Thứ Năm, 11 tháng 6, 2009

Cùng trao đổi: Trừ điểm câu sai trong thi trắc nghiệm - Nên hay không?

Hiện nay, thi trắc nghiệm đang được áp dụng nhiều trong các kỳ thi ở nước ta. Muốn đánh giá đúng năng lực của HSSV thì phải kết hợp nhiều khâu: ra đề, coi thi, chấm thi... Trong đó khâu chấm thi có ảnh hưởng không nhỏ. Để đánh giá chính xác kết quả làm bài của thí sinh cần phải xây dựng một thang đo phù hợp, mục tiêu cuối cùng là đánh giá đúng năng lực của thí sinh, giảm thiểu những sai lầm không mong muốn.
Tính điểm trừ có nghĩa là mỗi lần thí sinh lựa chọn một câu trả lời sai thì họ sẽ bị trừ điểm. Tại sao lại tính điểm trừ?
Từ kỳ thi năm 2008, Cục khảo thí đã có dự định áp dụng việc trừ điểm nhưng có nhiều ý kiến khác nhau.
Phía phản đối cho rằng: ngăn ngừa hiện tượng đánh bừa của học sinh bằng cách trừ điểm trắc nghiệm câu sai, nhưng trong thực tế có nhiều học sinh chọn đáp án sai do tính toán sai hoặc nhận thức sai (nhầm lẫn), không hề đánh bừa cũng sẽ bị trừ điểm. Nếu đánh đồng học sinh đánh bừa và học sinh nhầm lẫn sẽ rất thiệt thòi cho các em. Việc làm này gây một tâm lý hoang mang cho các em trước mỗi kỳ thi. Mặt khác việc trừ điểm câu sai có thể sẽ làm cho việc chấm và tính toán kết quả bài thi phức tạp hơn nhiều.
Phía ủng hộ việc trừ điểm câu sai thì cho rằng: trừ điểm câu sai để hạn chế thí sinh không có kiến thức về câu ấy nhưng vẫn đánh bừa (và thực tế cho thấy hầu hết các bài trắc nghiệm đều được "làm xong"), và câu ấy học sinh vẫn có thể được điểm nếu "may mắn", vì vậy phải trừ điểm những câu kiểu "may mắn" này. Nếu việc trừ điểm là hợp lý, có công thức chuẩn thì cũng không ảnh hưởng tới sự công bằng giữa các học sinh. Bởi nếu bị trừ điểm, tất cả thí sinh đều bị trừ như nhau, thấp cùng thấp, cao cùng cao.
Xét tổng thể một bài thi, nếu không trừ điểm câu sai thì điểm bình quân của thí sinh sẽ cao hơn điểm thực chất của họ, việc "đậu nhầm" cũng chiếm tỉ lệ cao
(1). Thực tế tại trường CĐKTKTNA, khi công bố môn thi trắc nghiệm thì hầu hết các HSSV đều vỗ tay, không phải vì làm bài trắc nghiệm không phải học hay kiến thức trắc nghiệm dễ hơn, mà vì họ nghĩ rằng không học cũng có thể kiếm được điểm(2), kiến thức ít nhưng cũng có thể đạt trung bình.
Ví dụ về không trừ điểm và có trừ điểm: Một đề thi có 100 câu hỏi chỉ với 2 lựa chọn đúng/sai, thì sẽ có xấp xỉ một nửa câu trả lời đúng, nửa còn lại sẽ là câu trả lời sai. Nếu dành 1 điểm cho câu trả lời đúng và 0 điểm cho câu trả lời sai thì kết quả cuối cùng sẽ là 50/100, chiếm 50%, đây là mức điểm đạt! Rõ ràng đây là tình huống không mong đợi. Vì vậy phải trừ điểm câu sai.
Cách trừ cho phù hợp: Nếu trừ điểm cho từng câu trả lời sai thì gây rối ren cho người chấm, đặc biệt là chấm thủ công, mặt khác làm cho tâm lý HSSV hoang mang. Để hạn chế những nhược điểm trên thì đánh giá kết quả toàn bài bằng cách cho điểm trên khoảng câu đúng, đây thực chất là hệ quả của phương pháp trừ điểm các câu sai(3). Vấn đề ở đây là phải xác định trừ câu sai với tỉ lệ điểm là bao nhiêu, tính toán theo công thức nào để từ đó xây dựng thang điểm trên khoảng câu trả lời đúng cho phù hợp (chúng tôi sẽ đề cập tới ở bài viết sau).
Muốn áp dụng phương thức nào cũng cần phải thận trọng cân nhắc kỹ càng và cần phải thông báo trước cho HSSV biết về phương thức ghi điểm và ý nghĩa của phương thức đó, đồng thời nên cảnh báo họ về việc bỏ qua một số câu hỏi.
Kết luận: Với trắc nghiệm hiện đại, được hỗ trợ bởi các phần mềm chấm trắc nghiệm đã làm cho việc chấm thi trắc nghiệm trở nên đơn giản và đạt được độ chính xác cao. Tuy nhiên đa số chúng ta đang áp dụng trắc nghiệm cổ điển, chưa phân biệt độ khó của câu hỏi để tính điểm riêng mà các câu hỏi có đồng điểm, bên cạnh đó việc chấm thi đang hoàn toàn thủ công. Do đó việc trừ điểm câu sai của HSSV là một việc cần phải làm để hạn chế những sai lầm trong đánh giá năng lực của HSSV. Tuy nhiên thực hiện theo phương thức nào để đảm bảo tính chính xác, khách quan, dễ dàng thực hiện và không gây tâm lý hoang mang lo lắng cho HSSV là vấn đề cần được cân nhắc và thực hiện đồng bộ.

(1),(2),(3) Xem: SKKN "Một vài phương pháp giảm xác suất sai lầm nâng cao độ tin cậy trong thi trắc nghiệm" của ThS. Nguyễn Thị Ngọc Dung - năm 2008

4 nhận xét:

  1. Trừ điểm câu sai nhưng lỡ điểm bị âm thì phải làm sao?

    Trả lờiXóa
  2. Tôi đồng tình với cách trừ điểm câu sai. vì trong bài làm trắc nghiệm của thí sinh có điểm may mắn.

    Trả lờiXóa
  3. Toi khong dong tinh tru diem cau sai vi su may man trong lam bai trac nghiem chiem ty le rat thap

    Trả lờiXóa
  4. Trừ điểm phải theo thang, nếu âm thì quy bằng 0 điểm. Như đã nói ở trên, sự may mắn chiếm tỉ lệ cao, nếu câu chỉ có 2 lựa chọn thì % may mắn là 50%. câu có n lựa chọn thì có 1/n may mắn. như vậy là xác suất rất cao đó bạn ạ. (vấn đề này sẽ được trao đổi ở bài sau). Chúc vui, yêu nghề.

    Trả lờiXóa

Mong bạn góp ý thêm