Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2022

KÝ ỨC VỤN MÙA HỘI KHOÁ 2022


(Viết cho tháng 6 âm lịch năm Nhân Dần)

“Tháng Sáu 
Có hạt mưa mùa vỡ òa trong mắt nhau 
Trắng mưa trắng những lời tình bạc bẽo… 
Bong bóng tan đi mộng mị chập chờn ảnh ảo, 
Để hoang mang… để thổn thức tình đầu” 
(Tựa vào tháng Sáu đỏ lời yêu) 
Tháng sáu là mùa tắm cát của những đôi chim sẻ, mùa cháy bỏng rực đỏ của những chùm phượng vĩ, mùa chia li của những cô cậu học trò… “ Tháng sáu trời mưa, trời mưa không dứt” câu ca này có vẻ như xa lạ với vùng đất miền Trung.
 "Trời nơi đây rất hiếm những lần mưa 
Nên tháng sáu cũng hanh gầy vạt nắng 
Đáy mắt ta còn chứa đầy lệ nặng 
Nên nỗi buồn gọi mãi chẳng thành tên…" 
(Tháng sáu giờ chẳng còn mưa) 
Tháng sáu về, những nàng thơ từ xứ Bắc hay từ “miền Nam trong trái tim tôi” cứ nghe đến đoạn “về đi em, về với quê anh, nước biếc non xanh, đường quanh quanh…” là vội vàng xách ba lô lên đường để “về xứ Nghệ cùng anh”. Nhưng về đây rồi em mới thấm đậm thêm câu thơ mà nữ thi sĩ Xuân Quỳnh đã cảnh báo, ở nơi đó “chỉ có nắng và gió Lào quạt lửa”. 
Sau mấy chục năm nữ sĩ đã rời xa thế giới này thì trời đất cũng cuồng quay, vạn vật cũng có phần thay đổi. Tháng sáu năm nào “trời không mưa anh cũng lạy trời mưa”, còn năm nay biết “bọn trẻ” chúng tôi tìm về với nhau trong mùa hội khóa, thế là trời không ngừng trút xuống trần gian những dòng lệ tuôn trào, phải chăng trời khóc hộ cho những mối tình dang dở của tuổi học trò? để rồi giỏ xe em hôm nay không thể chở đầy hoa phượng, không thể chở đầy ắp bao kỷ niệm của một thời áo trắng mà phải chồng chất thêm những lo toan vất vả đời thường. 
Tháng sáu về không còn tiếng thở than của loài ve để trách cứ ai đã từng quên trao bức thư viết vội. Tháng sáu về mang theo những ký ức ngày xưa của một thời hoa lửa. “Trời chợt mưa, chợt nắng chẳng vì đâu, nhưng sao đi mà không bảo gì nhau”… 
Ta vô tình, em hờ hững rứa là thành xa lạ. Còn lại một người vẫn đứng chờ giữa ngã ba, năm đến, mùa qua, mưa về và nắng tới, nhưng bức thư năm nào vẫn còn giữ nguyên trong vở, lời muốn nói ra vẫn còn lưu mãi trong tim. 
Ta bước đi trên con đường thân quen của ngày xưa một thuở, rồi ngắm nhìn những cặp “nhóc con” bước chậm, họ nắm tay nhau rồi ngập ngừng bên cửa sổ… Ta trở về, và đã tỉnh giấc mơ, về căn phòng gói đầy kỷ niệm, mong tháng sáu qua mau để ký ức xưa tan biến, để ta quên đi một người đã xa ta… 
Hội khóa đã tan rồi, chia tay nơi “Mường Thanh”, ta trở về với ngọn gió bỏng, với đất khô cằn, cát trắng... Những cảnh vật, con đường tưởng chừng xa lạ, nhưng ta về “ở mãi hoá yêu thương”. Tưởng là đã xong, tưởng tháng sáu chẳng còn gì vấn vương, cho tất cả trôi vào dĩ vãng, để ta ngồi nghêu ngao “em có hay chăng ta vẫn còn thương, còn nhớ đôi ta hôm nao…” thì trời lại thêm một lần trĩu nặng, trút những giọt lệ sầu, đưa ta trở về với miền ký ức xa xưa, tan học về ta ngồi sau xe em trong một buổi trưa, gió Lào rát bỏng cháy cả con đường quen thuộc, trên môi em chát mặn những giọt mồ hôi…


Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2022

SỐ PHẬN BI ĐÁT CỦA HAI BỨC THƯ

Tuổi thanh xuân cho ta biết được những xúc cảm đầu đời, biết yêu, biết giận hờn, biết nhớ, biết thương một cách “ngây ngô”, “dại khờ” và trong sáng nhất. Những cảm xúc mà đến bây giờ vẫn còn nôn nao, cách đây 35 năm (mà có lẽ phải 36-37 năm gì đó?), có một gã khờ đã sinh ra và chính hắn đã bức tử một bức “thư tình” của thời áo trắng. Chỉ cần một động tác nhỏ “đây, thư, về nhà đọc nhé…” mà gã khờ này đã không làm được, vì gã không vượt qua mặc cảm của bản thân, không vượt qua được nỗi sợ hãi nếu bức thư mình bị đem ra “đọc chung”. 
Những tưởng bức thư này sẽ được nằm vĩnh viễn dưới đầu giường để gã ôm ấp một kỷ niệm đẹp đầu đời. Nhưng không! gã muốn giữ sự êm ấm cho cả hai nên đành đứt ruột cho bức thư thứ nhất hóa kiếp trong sự tiếc nuối đơn phương và nỗi nhớ thương vời vợi. 
Còn bức thư thứ hai? Sau 35 năm gặp lại, nhìn sâu thẳm vào ánh mắt người ấy (ánh mắt mà suốt 3 năm PTTH gã chỉ dám trộm nhìn) gã thấy một tia hy vọng vụt lóe lên, biến gã thành một đứa trẻ thơ, một kẻ dại khờ. Bao nhiêu kỷ niệm xưa cứ dâng trào lên trong gã như mới ngày hôm qua. Gã lao đến nắm tay người ấy, thế là gã đã thực hiện được một nửa ước mơ sau tận 35 năm dài đằng đẵng. Hình như có một luồng năng lượng nào đó truyền tiếp thêm để gã có thể hét lên lời lâu nay bị kìm nén. Nhưng gã khờ này lại thêm một lần nữa đứng ngần ngơ. Lại nuối tiếc như một thời hoa đỏ. 
Đêm về, bức thư thứ hai được sinh ra. 
Sáng hôm sau được tiếp thêm “thuốc liều” nặng đô là bia rượu trong buổi hội khóa, gã định lấy hết can đảm để dí vào tay nàng (à quên, BÀ) sản phẩm mà gã đã trằn trọc, quằn quại cả đêm mới sinh ra được nó. Cầm tay BÀ thấy run run, giật giật. Mới có động tác nhỏ ri thôi mà lôi cuốn 200 cặp mắt tại hội trường dán vào. Lại e thẹn, lại ngại ngùng… Thế là bức thư lần này không phải nằm im trong vở mà nằm im lìm trong quyển menu của KS Mường Thanh rồi lặng lẽ trở về với chính chủ sinh ra nó. 
“Hội ngộ rồi chia ly, cuộc đời vẫn thế”, mang trạng thái lâng lâng cảm xúc về nhà gã chợt nhớ ra điều gì đó, vội vội vàng vàng hóa kiếp ngay bức thư này. Vợ hỏi anh đốt gì đó? À anh đốt cái ngây ngô dại khờ. Bà vợ vội vàng lao đến để “thoả mãn trí tò mò”, chỉ kịp nhìn thấy qua đống tàn tro và làn khói hư ảo in hằn lên một dòng duy nhất: TAU THÍCH MI

