới đây, Bộ Thông tin & Truyền thông đã ban hành Thông tư quy định tiêu chuẩn website của cơ quan Nhà nước để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi truy cập. Thông tư này còn khuyến khích các trang thông tin của Bộ, ban, ngành hỗ trợ cho đối tượng là người khuyết tật. Đây có thể coi là hoạt động thúc đẩy quá trình xây dựng Chính phủ điện tử nhanh hơn và cải cách hành chính mạnh mẽ hơn.

Cách đây vài năm, khi phong trào thành lập website bùng nổ, nhiều cơ quan nhà nước, cty, tổ chức đã thành lập website. Số tiền tiêu tốn cả chục triệu đồng. Tuy nhiên, không ít website đã làm người dân thất vọng bởi thông tin nghèo nàn, xoay quanh nội dung tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, thếit kế quá đơn giản và lịch cập nhật thông tin có thể tính bằng…quý.

Vẫn biết, có một điều khó cho các cơ quan khi xây dựng website là cần người để quản lý và cần thêm 2-3 người phụ giúp công việc viết bài, cập nhật tin liên tục. Nhân viên của cơ quan ấy sẽ phải làm việc nhiều thêm, hoặc cơ quan sẽ phải tuyển thêm một vài nhân sự, bộ máy có thể thêm cồng kềnh, tốn kém. Tuy nhiên, nếu cứ dựa vào lý do này thì rất khó để có một sự cải cách, một sự đổi mới mang lại lợi ích cho người dân và thay đổi nề nếp làm việc của nhiều nhân viên Nhà nước.

Thực tế cho thấy, không ít lần các phương tiện thông tin đại chúng lên tiếng phản ánh viên chức của một số cơ quan Nhà nước khá nhàn rỗi, dư thừa thời gian. Tại sao các cơ quan không sử dụng đội ngũ này, tập huấn kỹ năng làm việc website với họ để sử dụng lao động hợp lý hơn; thậm chí trả thêm thù lao xứng đáng với công sức họ bỏ ra.

Phải chăng, việc xây dựng website, hưởng ứng việc xây dựng Chính phủ điện tử và CCHC chỉ là hoạt động phong trào, nhanh chóng bước vào thoái trào bởi sự lười biếng học hỏi của không ít cơ quan, tổ chức?

Thông tư của Bộ Thông tin & Truyền thông mới ban hành được xem như hành lang pháp lý chặt chữ để mọi website của cơ quan Nhà nước được giám sát, nhằm hoạt động hiệu quả hơn và phục vụ người dân một các thiết thực nhất. Và chắc chắn, những website “rỗng ruột” sẽ sớm bị loại bỏ.

(Thanh Hoàn - An Ninh Thủ Đô 14/8)

HOA SỮA



Hoa sữa, người thương kẻ ghét

Trong hàng trăm loài cây xanh đô thị, có lẽ cây Hoa sữa là cây gây nhiều ấn tượng cho nhiều người nhất.

Ai đã từng tiếp cận thơ ca nói về Hoa sữa thì đó là một đối tượng tuyệt vời. Với thơ ca hiện đại, Hoa sữa từng làm cho bao người ngây ngất. Trong hàng chục bài thơ nói về Hoa sữa, có đến 6 bài mang tên "Hoa sữa" đăng ở website Thi Viện, trong đó bài của Hải Như, với 16 câu mà có đến 12 lần điệp từ "hoa sữa". Đó là thơ, tính phổ cập cộng đồng chưa bằng nhạc. Hàng chục bài hát ca tụng vẻ đẹp, hương thơm của loài cây Hoa sữa, được hát đi hát lại đây đó, đã góp phần rất lớn vào việc gây ấn tượng khó phai đối với nhiều người. Nào là "... Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm. Có lẽ nào anh lại quên em,... (Hoa sữa - Hồng Đăng)", (... Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội, mùa hoa sữa về, thơm từng cơn gió... (Nhớ mùa thu Hà Nội - Trịnh Công Sơn), "... Nhớ phố Khâm Thiên, đường Nguyễn Du những đêm hoa sữa thơm nồng... (Nhớ về Hà Nội - Hoàng Hiệp)", "... Chỉ còn mùi hoa sữa nồng nàn trong căn phòng nhỏ, đêm cuối thu trăng lạnh mờ sương ... (Im lặng đêm Hà Nội - Phú Quang)", "... Hoa sữa thôi rơi, em bên tôi một chiều tan lớp... (Hà Nội mùa vắng những cơn mưa - Trương Quý Hải)... Có lẽ từ đó, trong tâm khảm của nhiều nhà quản lý đô thị, Hoa sữa là một loài cây cho hoa đẹp, hương thơm, nên phát triển là một việc làm hay. Do vậy, Hoa sữa đã có điều kiện lên ngôi, nhiều thành phố, thị xã, thị trấn của hàng chục tỉnh thành khắp cả nước rộ lên phong trào trồng Hoa sữa.

