Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2009

HOA GẠO

.
1. Bài thơ HOA GẠO - (Chales Nguyen)
.
Anh về đây quê xưa tìm hoa gạo.
Nhớ thủa nào tuổi dại đã dong chơi,
Em đứng khóc trong mưa đòi hoa gạo.
Anh đứng chờ gọi gió đón hoa rơi.
.
Em nũng nịu, cho xuân đùa mái tóc,
Tuổi ngây thơ ta buôn bán chơi chung,
Em cô gái quán nghèo bên gốc gạo,
Anh thân trai làm chiến sĩ hào hùng.
.
Thu úa tàn giặc tràn vào thôn xóm,
Anh xa lìa làng cũ thủa chiến tranh,
Em có còn đứng chờ hoa gạo rụng
Gió còn đùa hoa gạo cuốn xoay nhanh?
.
Chiến tranh dài xô anh làm lữ thứ,
Anh xa xôi hoa gạo vội tàn mau,
Hoa luôn mãi tươi màu nhung sắc máu,
Nhớ thủa nào mưa lạnh khóc bên nhaụ
.
Năm mươi năm anh quay về quê cũ,
Cầm trong tay hoa gạo úa tàn phai,
Em đứng đó ôm con nhìn hoa gạo,
Anh như người khách lạ tới vãng laị
===========================

.
.

2. Linh hồn của người anh hùng nơi biên giới

Chuyện ngày xưa kể lại rằng vùng đất của người U Ni (một dân tộc ở biên giới phía Bắc nước ta), đêm đêm thường bị kẻ thù xâm lấn, chúng nhổ những chiếc cột mốc biên giới cắm sâu sang bên địa phận của người U Ni để hòng xâm lấn đất đai của người U Ni, Những người con của U Ni đã anh dũng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng với lời nguyền “nếu hy sinh sẽ biến thành những cột mốc biên giới mà quân thù không thể nhổ đi được”.
Trời cao đã nghe thấy được những lời nguyền đó và gieo xuống phía bên này cột mốc biên giới những hạt mộc miên. Những cây mộc miên có sức chịu đựng sương gió và thời tiết khắc nghiệt phi thường, nó cứ mọc và nở hoa đỏ rực rỡ dài suốt theo đuờng biên giới. Cũng không ở đâu có những bông hoa gạo nở to và rực rỡ như ở bản San Cha Chải, những bông hoa có đường kính như cái bát ăn cơm, năm cánh xoè rộng, xoay như chong chóng rơi lã chã như những đốm lửa xẹt vào không gian. Điều kỳ lạ thay, loài hoa này chỉ mọc ở phần đất đường biên của người U Ni, còn bên kia biên giới tuyệt nhiên không bóng dáng một cây mộc miên nào.
Mỗi khi quân thù có ý định xâm lấn bờ cõi của người U Ni, bông gạo lại rơi và cháy loá, khiến quân thù tưởng đó là linh hồn của những người lính U Ni hiển linh nên vội vàng tháo chạy, nhờ đó mà người U Ni thoát khỏi chiến tranh. Có lẽ từ đó mà có câu: “Thần cây đa, ma cây gạo”.
Theo ghi chép trong lịch sử Trung Quốc thì vua Nam Việt là Triệu Đà đã tặng một cây gạo cho vua của nhà Hán vào thế kỷ 2 TCN, từ đó Trung quốc mới có hoa gạo

======================

Ở các vùng đồng bằng miến Bắc nước ta, đầu làng thuờng có trồng cây đa và cây gạo. Theo quan niệm của dân làng, trồng cây đa để đón thần linh về phù hộ cho dân làng, còn trồng cây gạo thì ma làng sẽ về để bảo vệ làng mình khỏi bị các làng khác tranh chấp. Vào độ cuối những ngày rét, cây gạo bắt đầu trút lá, khi chỉ còn trơ trọi những cành cây khẳng khiu thì những nụ hoa bắt đầu nhú. Hoa gạo rơi là cả một trời thơ mộng, có lẽ nhờ vậy mà với trẻ con thì bất chấp cả “ma cây gạo” vẫn cứ ham hố những trò chơi với hoa gạo. Thiếu nữ thả hoa gạo xuống dòng sông xanh để uớc mơ cho mình gặp được người anh hùng; vô tư hơn, đám trẻ con nhặt hoa gạo thổi tung lại lên trời để làm chong chóng…


==============

3. Đẹp đẽ thơ mộng là vậy, nhưng người đời còn biết đến cây gạo với giá trị làm thuốc của nó:


Cây gạo còn được gọi là mộc miên, cổ bối, ban chi hoa, anh hùng thụ... Tên khoa học là Gossampinus malabarica (DC). Merr. Kết quả nghiên cứu thực nghiệm cho thấy, nước sắc hoa gạo có tác dụng ức chế trực khuẩn lỵ mạnh.