Thứ Tư, 21 tháng 5, 2014

Tôi đã viết 'Tổ quốc nhìn từ biển' bằng máu và nước mắt

(Nguoiduatin.vn) Khi bài thơ "Tổ quốc nhìn từ biển" của tôi được in trên nhiều tờ báo và lan truyền rộng khắp trên các mạng thông tin điện tử, có nhiều độc giả đề nghị đưa bài thơ này vào sách giáo khoa phổ thông.


LTS:Tháng 5/2014 này, Biển Đông lại trở thành điểm nóng khi Trung Quốc đưa trái phép giàn khoan và tàu chiến vào xâm phạm lãnh hải Việt Nam. Cách đây đúng ba năm, cũng vào tháng 5/2011, bài thơ "Tổ quốc nhìn từ biển" của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến được công bố vào dịp Trung Quốc gây hấn cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam trên Biển Đông đã nhận được sự rung cảm của hàng triệu độc giả.

Và trong những ngày gần đây, hơn bao giờ hết, bài thơ được nhiều người truyền nhau và lan tỏa sức mạnh kỳ diệu của nó. Để đáp ứng mong mỏi của nhiều độc giả, báo Đời sống và Pháp luật xin trích đăng bài thơ cũng như những tâm sự của tác giả xung quanh bài thơ xúc động này.

Tôi đã viết bài thơ bắt đầu bằng hình ảnh Tổ quốc nhìn từ phía biển. Từ thuở hồng hoang, truyền thuyết cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ đã nói về việc mở nước từ phía biển. 50 người con theo cha Lạc Long Quân xuống biển để mở mang đất nước từ phía biển cả, 50 người con theo mẹ âu Cơ lên rừng giữ gìn đất nước từ phía biên cương. Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta gắn liền với biển đảo, ông cha ta đã bám biển, giữ nước ngàn năm từ phía biển. Từ ngàn xưa đến nay đất nước ta đã có hơn 10 lần giặc đến từ phía Biển Đông, với các cuộc xâm lăng của phong kiến Trung Hoa dưới thời Đinh - Lý - Trần - Lê, đến khi thực dân Pháp bắn phát súng đầu tiên vào cửa Thuận An, Kinh thành Huế báo hiệu cuộc xâm lăng cũng là từ phía biển.

Trong hồn người có ngọn sóng nào không?

Tôi không ngờ bài thơ "Tổ quốc nhìn từ biển" lại có được sức cộng hưởng tri âm với nhiều người đọc như vậy. Trong bài thơ này có đoạn thơ sau: "Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển/ Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng/ Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa/ Trong hồn người có ngọn sóng nào không".

Tôi nghĩ rằng, trong tâm hồn mỗi nhà thơ, mỗi nhạc sỹ chúng ta hôm nay, nếu không trào dâng lên ngọn sóng thi ca yêu nước ấy thì làm sao các bài thơ và bản nhạc của chúng ta có được sự cộng hưởng tri âm từ hàng triệu người đọc.

Vì thế, tôi tin rằng, nhân dân và thế hệ trẻ hôm nay không quay lưng lại với thi ca yêu nước đâu, mà có lẽ các nhà thơ nên tự hỏi: Chúng ta đã làm gì để nói lên tiếng nói của nỗi đau và khát vọng của chính dân tộc mình trước những hiểm họa đối với đất nước trong những tháng năm này? Và qua sự hưởng ứng của hàng triệu độc giả đối với bài thơ "Tổ quốc nhìn từ biển", thêm một lần nữa, tôi tin rằng công chúng hôm nay không hề quay lưng lại với thi ca yêu nước.

Khi bài thơ "Tổ quốc nhìn từ biển" của tôi được in trên nhiều tờ báo và lan truyền rộng khắp trên các mạng thông tin điện tử, đã có nhiều độc giả gửi comment nhận xét: Có lẽ đã rất lâu mới có một bài thơ gây được sức cộng hưởng, lan tỏa nhanh chóng và rộng rãi trong cộng đồng những người Việt Nam yêu nước ở cả trong nước và nước ngoài. Và có nhiều độc giả đề nghị đưa bài thơ này vào sách giáo khoa phổ thông. Tôi cảm nhận, điều này đã nói lên sức ảnh hưởng của thi ca yêu nước đối với đời sống dân tộc, đặc biệt là với giới trẻ hôm nay.

Đáng chú ý, sau bài trả lời phỏng vấn của tôi về bài thơ "Tổ quốc nhìn từ biển" trên một tờ báo, trong rất nhiều lời bình luận khá xúc động từ phía những bạn trẻ ở trong và ngoài nước. Tôi đã viết bài thơ này bằng chính những trải nghiệm khi đi qua chiến tranh cách đây gần 40 năm và bằng chính những trắc trở của mình trong đời sống một nhà báo mà tôi phải trải qua. Ở thời điểm viết bài thơ này, tôi vừa trở lại công tác tại Báo Thanh niên. Và "Tổ quốc nhìn từ biển" là bài thơ đầu tiên khi tôi trở lại cầm bút.