Tuy nhiên, ai đã từng chung sống với hàng hoa sữa vào độ sung sức, trăm hoa đua nở, chịu cảnh đêm đêm ngửi mùi hoa hăng hắc nồng nặc, đến nỗi viêm mũi dị ứng, hắt hơi, sổ mũi, thì Hoa sữa là một "đối tượng đáng gờm". Đã có quá nhiều bài báo phản ánh nhược điểm này của cây Hoa sữa trên vỉa hè đường phố ở một số khu đô thị. Cư dân thành phố nhiều nơi đã than oán, kêu van, rồi ngậm ngùi chấp nhận, vì họ chẳng làm sao thay đổi được thực trạng. Đó là chưa nói, lắm trường hợp vào mùa nắng nóng, trong khi mọi người đang mong có thêm màu xanh, thêm bóng mát, thì cả hàng cây hoa sữa bị sâu bệnh tấn công, cành lá khô cháy, tiêu điều, xơ xác; đến mùa quả chín nứt nẻ rồi khô đi, nhưng không rụng mà cứ treo lủng lẳng thành từng về trông tựa những về rác thải khó nhìn.

Hoa sữa là một loài cây gỗ rừng, mọc tự nhiên rải rác ở ven rừng tự nhiên, ven sông, ven suối. Gỗ nhẹ, dùng làm nhiều đồ dùng thông thường; vỏ dùng trị một số bệnh đường ruột và chữa sốt. Nhưng đặc biệt hơn cả là gỗ của nó đã từng được dùng làm bảng con cho học sinh, nên trong tên khoa học của nó - Alstonia scholaris - đã có tính ngữ Latin "scholaris: thuộc về nhà trường", và vì thế mà có tên tiếng Anh là Blackboard Tree. Cây thuộc họ Trúc đào - Apocynaceae, phân bố ở miền Nam Trung Quốc (Quảng Tây, Vân Nam - với tên gọi là Đường giao thụ), Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Ấn Độ, Nepal, Sri Lanka, Indonesia, Malaysia, Papua New Guinea, Philippines, Queensland.

Do cây tạo bóng tốt, cho hoa màu trắng sữa đẹp, mùi hương của hoa khi thoang thoảng gây cảm giác dễ chịu, nên đã được dẫn giống trồng làm cây bóng mát nhiều nơi. Tất nhiên, trong môi trường đô thị việc chọn nơi trồng và mật độ trồng là điều quan trọng. Lạm dụng trồng dày đặc ở khu dân cư sẽ gây ra hội chứng hoa sữa nồng nặc rất phản tác dụng. Tuy thế, ở nhiều địa bàn trung du và thượng du trong khu vực miền Trung, mặc dù đã có sẵn nguồn gen bên cạnh, nhưng vì quen gọi dưới một tên gọi khác là Mò cua hay Mù cua, nên cũng chạy vạy bỏ tiền ra tìm mua cho bằng được Hoa sữa Hà Nội về trồng. Khi cây sống, đơm hoa nở nhụy thì mới ngờ ngợ rằng quê mình đã có.
.
Qua một số thông tin vừa nêu, chúng tôi nghĩ rằng cây Hoa sữa không phải là loài cần loại ra khỏi hệ thống cây xanh đô thị. Điều quan trọng là nên trồng vừa phải, điểm xuyết mỗi nơi vài ba cây, và đặc biệt nên tránh trồng quá gần khu dân cư.
.


