Thứ Hai, 29 tháng 6, 2009

Lịch sử ô kê

Ngày nay, đi khắp nơi trên thế giới, chỗ nào ta cũng nghe hai tiếng “ô kê”. Nó đã trở thành một từ quốc tế có tính thông dụng mà toàn cầu đều hiểu được.
Như tất cả mọi thứ trên đời, hai chữ này cũng có lịch sử của nó. Và phần lớn lịch sử, như chúng ta đã biết, được hình thành khi nam nữ yêu nhau.
Ngày xưa, ở một quốc gia, có một cô gái yêu một chàng trai. Điều này tất nhiên chả có gì lạ vì giây phút nào đó trên trái đất chả có một cô nào đó yêu một anh nào đó. Vấn đề là ở chỗ cả thành phố không đồng ý tình yêu này vì anh chàng là da đen, còn cô nàng là da trắng.
Không đồng ý thì thôi chứ gì, nhưng thuở ấy người ta cư xử man rợ lắm. Họ lập ra một tòa án, xử tội đôi nam nữ, kết án tử hình cả hai.
Chết là chuyện thường, ngay cả chết vì yêu. Nhưng cái cách tòa án tuyên xử họ mới thật ác đức: đày hai anh chị ra một đảo hoang không có gì ăn cho chết đói.
Thế là một sớm tinh mơ, có chuyến tàu giương buồm đen lôi đôi tình nhân ra đảo. Cả thành phố trông theo vui vẻ vì nghĩ rằng họ sẽ phải chết khô.
Đôi nam nữ bị quăng lên miền đất hoang trơ trụi. Không hề có bếp, không hề có tiệm ăn và dĩ nhiên cũng chả có chi để bỏ vào mồm.
Nắm chặt tay nhau, họ dũng cảm đi tìm khắp đảo. Cho đến lúc sức tàn lực kiệt, họ cùng ngồi xuống và nguyện chết một cách vinh quang thì đúng lúc ấy cô gái nhìn thấy một khu vườn đầy cây kê mọc trên núi.
Ai chả biết, kê là một thực phẩm tuyệt ngon và tuyệt bổ dưỡng. Hạt kê mà rắc lên bánh tráng thì ăn ngon hơn cả hạt vừng. Cô bèn reo lên “ô kê”. Đôi tình nhân ôm nhau nhảy múa và ăn kê thỏa thích, da dẻ béo tốt hồng hào.
Hai tháng sau, dân trong đất liền mò ra đảo, tìm đôi tình nhân tử tội. Họ đinh ninh sẽ gặp hai bộ xương khô. Và họ vô cùng kinh ngạc khi nhìn thấy chàng trai và cô gái tươi trẻ tràn trề.
Bà con tức tối quá, bắt hai người lên tàu, chở ra một đảo khác, nơi chắc chắn rằng không có cây kê. Phen này cả hai phải lìa đời.
Đôi nam nữ lại lảo đảo dìu nhau tìm kiếm khắp nơi. Chẳng có gì cho vào mồm nhai được, mà từ hồi ấy cho tới tận hôm nay, loài người vẫn chưa phát minh ra thứ tình yêu chả cần ăn. Họ sắp chết thực sự, hai kẻ gầy nhom, chả cần dùng thuốc giảm béo.
Đúng vào giây cuối cùng, khi chàng trai bắt đầu xỉu đi thì cô gái nhìn thấy một đàn gà đen đang tung tăng trong rừng. Gà đọc là kê, còn đen đọc là ô, cô gái hét toáng lên: ô kê. Hai người bắt gà làm thịt ăn, và trở nên béo đẹp hơn lúc nào hết, từ đấy mới hình thành câu tục ngữ “gà đen chân trắng, mẹ mắng cũng ăn”.
Một tháng sau, dân thành phố mò ra đảo, cứ tin chắc sẽ gặp cảnh đồi thông hai mộ. Nào ngờ thấy đôi tình nhân đang nhảy múa reo ca, cả hai đều trắng vì ăn trứng gà bóc.
Bà con bèn đổi giận làm lành, vì nghĩ rằng trời không muốn cho hai kẻ như vậy phải chết. Họ tổ chức đám cưới cho đôi tình nhân, cả thành phố đến dự.
Trong đám cưới, có tiết mục chú rể hôn cô dâu. Nhưng chàng trai quá thấp, cô dâu quá cao, hôn vào cổ thì không hợp lệ. Đúng giây phút gay go đó, cha xứ hô lên “ô kê”, có nghĩa là phải kê một cái bục dưới chân chú rể. Thế là người ta vội vã thực hiện, và việc hôn diễn ra lãng mạn vô cùng.
Cả thành phố vỗ tay và cùng đồng thanh “ô kê”. Hai chữ đó tồn tại tới tận bây giờ theo nghĩa tốt.
Nguồn tin: Thanh niên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mong bạn góp ý thêm