Khi ấy, tôi đã vượt lên nỗi đau đời thường của chính mình để nghĩ về Tổ quốc, để xúc động theo cách một nhà thơ đang cảm nhận tự do trong mỗi ngày đang sống và nhìn nhận những nguy cơ, những hiểm họa đang đến gần trên vùng biển đảo của Tổ quốc thân yêu. Và chính từ cảm xúc lớn lao ấy, tôi đã viết bài thơ "Tổ quốc nhìn từ biển" như viết từ chính bằng máu và nước mắt của mình.

Tôi nghĩ, nhà thơ chỉ có thể gắn bó với đời sống tinh thần của dân tộc mình khi những bài thơ của họ nhận được sự cộng hưởng, sự tri âm từ những con người yêu nước chân chính vào những thời điểm đất nước gian lao.

Tôi đã viết

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến.

Tổ quốc là đề tài muôn thuở của thi ca

Bài thơ "Tổ quốc nhìn từ biển" tôi viết từ tháng 4/2009 trong một đợt đi sáng tác cùng anh em Tạp chí Văn nghệ Quân đội với bộ đội Hải quân ở Hạ Long, Quảng Ninh. Nghĩa là bài thơ này được viết hơn hai năm trước khi xảy ra sự cố gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông vào tháng 5/2011.

Do vậy, với điểm nhìn của nhà thơ ở thời điểm ấy, tôi phải đặt ra những giả thiết, giả định... khi đề cập tới những vấn đề rất nhạy cảm về tình hình biển đảo của chúng ta lúc bấy giờ.

Khổ thơ đầu tiên khi tôi đặt bút viết bài thơ này là: "Nếu Tổ quốc bị xâm lăng từ biển/ Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa/Ngàn năm trước con theo cha xuống biển/ Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa". Nhưng sau khi cân nhắc, đắn đo nhiều lần, tôi gạch bỏ 3 chữ "bị xâm lăng" ở câu thơ đầu tiên vì nghe có vẻ hơi nặng nề, để thay bằng 3 chữ "đang bão giông", nên bài thơ khi công bố đã mở đầu bằng đoạn "Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển/ Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa/ Ngàn năm trước con theo cha xuống biển/ Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa".

Tương tự như vậy, ở đoạn thơ sau, nguyên văn câu thơ tôi viết ban đầu là "Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển/ Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng/ Sóng xâm lấn đè lên thêm lục địa/Trong hồn người có ngọn sóng nào không". Sau khi đọc lại và cân nhắc kỹ, tôi quyết định bỏ 2 chữ "xâm lấn" để thay bằng 2 chữ "lớp lớp", nên khi chính thức công bố, đoạn thơ này có nội dung "Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa/ Trong hồn người có ngọn sóng nào không". Nói như thế để thấy rằng, trong bài thơ này, tôi đã phải cân nhắc, tính toán, sửa đi sửa lại từng câu, từng chữ một trước khi in trên báo.

Thậm chí, ngay cả khi bài thơ chuẩn bị lên khuôn, tôi còn tới tòa soạn, đề nghị sửa gấp ngay một vài chữ "nhạy cảm" trong một số đoạn thơ. Khi ấy, một nhà văn nói với tôi: "Những tình tiết này không ai biết được, nhưng sau này, khi bài thơ "Tổ quốc nhìn từ biển" đến với công chúng, những người có trách nhiệm với đất nước sẽ phải cảm ơn anh vì sự tận tụy với thi ca và chỉ có những người có tấm lòng yêu nước chân chính như anh mới có sự cẩn trọng với từng câu chữ và làm được như vậy!".

Lúc ấy, tôi coi nhận xét của nhà văn là biên tập viên này như một phần thưởng đối với tôi. Đến khi được thấy hàng triệu độc giả hưởng ứng cổ vũ cho bài thơ "Tổ quốc nhìn từ biển", tôi biết rằng mình đã rất đúng trong việc xử lý từng câu chữ trong bài thơ này. Thật ra, việc đưa ra các giả thiết, giả định về "điểm nhìn" để giải quyết "một vấn đề nhạy cảm trong thời điểm nhạy cảm" không chỉ là công việc thao tác ngôn ngữ bình thường mà đấy là cả một nghệ thuật của người cầm bút.

Thật ra, tôi viết bài thơ này với sự rung động đầy cảm hứng và với mạch thơ sử thi mang tính tráng ca, hào sảng và đều có những suy tư khá sâu dưới từng mạch chữ, từng nhịp điệu thơ.

Tổ quốc nhìn từ biển

Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển

Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa

Ngàn năm trước con theo cha xuống biển

Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa

Đất Tổ quốc khi chập chờn bóng giặc

Các con nằm thao thức phía Trường Sơn

Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả

Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn

Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển

Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng

Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa

Trong hồn người có ngọn sóng nào không

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao quần đảo

Lạc Long cha nay chưa thấy trở về

Lời cha dặn phải giữ từng thước đất

Máu xương này con cháu vẫn nhớ ghi

Đêm trằn trọc nỗi mưa nguồn chớp bể

Thương Lý Sơn đảo khuất giữa mây mù

Thương Cồn Cỏ gối đầu lên sóng dữ

Thương Hòn Mê bão tố phía âm u

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao thương tích

Những đau thương trận mạc đã qua rồi

Bao dáng núi còn mang hình goá phụ

Vọng phu buồn vẫn dỗ trẻ, ru nôi

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao hiểm họa

Đã mười lần giặc đến tự Biển Đông

Những ngọn sóng hoá Bạch Đằng cảm tử

Lũ Thoát Hoan bạc tóc khiếp trống đồng

Thương đất nước trên ba ngàn hòn đảo

Suốt ngàn năm bóng giặc vẫn chập chờn

Máu đã đổ ở Trường Sa ngày ấy

Bạn tôi nằm dưới sóng mặn vùi thân

Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả

Những chàng trai ra đảo đã quên mình

Một sắc chỉ về Hoàng Sa thuở trước

Còn truyền đời con cháu mãi đinh ninh

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát

Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời

Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất

Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi.