Theo Đỗ Xuân Cẩm

Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2009

TÌNH HUỐNG SƯ PHẠM

Trong một kỳ thi...

chuyện này xảy ra như cơm bữa, nhưng cơm hôm nay có món khác các hôm trước!




Nếu Thầy (Cô) gặp trường hợp này thì nên xử lý thế nào? lập biên bản hay bỏ qua? Bỏ qua thì cả Thầy và Trò cùng vi phạm quy chế thi? Lập biên bản thì nên thu tang vật là cái gì đây? Thu tang vật xong thì bỏ vào túi nào?... "hóc tài liệu" quá!

Cứu tôi với nhé. Xin cảm ơn trước.

Một vài điều cấm kỵ về "hôn"


Cấm được hôn bừa hôn bãi.
Cấm được hôn sư sãi đang tụng kinh.
Cấm được hôn người cùng giới tính với mình.
Động tác chính chỉ từ đầu xuống cổ.

Cấm được hôn băm hôn bổ.
Cấm được hôn sấn sổ vồ người ta.
Cấm được hôn giữa bãi tha ma
Để người chết còn nằm yên dưới mả.

Khi được hôn toàn thân phải buông thả,
Miệng khép hờ, không được cắn chặt môi,
Cũng không được mở rộng như miệng nồi,
Tránh tình trạng vi trùng chui vào miệng.

Cấm được vừa hôn vừa nói chuyện.
Đồng ý xong rồi cấm được kiện nhau.
Có thể hôn vòng từ trước ra sau,
Không khoan khoái tuyệt nhiên không được cáu.
.

Chủ Nhật, 2 tháng 8, 2009

TÌNH BẠN
















HỎI ĐÁP VỀ MÔI TRƯỜNG


Rừng là lá phổi xanh của trái đất. Cây xanh, trong quá trình quang hợp, hấp thụ khí cacbonic và nhả ra khí ôxy cần thiết cho sự sống.

Rừng có tác dụng làm trong sạch không khí. Tán lá cản và giữ bụi. Lá cây tiết ra nhiều loại chất kháng khuẩn có tác dụng tiêu diệt vi trùng gây bệnh trong không khí.

Rừng là nơi sinh sống của nhiều loài động vật hoang dã, trong đó có nhiều loài quý hiếm. Trong rừng có nhiều loại cây khác nhau. Đây là nguồn thực phẩm, nguồn nguyên liệu quý cho công nghiệp và dược phẩm, là nguồn gen hoang dại có giá trị trong lai tạo giống mới cho nông nghiệp và chăn nuôi.

Rừng bảo vệ và cải tạo đất. Nhờ có tán lá xoè rộng như chiếc ô, nước mưa không xối thẳng xuống mặt đất, nắng không đốt cháy mặt đất, nên lớp đất trên mặt khó bị rửa trôi theo nước mưa. Rừng nuôi đất, bồi bổ cho đất.

Đất rừng hầu như tự bón phân, vì cành lá rơi rụng từ cây sẽ bị phân huỷ, tạo thành các chất dinh dưỡng, làm tăng độ màu mỡ của đất. Đất phì nhiêu, tơi xốp sẽ thấm tốt, giữ nước tốt và hạn chế xói mòn. Vùng bãi triều ven biển có các rừng sú, vẹt, đước, vừa chắn sóng, vừa giữ phù sa, làm cho bờ biển không những không bị xói, mà còn được bồi đắp và tiến ra phía trước.