Theo dược học cổ truyền, vỏ cây gạo vị cay, tính bình, có công dụng thanh nhiệt, hoạt huyết, tiêu thũng, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như viêm loét dạ dày, đi lỏng, kiết lỵ, đau khớp cổ chân và khớp gối, viêm loét ngoài da, chấn thương do trật đả...Hoa gạo vị ngọt, tính mát, có công dụng thanh nhiệt, giải độc, chỉ huyết, thường dùng để trị đi lỏng, kiết lỵ, băng huyết, viêm loét, nhọt độc, xuất huyết do chấn thương...Rễ gạo vị ngọt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, cầm máu, se vết thương, thường được dùng để chữa viêm loét dạ dày, kiết lỵ phân có máu, lao hạch, sưng vú sau khi sinh con, tổn thương do trật đả.

Một số bài thuốc:

- Viêm khí phế quản cấp tính: Rễ gạo 30 g sắc uống.

- Ho khạc nhiều đờm do phế nhiệt: Hoa gạo 15 g, ngư tinh thảo (rau diếp cá) 15 g, tang bạch bì 10 g, sắc uống.

- Nôn ra máu: Hoa gạo 14 bông, thịt lợn nạc 100 g. Hoa gạo rửa sạch, thái nhỏ; thịt lợn thái miếng. Hai thứ nấu canh ăn.

- Ho ra máu: Hoa gạo 14 bông sắc kỹ, chế thêm một chút đường phèn, chia uống vài lần trong ngày.

- Viêm loét dạ dày: Rễ, hoa hoặc vỏ thân cây gạo 15-30 g, sắc uống. Hoặc: Rễ, hoa hoặc vỏ thân cây gạo 30 g, rễ cây lưỡng diện châm (Zanthoxylum nitidum) 6 g, sắc uống.

- Lỵ trực khuẩn, viêm ruột và dạ dày cấp tính, đi lỏng, đại tiện ra máu: Hoa gạo 60 g, sắc kỹ, chế thêm một chút mật ong hoặc đường phèn, chia uống vài lần trong ngày. Hoặc: Hoa gạo 15 g, kim ngân hoa 15 g, phượng vĩ thảo (cỏ seo gà) 15 g, sắc uống. Hoặc: Hoa gạo 15-30 g sắc kỹ, chia uống 3 lần trong ngày.

- Sưng đau vú sau khi sinh con: Hạt cây gạo 10 g, sao vàng sắc uống.

- Trẻ em sốt cao vào mùa hè: Hoa gạo 6 g, sắc kỹ, chế thêm chút đường phèn, chia uống vài lần trong ngày.

- Viêm khớp mạn tính, đau lưng và đau gối mạn tính: Rễ gạo 30-60 g, sắc hoặc ngâm rượu uống. Hoặc: Vỏ thân cây gạo 15 g, sắc kỹ, bỏ bã, chế thêm một chút rượu vang, chia uống 2 lần trong ngày.

- Tiểu tiện không thông: Chất gôm cây gạo 10 g, kim ngân dây 20 g, hạ khô thảo 20 g, sắc với 750 ml nước, cô còn 300 ml, chia uống 3 lần trong ngày.

- Sưng nề do chấn thương: Vỏ thân hoặc rễ cây gạo ngâm rượu xoa ngoài hoặc giã nát đắp vào vị trí tổn thương. Hoặc: Vỏ thân cây gạo 100 g, củ nghệ vàng già 100 g. Vỏ gạo cạo bỏ vỏ bẩn ở ngoài, băm nhỏ, giã nát với nghệ thái mỏng, dùng dấm thanh và rượu cho vào sao rồi chườm hoặc đắp vào vết thương khi còn nóng.

- Ngứa vùng hậu môn sinh dục: Vỏ thân cây gạo sắc lấy nước ngâm rửa nơi bị bệnh.

- Trĩ xuất huyết: Hoa gạo 20 g, quyển bá 10 g, hòe hoa 15 g, sắc uống.

- Bong gân: Vỏ cây gạo 16 g (cạo bỏ vỏ ngoài, sao rượu), lá lốt 16 g (sao vàng), sắc với 750 ml nước, cô còn 250 ml, chia uống 2 lần trong ngày. Hoặc: Rau má tươi, vỏ thân cây gạo tươi, vòi voi tươi và bồ công anh tươi, bốn thứ lượng bằng nhau, rửa sạch, giã nát, bó vào nơi bị bệnh.

- Gãy xương: Sau khi nắn chỉnh ổ gãy, dùng vỏ rễ cây gạo tươi rửa sạch, giã nát, bó vào vị trí gãy xương, 2 ngày thay 1 lần.

(theo ThS Hoàng Khánh Toàn, Sức Khỏe & Đời Sống)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mong bạn góp ý thêm