Nguyễn Việt Chiến

Thứ Hai, 12 tháng 5, 2014

Nợ xấu ngàn tỷ, quỹ lương hưu không vỡ mới lạ

Có tới 12.000 tỷ đồng tiền bảo hiểm xã hội đang bị nợ đọng và con số này đang lớn lên hàng tháng theo cấp số nhân. Một tỷ lệ không nhỏ số tiền của người lao động đang sắp mất trắng. Nếu tình trạng này kéo dài, Quỹ bảo hiểm không vỡ mới là lạ!
http://congannghean.vn/kinh-te-xa-hoi/201405/no-xau-ngan-ty-quy-luong-huu-khong-vo-moi-la-483190/

Thứ Tư, 19 tháng 2, 2014

Có những cái tát làm học sinh nên người


Hai ngày qua, một video clip quay cảnh một thầy giáo trẻ tát học sinh và bị học sinh đánh lại khiến dư luận lại 'dậy sóng' về vấn đề đạo đức nhà giáo lẫn học sinh trong môi trường sư phạm hiện nay. Bản thân tôi là một giảng viên ở trường đại học sư phạm, tôi rất đau lòng khi nhìn thấy những hình ảnh phản sư phạm đó.

Đau lòng khi hình ảnh người thầy trở nên xấu xí trong mắt của mọi người và đặc biệt là các em học sinh. Đau lòng vì sản phẩm của mình đào tạo ra (chính là người thầy giáo trẻ kia) lại là 'sản phẩm lỗi'. Tôi tự thấy mình có trách nhiệm trong 'sản phẩm' đó nên không góp thêm tiếng nói lên án với cậu giáo viên trên dù biết không có lý lẽ gì có thể bào chữa cho hành vi của cậu ấy.
Tựa đề bài viết này dễ làm nhiều người hiểu lầm rằng, tôi đồng tình và cổ vũ cho việc sử dụng 'bạo lực' với học sinh. Tôi khẳng định rõ quan điểm của mình: tôi cực lực phản đối việc trừng phạt học sinh bằng việc sử dụng vũ lực lẫn lời nói xúc phạm nhân cách của các em. Tôi cũng cho rằng, trong nhà trường sư phạm, chúng tôi cũng không bao giờ dạy sinh viên sư phạm - những người sẽ trở thành thầy cô giáo trong tương lai cách hành xử như trong đoạn clip kia với học trò của mình.
Đoạn clip trên làm tôi nhớ đến một câu chuyện của một anh bạn cùng khóa của tôi, khi vừa ra trường cách đây hơn 8 năm. Một hôm, đầu giờ học, anh kêu một em học sinh lên kiểm tra bài cũ, em này không thuộc bài, cũng không giải thích lý do. Anh nhắc nhở em ấy lần sau phải học hành đàng hoàng hơn và cho 0 điểm vào sổ. Khi quay về chỗ, em học sinh ném mạnh quyển vở xuống bàn, lầm bầm phàn nàn. Anh quay xuống lớp, hỏi to:
- Em vừa nói gì? Em hãy nhắc lại cho tôi nghe xem.
Em học sinh ngồi xuống ghế, im lặng nhưng gương mặt đầy thách thức. Anh giận lắm, bước xuống nói:
- Nếu em không thích giờ học của tôi, tôi mời em đứng lên, bước ra khỏi lớp.
Em học sinh đứng phắt dậy, hất cằm, nhìn thẳng anh và nói:
- Đây không thích ra đó, bộ tưởng làm thầy là ngon hả?
Không kìm chế được, anh giáng một bạt tai vào mặt em và quát lớn: Đi ra!
Cả lớp im phăng phắc, gần như bất động nhìn anh lẫn bạn học sinh kia. Anh bạn của tôi ngay lập tức ý thức được hành động bột phát khá nghiêm trọng của mình nhưng tự thấy không thể để học sinh tiếp tục có lời nói vô lễ nên cương quyết:
- Em xuống phòng giám thị đợi tôi.
Em học sinh đó hùng hổ bước ra. Quay lại cả lớp, không giấu nổi nỗi buồn lẫn sự giận dữ, anh gần như sắp khóc, anh xin lỗi cả lớp về hành động không hay của mình và hứa sẽ không bao giờ lặp lại hành động tương tự, cũng nhắc nhở học sinh về thái độ đối với thầy cô, tránh những tình huống như vừa xảy ra.
Hết giờ dạy, anh bước xuống phòng giám thị, qua cửa sổ, nhìn thấy cậu học trò cúi mặt, một bên má đỏ ửng vì cái tát của mình, anh thấy ân hận và xót xa học trò vô hạn. Anh rót ly nước, đặt trước mặt học trò, ngồi xuống, nhẹ nhàng hỏi:
- Lúc nãy thầy đánh em có đau không?
Cậu học sinh dường như chỉ chờ câu hỏi đó của thầy, nước mắt tuôn trào, trả lời:
- Đau chứ sao không đau hả thầy, thầy nhìn mặt em thì biết.
Anh xin lỗi học trò, rồi sau đó giải thích lý lo. Anh cũng nhẹ nhàng hỏi lại cậu học sinh tại sao lại phản ứng vô lễ với thầy. Câu chuyện buồn về gia đình em đã được em chia sẻ cùng anh. 8 năm trôi qua, em học sinh đó giờ đã học xong đại học, vẫn một mực kính trọng và duy trì quan hệ thầy trò tốt đẹp với anh. Cái tát của anh năm xưa như một sự 'thức tỉnh' với cậu sau những ngày tháng cậu tỏ thái độ bất cần, thách thức với người lớn vì cho rằng họ là những người ích kỷ, hẹp hòi, không biết quan tâm đến cảm xúc của cậu.
Câu chuyện trên được anh chia sẻ chi tiết khi anh đến báo cáo kinh nghiệm giáo dục cho các sinh viên sư phạm của tôi. Kể lại ở đây, tôi không có ý định lấy cách ứng xử của anh làm 'hình mẫu' dù cái tát của anh đã giúp em học sinh 'nên người'. Bản thân anh bạn giáo viên của tôi khi chia sẻ cũng nhắn gửi đó là một sai lầm nghề nghiệp và khuyên các sinh viên sư phạm không nên phạm phải. Tôi chỉ muốn nhìn nhận lại: trong thực tế, không phải mọi cái tát đều như nhau. Nói rộng hơn, không phải những hình phạt nghiêm khắc của thầy cô đều đáng bị lên án! Có những cái tát hoặc hình phạt nghiêm khắc rất đúng lúc, thể hiện tình thương, trách nhiệm và mong muốn học sinh tiến bộ của giáo viên và chúng khiến học sinh thức tỉnh, chấm dứt chuỗi hành vi lệch chuẩn của mình.
Trong lý luận giáo dục, trách phạt là một phương pháp cần thiết và có giá trị nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào, trách phạt của nhà giáo dục phải thể hiện mong muốn người được giáo dục phát triển tốt đẹp hơn mà không phải để thoả mãn cơn giận của mình. Dưới góc độ giáo dục hiện đại, việc trách phạt bằng vũ lực phải tuyệt đối né tránh. Do đó, kể cả mục đích của nhà giáo dục có tốt đẹp đến mấy thì cũng không nên dùng cách thức này bởi vì chúng ta có hàng loạt các phương pháp khác cũng đầy sức mạnh giáo dục mà không tổn hại đến thân thể hay nhân phẩm của học sinh.
Makarenco là nhà giáo dục nổi tiếng người Ukraina. Trong suốt 34 năm hiến thân cho giáo dục ông đã thành công trong việc giáo dục hơn 3.000 thiếu niên chưa ngoan, phạm tội trộm cắp, cướp giật, đánh người... Ông khẳng định, trong giáo dục mà loại bỏ trách phạt là thể hiện chủ nghĩa nhân đạo giả dối. Nhân đạo không phải là sẵn sàng bỏ qua những cái sai, cái xấu xa của học sinh mà phải đấu tranh để loại bỏ nó đến cùng với niềm tin học sinh nhất định sẽ tiến bộ.  
Makarenko là người khởi xướng phương pháp giáo dục có tên 'Bùng nổ sư phạm', được giới thiệu rộng rãi trong lý luận giáo dục dành cho sinh viên sư phạm. Đó là cách thức nhà giáo dục dùng những tác động mạnh đặc biệt, bất thần tới đối tượng giáo dục, nhằm tạo ra ở họ những chuyển biến về mặt tâm lý, suy nghĩ, phá vỡ những suy nghĩ, thói quen, hành vi xấu, tạo ra những suy nghĩ, những tình cảm, những hành vi mới theo yêu cầu giáo dục.
Trong câu chuyện của tôi kể phía trên, cái tát của anh bạn tôi không phải là tác động 'bùng nổ sư phạm' (vì thế, đừng ai dùng cách này để rồi ngụy biện là dùng phương pháp 'bùng nổ sư phạm' của Makarenko) mà chính câu nói: "Thầy đánh em có đau lắm không?" hay "Thầy xin lỗi em, lúc nãy thầy giận quá!" mới chính là 'bùng nổ' vì cậu học trò có lẽ đang chờ đợi sự la mắng và những hình phạt nặng nề khác từ thầy cho hành vi vô lễ của mình thì lại nhận được sự quan tâm, xin lỗi của thầy. Hành động này ngoài dự đoán của cậu khiến cậu xúc động mạnh và thái độ thách thức cũng biến mất. Sau đó, những biện pháp uốn nắn khác tiếp tục được áp dụng mới khiến cậu học sinh kia thành học sinh ngoan được. "Bùng nổ sư phạm' không đơn giản là một hành động mà phải là một chuỗi hành động giáo dục có chủ đích của giáo viên thì mới mang lại hiệu quả.
Còn rất nhiều lưu ý khác khi giáo viên trách phạt học sinh nhưng tôi không thể trao đổi hết ở đây. Điều lưu ý cuối cùng với các giáo viên là: Không bao giờ đưa ra biện pháp trách phạt học sinh trong trạng thái tức giận! Ông bà xưa nói:"Giận quá mất khôn", còn lý luận giáo dục thì khuyên khi tình huống học sinh có hành vi chưa ngoan, sau khi dừng hành vi đó, giáo viên nên cho mình lẫn học sinh thời gian. Thời gian giúp giáo viên bình tĩnh, tìm hiểu thông tin liên quan và đưa ra biện pháp tốt nhất. Thời gian giúp học sinh qua cơn kích động, suy nghĩ lại hành vi của mình. Thêm nữa, bản thân sự chờ đợi bị trừng phạt (từ phía học sinh) cũng đã là một sự trừng phạt (cho các em).
Có một quan điểm giáo dục nổi tiếng rằng: Không có trẻ em hư, chỉ có những nhà giáo dục tồi. Câu nói này có phần cực đoan vì sự hình thành nhân cách của học sinh không chỉ có yếu tố giáo dục nhưng nó thể hiện niềm tin mãnh liệt vào con người của các nhà giáo dục. Thiết nghĩ là một nhà giáo dục, phải chăng niềm tin vào bản chất tốt đẹp của con người là điều quan trọng nhất? Nếu không có niềm tin ấy, khi đối diện với học sinh chưa ngoan, làm sao người thầy có đủ sự kiên nhẫn để giáo dục các em?
Nguyễn Thị Thu Huyền