Rừng có tác dụng điều hoà dòng chảy trong sông ngòi và dưới đất. Nước mưa rơi xuống vùng có rừng bị giữ lại nhiều hơn trong tán cây và trong đất, do đó lượng dòng chảy do mưa trong mùa lũ giảm đi. Rừng cản không cho dòng chảy mặt chảy quá nhanh, làm cho lũ xuất hiện chậm hơn, giảm mức độ đột ngột và ác liệt của từng trận lũ. Nước thấm xuống đất rừng vừa là nguồn dự trữ nuôi cây và các sinh vật sống trong đất, vừa chảy rất chậm về nuôi các sông trong thời gian không mưa. Do đó những vùng có nhiều rừng che phủ sẽ giảm bớt được thiên tai hạn hán và lũ lụt. Rừng càng nằm gần đầu nguồn sông, tác dụng điều hoà dòng chảy càng lớn hơn.

Rừng có giá trị lớn về du lịch. Vì rừng có nhiều phong cảnh đẹp, với nhiều loại động thực vật hoang dã, lôi cuốn sự ham hiểu biết, trí tò mò của mọi người. Khí hậu trong rừng mát mẻ, điều hoà, không khí sạch sẽ còn có tác dụng chữa bệnh rất tốt.

Nói tóm lại, rừng có giá trị nhiều mặt cho con người. Vì các nhu cầu ngày càng tăng của mình, con người không thể không khai thác rừng. Tuy nhiên, nếu biết khai thác một cách hợp lý và có kế hoạch trồng rừng thích hợp, chúng ta sẽ vẫn vừa thoả mãn được các nhu cầu của mình, vừa không làm tổn hại đến rừng.

Trái đất ngày xưa phủ kín một màu xanh của cây cối. Hồi đầu thế kỷ này ngay Hà Nội của chúng ta cũng còn nằm sát rừng. Vậy mà bây giờ rừng đã lùi xa khỏi các điểm tập trung dân cư. Chỉ tính riêng ở vùng Hà Nội, trung bình mỗi năm rừng lùi xa khỏi chúng ta khoảng 1 km. Vì sao vậy?
- Rừng bị chặt phá trước tiên là để lấy đất làm nông nghiệp, trồng cây công nghiệp, nuôi thuỷ sản, xây dựng... Những vùng đất bằng phẳng, màu mỡ bị chuyển hoá thành đất nông nghiệp còn có thể trồng trọt được lâu dài. Hiện nay, những vùng như vậy hầu như đã bị khai thác hết. Còn những vùng đất dốc, kém phì nhiêu, sau khi bị chuyển đổi thành đất nông nghiệp, thường cho năng suất thấp, rất dễ và nhanh bị bạc màu, hoặc đòi hỏi phải có những đầu tư tốn kém cho tưới tiêu và cải tạo đất. Rừng ngập mặn ven biển của Việt Nam đang bị chặt phá để làm ao nuôi tôm. Do nuôi tôm kiểu quảng canh, không đúng kỹ thuật, nên năng suất không cao và mỗi ao cũng chỉ cho thu hoạch được vài năm, sau đó người ta lại đi chặt phá rừng làm ao mới. Rừng Tây Nguyên đang bị người dân di cư tự phát đốt phá nham nhở.
- Nguyên nhân thứ hai dẫn đến mất rừng là lấy gỗ làm củi đốt. Cho đến thế kỷ XIX, trước khi khám phá ra khả năng đốt bằng than và dầu, chất đốt chủ yếu của con người là củi gỗ. Nhiều nước châu Âu, trong giai đoạn đầu của cách mạng khoa học kỹ thuật đã đốt gần hết rừng của mình. Hiện nay, ở nhiều nơi trên thế giới, củi và than củi vẫn là chất đốt chính trong gia đình và các bếp đun đang đốt khoảng 1/4 số diện tích rừng bị tàn phá hàng năm.
- Nguyên nhân thứ ba gây mất rừng là do khai thác gỗ. Gỗ cần cho sản xuất các đồ gia dụng, sản xuất giấy... Khoa học kỹ thuật càng phát triển, người ta càng khám phá ra nhiều công dụng mới của gỗ, làm cho lượng gỗ tiêu thụ ngày càng nhiều. Trong khai thác gỗ, nếu chỉ chạy theo lợi nhuận, chỗ nào dễ thì khai thác trước, không đốn tỉa mà chặt hạ trắng, nghĩa là chặt từ bìa rừng vào, vừa chặt cây to để lấy gỗ, vừa phá hoại cây con, thì những khu vực rừng đã bị chặt phá sẽ khó cơ hội tự phục hồi lại được.