Thứ Tư, 12 tháng 2, 2014

Thứ Hai, 13 tháng 1, 2014

Tập bản đồ phát thải khí CO2



Tập Bản đồ toàn cầu về CO2 - Tác nhân ô nhiễm không khí chủ yếu – vừa được công bố trong tháng 11/2013
      Đây là kết quả nghiên cứu của Dự án Global Project với sự tham gia của nhiều vin nghiên cứu và các các nhà khoa học khắp thế giới thông qua thu thập dữ liệu, quan sát, lập mô hình và phân tích giải đoán. Phiên bản đầu tiên của Tập bản đồ này cho phép lần ngược lại lịch sử phát thải carbon liên tục từ năm 1960 cho tới 2012. Thông tin thu thập và phân tích dựa vào số liệu của 216 quốc gia trên thế giới.
  Tổng phát thải carbon năm 2012 toàn cầu là 35444 MtCO₂ (đơn vị Triệu tấn. Chuyển đổi từ carbon dioxide (CO2) sang carbon (C) sử dụng công thức tính: 3.67 Mt CO2 = 1 Mt C), trong đó năm nước và khu vực phát khí thải nhiều nhất là Trung Quốc 9628, Hoa Kỳ 5122, Châu Âu 5938, Ấn Độ 2241 và Nga 1803. Cả Bắc Mỹ (gồm Hoa kỳ, Canada và Mexico) chỉ có 6104, hơn châu Âu chỉ khoảng 200 Mt và vẫn còn thấp hơn nhiều so với Trung Quốc.

  Năm quốc gia hàng đầu là

1. Trung quốc (9628 Mt)

2. Hoa Kỳ (5122)

3. Ấn Độ (2241)

4. Nhật bản (1255)

5. CH LB Nga (1803)

  Năm 1960, tổng lượng phát thải carbon được ước tính là 9420 Mt, lúc đó dẫn đầu là Hoa kỳ với 2890 trong khi đó Trung quốc chỉ có 781, thấp hơn cả Đức 815 và LB Nga 899. Cho tới 2005, tổng lượng phát thải thế giới là 29674 Mt, Trung quốc đã vươn lên xấp xỉ gần bằng Hoa kỳ (5790 / 5826).
Trong bảng xếp hạng các quốc gia phát thải trên 100 Mt, Việt Nam được xếp hạng 32 với 164 Mt, chỉ sau sau Thái lan (20/ 323 Mt), Malaysia (26/ 216) còn lại đều cao hơn các nước khác trong khu vực Đông Nam Á.

  Đáng chú ý là phát thải carbon liên quan tới thay đổi hình thức sử dụng đất. Tính tới 2010, thì các nước Nam Mỹ vùng nhiệt đới đứng hàng đầu, với tổng lượng phát thải do thay đổi sử dụng đất là 1270 Mt, thứ nhì là vùng Đông Nam Á với 1164 Mt. Cho thấy hai vùng này việc thay đổi bề mặt, cách thức sử dụng đất đã đóng góp vào lượng phát thải carbon đáng kể. Trong khi đó, các quốc gia đang có lượng phát thải cao lại có xu hướng thay đổi các hình thức chuyển đổi sử dụng đất thích hợp hơn, đóng góp và việc giảm lượng phát thải, đó là kiểu sử dụng đất xanh, tăng trưởng xanh. Như Hoa kỳ -152.9 Mt, LB Nga cũ - 542.9, kể cả Trung quốc -392.8, vùng Đông Á - 159.5.

  Với công bố tập bản đồ phát thải khí CO2 trên toàn thế giới từ 1960 tới 2012 cho chúng ta cái nhìn toàn cảnh về biến đổi khí hậu, các vùng các quốc gia đã và đang đóng góp vào các thay đổi của khí hậu toàn cầu trên khía cạnh khai thác tài nguyên như thế nào.
 

Hình 1: Phát thải CO2 năm 1960
Hình 2: Phát thải khí CO2 năm 2005
Hình 3: Phát thải khí CO2 năm 2012
Nguồn: PBV tổng hợp từ Global Carbon Atlas (http://www.globalcarbonatlas.org)

Thứ Tư, 18 tháng 12, 2013

NÔNG DÂN

 
Có người nói nông dân không tư tưởng
Nông dân làm cản trở bánh xe lăn
Tôi đã thấy nông dân suốt một đời làm lụng
Nuôi cái ăn chung trên mảnh đất khô cằn.
Tôi đã thấy trên chiến trường ngã xuống
Những nông dân áo lính, máu tươi ròng
Chết tưới đất, sống ngày cày xới đất
Không bổng lộc nào theo đến luỹ tre xanh.
Tôi đã thấy những xiềng xích phong kiến
Cái trói tay của công hữu màu mè
Mấy chục năm kéo người xa ruộng đất
Mấy chục năm ròng cái đói vẫn ghê ghê.
 
Nghèo chữ quá nên trọng người hay chữ
Bóp bụng nuôi con thành ông trạng, ông nghè
Sáu mươi tuổi, mẹ còn cấy hái
Ông trạng áo dài, ông trạng sống li quê!
Dẫu năm khó, không quên ngày giỗ chạp
Nhớ người xưa, con cháu quây quần
Vâng, có thể nông dân nhiều hủ tục
Nhưng không yêu được họ hàng, yêu chi nổi nhân dân!
Tôi đã thấy thằng Bờm và mẹ Đốp
Còn sống chung với Bá Kiến, Chí Phèo
Con gà mất, chửi ba ngày quyết liệt
Con gái gả chồng, cả xóm có trầu vui.
Tôi đã thấy đổ mồ hôi, sôi nước mắt
Từ hạt lúa gieo mầm đến cấy hái phơi phong
Dăm bảy tạ vài trăm nghìn một vụ
Bữa tiệc xoàng của mấy "sếp" là xong!
Có miếng ngon, nông dân dành đãi khách
Thờ Phật, thờ Tiên, thờ cả rắn, cả rồng
Cả tin quá, tin cả dì ghẻ ác
Sống chết mấy lần, nợ quyết trả bằng xong!
Nông dân sống lặng thầm như đất
Có thể hoang vu, có thể mùa màng
Xin chớ mất, chớ niềm tin sai lạc
Chín phần mười đất nước - nông dân!
                                                Nguyễn Sĩ Đại
            Phó trưởng Ban Văn hóa – Văn nghệ báo Nhân dân

Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

Bộ ảnh thú vị về sự khác biệt giữa phương Đông và phương Tây

(Dân trí) - Phương Đông và phương Tây vốn luôn chứa đựng nhiều quan niệm khác biệt. Bộ ảnh đồ họa dưới đây sẽ đề cập tới sự khác biệt đó dưới góc nhìn gắn gọn, hài hước, thú vị, đầy tính chiêm nghiệm.