(Phá rừng thì cơ giới hiện đại, trồng rừng thì thô sơ)


- Nguyên nhân thứ tư gây mất rừng là do cháy. Rừng bị cháy do đốt rừng làm nương, làm bãi săn bắn, dùng lửa thiếu thận trọng trong rừng, thiên tai, chiến tranh... Trong mùa khô, chỉ cần một mẩu tàn thuốc lá cháy dở, một bùi nhùi lửa đuổi ong ra khỏi tổ để lấy mật cũng đủ gây ra một đám cháy rừng lớn trong nhiều ngày, nhất là khi không có đủ nước, nhân lực và phương tiện để dập tắt lửa.
- Chiến tranh không phải là hiện tượng phổ biến, thường xuyên. Tuy nhiên các cuộc chiến tranh thường có sức tàn phá ghê gớm. Ở Việt Nam, từ 1945 cho đến nay mất khoảng hơn 2 triệu hecta. Nhiều vùng rừng bị chất độc hoá học tàn phá đến nay vẫn chưa mọc lại được.
Nói tóm lại, có năm nguyên nhân chính gây mất rừng là lấy đất, lấy gỗ, lấy củi, cháy rừng và chiến tranh. Trong đó mất rừng do cháy và chiến tranh là sự mất mát phi lý nhất, vì nó chẳng đem lại điều gì tốt đẹp cho con người. Việc phá rừng lấy đất, lấy gỗ, củi bừa bãi thực tế chỉ nhằm phục vụ cho lợi ích của một số cá nhân nào đó. Cái lợi mà việc làm đó đem lại nhỏ hơn nhiều so với cái hại mà nó gây ra. Vì mất rừng là trái đất mất cỗ máy sản xuất ôxy, động vật mất nơi cư trú, nhiều loại cây quí, lâu năm bị tuyệt giống, lũ lụt và hạn hán trở nên trầm trọng hơn... Hy vọng rằng bằng việc áp dụng thành công các tiến bộ khoa học kỹ thuật và sử dụng tiết kiệm, hợp lý tài nguyên đất, rừng, tăng cường trồng và bảo vệ rừng, diện tích rừng trên trái đất sẽ không bị giảm có thể tăng lên.