Một nghệ sĩ trẻ người Trung Quốc có tên Yang Liu hiện đang sinh sống tại Đức vừa cho ra mắt bộ ảnh đồ họa có tên “East Meets West” (Đông Tây gặp gỡ). Bộ ảnh cho thấy sự khác biệt trong đời sống văn hóa - xã hội giữa phương Đông và phương Tây.
“Đông Tây gặp gỡ” thể hiện cách nhìn vừa chính xác vừa hài hước về sự khác biệt muôn thuở. Nghệ sĩ Yang Liu cho biết: “Những thông tin được thể hiện trong bộ ảnh đồ họa này mang ý nghĩa tương đối cá nhân, dựa trên những trải nghiệm và cảm nhận của bản thân tôi sau gần hai thập kỷ sinh sống ở Châu Âu”.
Dưới đây là bộ ảnh thú vị của nghệ sĩ Yang Liu:
Cách thể hiện ý kiến cá nhân 
Cách thể hiện ý kiến cá nhân: Người phương Tây quan trọng sự thẳng thắn. Người phương Đông đề cao sự khéo léo, mềm mỏng.
Phong cách sống 
Phong cách sống: Người phương Tây đề cao cái Tôi, năng lực cá nhân, cá tính riêng… Người phương Đông trân trọng cái Ta, con người phải luôn biết hòa nhập với môi trường xung quanh để tạo nên sự hài hòa.
Vấn đề đúng giờ 
Vấn đề đúng giờ: Đúng giờ là yếu tố rất được tôn trọng trong các cuộc gặp gỡ ở thế giới phương Tây. Người ta không cần đến sớm để thể hiện sự tôn trọng nhưng càng không nên đến muộn vì đó là hành động bất lịch sự. Người phương Đông thì khác, họ có thể xê dịch giờ hẹn đôi chút và điều đó không trở thành vấn đề lớn.
Cấp trên 
Cấp trên: Trong thế giới phương Tây, sếp cũng là người đi làm kiếm sống như nhân viên, chỉ có điều cấp bậc, tầm nhìn và lương bổng của sếp cao hơn một chút. Ở phương Đông, sếp được coi là “người khổng lồ”.
Các mối quan hệ và sự kết nối trong xã hội 
Các mối quan hệ và sự kết nối trong xã hội: Các mối quan hệ trong thế giới phương Tây không mang nặng tính “dắt dây” như trong xã hội phương Đông.
Cách thể hiện cảm xúc 
Cách thể hiện cảm xúc: Người phương Tây vui buồn đều thể hiện khá rõ ràng còn người phương Đông có thể “trong héo ngoài tươi”.
Văn hóa xếp hàng 
Văn hóa xếp hàng: Thực tế văn hóa xếp hàng đã dần hình thành tại nhiều nước phương Đông, đặc biệt tại các thành phố lớn. Tuy vậy, nhìn chung, nó chưa ăn sâu vào nếp sống của người phương Đông ở mọi lúc mọi nơi.
Nhìn nhận về bản thân 
Nhìn nhận về bản thân: Người phương Tây rất quan trọng cái Tôi, đề cao tính cá nhân trong một số khía cạnh của đời sống. Họ đòi hỏi những người xung quanh phải tôn trọng những gì thuộc về vấn đề cá nhân. Ở phương Đông, cái Tôi thường nhỏ bé, dễ bị khỏa lấp và việc quên đi cái Tôi được cho là một đức tính đáng khen ngợi.
Đường phố ngày cuối tuần 
Đường phố ngày cuối tuần: Những ngày cuối tuần, đường phố phương Tây thường vắng vẻ, họ không đổ ra đường mà thường có hai lựa chọn: một là ở nhà ngủ bù cho cả tuần lao động vất vả, hai là về miền quê vui chơi, hít thở không khí trong lành. Ở phương Đông, đặc biệt tại các thành phố lớn, người dân thường đổ ra đường, tới các khu vui chơi và trung tâm mua sắm để giải trí.
Tiệc tùng 
Tiệc tùng: Tại những bữa tiệc trang trọng, người phương Tây thích đứng thành nhóm nhỏ, rủ rỉ trò chuyện. Người phương Đông thích ngồi thành những nhóm lớn, trò chuyện ồn ào, đó được coi là biểu hiện của sự hào hứng, vui vẻ. Tiệc càng ồn càng chứng tỏ tổ chức thành công.
Tiếng ồn trong nhà hàng 
Tiếng ồn trong nhà hàng: Người phương Tây rất ngại việc nói to ở nơi đông người. Vì vậy, ở nơi công cộng như nhà hàng, quán ăn, họ nói nhỏ, chỉ đủ để người ngồi với mình nghe thấy. Ngay cả việc gọi nhân viên phục vụ cũng được thể hiện bằng ánh mắt và động tác tay. Người phương Đông khá vô tư trong việc này, họ có thể nói to, gọi nhau í ới ở nơi đông người.
Thức uống “lành mạnh” 
Thức uống “lành mạnh”: Ở phương Tây, nếu ai đó bị yếu bụng hoặc đau dạ dày, khi dùng bữa, họ sẽ uống nước ngọt có gas, trong khi đó, người phương Đông sẽ gọi trà hoặc nước khoáng.
Đi du lịch 
Đi du lịch: Người phương Tây đề cao việc quan sát và trải nghiệm thực tế trong suốt chuyến đi. Trong khi đó, đối với người phương Đông, việc lưu lại hình ảnh làm kỷ niệm trong từng chặng đường, từng địa điểm thăm quan là một việc quan trọng không kém.
Vẻ đẹp lý tưởng 
Vẻ đẹp lý tưởng: Người phương Tây thích da nâu, người phương Đông thích da trắng.
Trẻ em trong gia đình 
Trẻ em trong gia đình: Trẻ em ở phương Tây không được cả gia đình chăm lo, ưu ái như ở phương Đông. Trong gia đình phương Tây, trẻ em có vị trí ngang bằng như những thành viên khác trong nhà, cũng có quyền lợi và nghĩa vụ riêng. Ở phương Đông, em bé thường được coi là trung tâm thú vị của cả nhà và các thành viên sẽ xoay quanh “tâm điểm” này.
Giải quyết vấn đề 
Giải quyết vấn đề: Người phương Tây coi trọng kết quả sau cùng, vì vậy, họ sẵn sàng đương đầu với vấn đề cản trở, cốt sao đạt được mục tiêu nhanh nhất. Người phương Đông quan trọng quá trình thực hiện. Vốn không thích đối đầu, xung đột, nên người phương Đông có thể chấp nhận đi vòng một chút, tuy mất thời gian hơn nhưng vẫn đạt được kết quả sau cùng và không tổn hao quá nhiều sức lực.
Các bữa ăn trong ngày 
Các bữa ăn trong ngày: Người phương Tây thường ăn sáng vội vàng, ăn tối qua loa, thường dùng đồ ăn nhanh, bữa trưa vì vậy được coi là bữa ăn thư thái nhất trong ngày khi họ có thể rủ bạn bè ra tiệm dùng bữa. Người phương Đông đề cao tầm quan trọng của cả 3 bữa ăn trong ngày, họ thích sự nóng sốt. Ăn uống qua quýt theo kiểu “cơm đường cháo chợ” là điều không ai thích.
Phương tiện di chuyển 
Phương tiện di chuyển: Trước đây, khi người phương Tây coi ô tô là phương tiện di chuyển hiệu quả nhất, người phương Đông còn đi xe đạp. Giờ đây, người phương Tây lại coi xe đạp là phương tiện di chuyển “lành mạnh” nhất, trong khi đó, người phương Đông đã chuyển sang đi ô tô (nếu có điều kiện).
Cuộc sống của người già 
Cuộc sống của người già: Dạo chơi công viên ở phương Tây, bạn sẽ bắt gặp nhiều cụ già dắt thú cưng đi dạo. Ở phương Đông, bạn sẽ thấy các cụ già dắt cháu đi chơi.
Tắm táp 
Tắm táp: Người phương Tây thích tắm sáng rồi mới đi làm. Người phương Đông thích tắm tối trước khi đi ngủ.
Ẩm thực sành điệu 
Ẩm thực sành điệu: Người phương Tây sành điệu sẽ tìm tới các món Á. Người phương Đông “ăn chơi” sẽ tìm tới các món Âu.
Thời tiết và cảm xúc 
Thời tiết và cảm xúc: Người phương Tây thích nắng, ghét mưa. Họ đặc biệt yêu những ngày nắng (có lẽ vì thế mà họ thích da nâu). Người phương Đông thích cả mưa và nắng. Nắng mưa đối với người phương Đông đều có nét đẹp, nét thú vị riêng.
Đông Tây trong mắt nhau 
Đông Tây trong mắt nhau: Trong mắt người phương Tây, người phương Đông đặc trưng với nón lá, thích uống trà và ăn cơm. Người phương Đông ấn tượng với người phương Tây vì mũ nồi cao, xúc xích và bia.
Bích Ngọc
Theo Bored Panda

Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

Cảnh giác với thủ đoạn kinh doanh đa cấp biến tướng



(VTV News)- Bằng những biểu hiện lách luật và quy định về kinh doanh đa cấp, không ít công ty đa cấp đang hoạt động theo kiểu biến tướng, thậm chí là lừa đảo để trục lợi.
Một khi người tham gia đã bỏ tiền vào công ty kiểu này thì ít nhiều cũng sẽ gặp rủi ro. Để tìm hiểu rõ hơn mức độ sai phạm cũng như bản chất của mô hình kinh doanh này, phóng viên VTV đã có cuộc trao đổi nhanh với luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành công ty luật Basico. 


Cảnh giác với thủ đoạn kinh doanh đa cấp biến tướng

Thứ năm 28/11/2013 12:36
(VTV News)- Bằng những biểu hiện lách luật và quy định về kinh doanh đa cấp, không ít công ty đa cấp đang hoạt động theo kiểu biến tướng, thậm chí là lừa đảo để trục lợi.
Một khi người tham gia đã bỏ tiền vào công ty kiểu này thì ít nhiều cũng sẽ gặp rủi ro. Để tìm hiểu rõ hơn mức độ sai phạm cũng như bản chất của mô hình kinh doanh này, phóng viên VTV đã có cuộc trao đổi nhanh với luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành công ty luật Basico.
Mời quý vị khán giả xem video chi tiết.
- See more at: http://vtv.vn/Kinh-te/Canh-giac-voi-thu-doan-kinh-doanh-da-cap-bien-tuong/90365.vtv#sthash.4pVXrYOf.dpuf

Cảnh giác với thủ đoạn kinh doanh đa cấp biến tướng

Thứ năm 28/11/2013 12:36
(VTV News)- Bằng những biểu hiện lách luật và quy định về kinh doanh đa cấp, không ít công ty đa cấp đang hoạt động theo kiểu biến tướng, thậm chí là lừa đảo để trục lợi.
Một khi người tham gia đã bỏ tiền vào công ty kiểu này thì ít nhiều cũng sẽ gặp rủi ro. Để tìm hiểu rõ hơn mức độ sai phạm cũng như bản chất của mô hình kinh doanh này, phóng viên VTV đã có cuộc trao đổi nhanh với luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành công ty luật Basico.
Mời quý vị khán giả xem video chi tiết.
- See more at: http://vtv.vn/Kinh-te/Canh-giac-voi-thu-doan-kinh-doanh-da-cap-bien-tuong/90365.vtv#sthash.4pVXrYOf.dpuf

Cảnh giác với thủ đoạn kinh doanh đa cấp biến tướng

Thứ năm 28/11/2013 12:36
(VTV News)- Bằng những biểu hiện lách luật và quy định về kinh doanh đa cấp, không ít công ty đa cấp đang hoạt động theo kiểu biến tướng, thậm chí là lừa đảo để trục lợi.
Một khi người tham gia đã bỏ tiền vào công ty kiểu này thì ít nhiều cũng sẽ gặp rủi ro. Để tìm hiểu rõ hơn mức độ sai phạm cũng như bản chất của mô hình kinh doanh này, phóng viên VTV đã có cuộc trao đổi nhanh với luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành công ty luật Basico.
Mời quý vị khán giả xem video chi tiết.
- See more at: http://vtv.vn/Kinh-te/Canh-giac-voi-thu-doan-kinh-doanh-da-cap-bien-tuong/90365.vtv#sthash.4pVXrYOf.dpuf

Cảnh giác với thủ đoạn kinh doanh đa cấp biến tướng

Thứ năm 28/11/2013 12:36
(VTV News)- Bằng những biểu hiện lách luật và quy định về kinh doanh đa cấp, không ít công ty đa cấp đang hoạt động theo kiểu biến tướng, thậm chí là lừa đảo để trục lợi.
Một khi người tham gia đã bỏ tiền vào công ty kiểu này thì ít nhiều cũng sẽ gặp rủi ro. Để tìm hiểu rõ hơn mức độ sai phạm cũng như bản chất của mô hình kinh doanh này, phóng viên VTV đã có cuộc trao đổi nhanh với luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành công ty luật Basico.
Mời quý vị khán giả xem video chi tiết.
- See more at: http://vtv.vn/Kinh-te/Canh-giac-voi-thu-doan-kinh-doanh-da-cap-bien-tuong/90365.vtv#sthash.4pVXrYOf.dpuf