Theo tính toán của các nhà khoa học, các hàng cây với khoảng cách phù hợp sẽ cản được 30% tốc độ gió và có khả năng bảo vệ phạm vi đất đai gấp hơn 2 lần chiều cao của cây. Ở những nơi có gió cát và hạn hán nghiêm trọng, việc trồng những hàng cây phi lao ngăn gió cát rất có tác dụng cải thiện môi trường sinh thái đất đai.
Rừng là chiếc ô bảo vệ mặt đất. Khi trơì mưa, do tán lá cây hứng đỡ nên nước mưa không trực tiếp xối xuống mặt đất, điều này có ý nghĩa rất lớn đối với việc phòng chống xói mòn. Thực tế cho thấy, nếu nước mưa trực tiếp xối vào mặt đất thì mỗi năm một hecta đất trồng hoa bị xói mòn 20 tấn, đất trồng cỏ bị xói mòn 1 tấn, trong khi đó đất trồng rừng chỉ bị xói mòn 0,1 tấn. Mặt đất trong rừng có nhiều cành và lá cây khô, nước mưa rơi xuống mặt đất không thể xối thằng vào đất, cũng không thể chảy nhanh mà ngầm chảy từ từ. Đó là vật cản quan trọng khiến mưa to không gây ra lũ lụt và rất có ích đối với việc bảo vệ đồng ruộng, nhà cửa.
Cây cối cũng là những "anh hùng" hút bụi, chống ô nhiễm. Lá của một số loại cây có những nếp nhăn, có lông nhám, thậm chí có loại lá còn tiết ra chất "nhựa" diệt vi khuẩn. Vì vậy cây cối vừa có khả năng hút bụi vừa có khả năng tiêu diệt vi khuẩn. Ngay như cây thông, tuy có diện tích bề mặt lá rất nhỏ, nhưng khả năng hút bụi và diệt vi khuẩn lại rất lớn. Ta có thể nhận biết khả năng hút bụi diệt khuẩn của cây cối qua việc giám định không khí trong công viên và trong cửa hàng bách hoá hoặc bến tàu xe. Mỗi mét khối không khí trong công viên chỉ có 2.000-3.000 vi khuẩn, nhưng một mét khối không khí trong cửa hàng, bến tàu xe có tới 20.000-30.000 con.
Hiện nay, trên thế giới lượng khí cacbonic thải ra ngày một tăng. Biện pháp duy nhất để giải quyết vấn đề này là trồng nhiều cây xanh, vì cây xanh có khả năng hấp thụ khí cacbonic. Trung bình 1 hecta cây tán lá rộng có thể hấp thụ được 1 tấn khí cacbonic/ngày và nhả ra 730kg khí oxy. Lượng khí cacbonic do 1 người thải ra trong 1 ngày sẽ được 10m2 cây xanh hút hết. Ngoài ra cây xanh còn hấp thụ tiếng ồn, hấp thụ một số chất ô nhiễm trong không khí và một số nguyên tố kim loại nặng trong đất. Việc gì có lợi cho con người là cây xanh đều cố sức phụng sự rất tận tụy, xứng đáng là vệ sĩ trung thành của loài người.
Cây xanh có khả năng rất lớn trong việc chống gió, giữ nước, chống ô nhiễm, nhưng khả năng tự bảo vệ của chúng lại có hạn. Chúng cần sự che chở bảo vệ của con người. Cây xanh cống hiến cho con người quá nhiều, chúng ta cần yêu mến và trân trọng bảo vệ chúng.

.

Thứ Ba, 28 tháng 7, 2009

LIÊM HỒ ĐẰNG - một loài cây dây leo đẹp, lạ?

.
Tôi xin giới thiệu một loài cây dây leo khá đẹp, lạ và mang nhiều tính năng mà "có thể bạn chưa biết".
Dưới đây là hình ảnh cùng bài viết của thầy giáo Đỗ Xuân Cẩm (Giảng viên ĐHNL nay đã về hưu hiện đang ở Huế).


Trong thời gian gần đây, một loài dây leo mới xuất hiện nhiều nơi, rất được người trồng ưa chuộng không do màu hoa sặc sỡ, cũng không do dạng lá đẹp hay thân lạ, mà là do hệ thống rễ bất định mọc ở các nách lá chạy dọc suốt thân cành của nó. Những rễ này buông thõng mềm mại, màu hồng thắm khi còn non rồi chuyển qua vàng xám khi già dần.

Khi được trồng cho leo vắt ngang thẳng tấp theo ban-công nhà hoặc leo trải rộng trên mặt giàn, các rễ lần lượt buông thõng xuống, thân cành vươn đến đâu, rễ lại buông đến đấy, tạo thành một bức rèm trông rất đẹp mắt.

Loài cây này thuộc chi thực vật Cissus, là một chi có nhiều loài mọc hoang dại ở Việt Nam, được nhiều người gọi là chi "hồ đằng" với nhiều loài hồ đằng khác nhau. Qua tìm hiểu, chúng tôi biết được đây là một loài nhập nội, nhưng chẳng biết nhập từ bao giờ và cũng chẳng tìm ra một tên tiếng Việt cho nó, hỏi người trồng thì họ chỉ trả lời là không biết tên gì, thấy đẹp thì xin giống về trồng chơi thôi. Vì thế, chúng tôi nghĩ rằng cần có một tên gọi cho nó sao để vừa nói lên mối quan hệ thân thuộc với các cây hồ đằng ở Việt Nam, vừa thể hiện đặc điểm độc đáo là nó có bộ rễ tạo thành bức rèm uyển chuyển, và chúng tôi tạm gọi nó là "liêm hồ đằng" (hồ đằng rèm).

Liêm hồ đằng có tên khoa học là Cissus verticillata, tên đồng nghĩa là Cissus sicyoides thuộc họ nho (Vitaceae), tên tiếng Anh là Princesvine, là loài phân bố tự nhiên ở nhiều vùng của Châu Mỹ, từ Bắc Mỹ (Florida, Northern Mexico) cho đến Trung và Nam Mỹ (Costa Rica, El Salvador, Guatemala, Nicaragua, Panama, Colombia, Ecuador, Peru…).

Cây có lá hình tim, đậm màu, leo nhờ tua cuốn ở nách lá. Hoa mọc thành hoa tự xim, tập hợp nhiều hoa nhỏ, màu vàng sữa. Cây ít rụng lá, hoa rụng không gây bẩn, lại có bộ rễ đẹp nên rất thích hợp với việc trồng tôn tạo cho tiền sảnh tư thất, đền chùa, công sở… Ở Miền Trung do thời tiết mùa hè rất oi bức, ánh nắng chói chang, trước hiên nhà có được bức rèm thực vật như thế theo chúng tôi là rất lý tưởng, nó giúp làm dịu ánh sáng chói khi nhìn từ trong nhà ra ngoài và cũng hạn chế những cái nhìn vô cớ của những người qua lại vào cảnh nhà đang sinh hoạt riêng tư. Để tạo cho bức rèm rễ có độ thưa đều và có chiều cao đúng tầm theo ý muốn, người trồng dùng kéo để tỉa thưa và cắt bằng phần chóp rễ. Từ vết cắt nhiều rễ con lại mọc ra rồi rủ xuống theo chiều trọng lực, càng tăng vẻ đẹp tự nhiên của nó. Đặc biệt vào những sáng sớm mùa hè, các đầu mút rễ đọng những giọt nước, lấp lánh ánh sáng trông rất huyền ảo.

Ngoài tác dụng làm cảnh, cây liêm hồ đằng còn có nhiều tác dụng dược học đáng lưu ý. Toàn thân cây từ lá, thân đến rễ đều có tác dụng lợi tiểu, điều kinh, long đàm, chữa trị được nhiều bệnh khác nhau như bỏng nắng hay bỏng nước sôi, ung loét da, da thâm tím, phù chân, tê thấp, cúm, đau lưng, mẩn ngứa, trĩ, hoại thư…

Cây rất dễ trồng. Muốn nhân giống chỉ cần chọn phần thân bánh tẻ (không quá non hay quá già), cắt hết lá, chỉ chừa một phần cuống, cắt thành từng đoạn có từ hai đến ba mắt lá để làm hom. Tốt nhất nên dùng bao polyetylen để tạo những túi bầu, ruột túi bầu là đất tơi xốp trộn cát sạch (2 phần đất, 1 phần cát). Cho đất vào đầy túi, vừa cho vào vừa thổ đáy bầu để đất bầu được nén tự nhiên. Sắp những túi bầu ở một chỗ bằng phẳng không trũng nước, dùng vòi sen hay bình bơm nhựa bơm tưới cho đẫm túi bầu. Dùng một chiếc đũa tre thọc một lỗ chính giữa ruột bầu, đặt chân hom vào lỗ và lấp nhẹ đất lại. Che nắng và theo dõi để tưới nước bổ sung sao chỉ vừa đủ ẩm. Sau một thời gian, các chồi nách phát triển thành cành mới thì đem túi bầu đi trồng.

(Ai cần giống mạnh dạn cầm máy alô cho Tân nhé, dễ sống như khoai luôn)

.