Thứ Bảy, 26 tháng 6, 2010

Người khai thác 'nuôi' người bảo vệ rừng


TP - Những người khai thác nguồn lợi từ rừng (thủy điện, nước sạch, khoáng sản, du lịch...) sẽ phải trả phí dịch vụ môi trường rừng (FES). Nguồn thu này dùng để chi trả cho chủ rừng và người bảo vệ rừng.
Sau 15 tháng thí điểm ở hai tỉnh Sơn La và Lâm Đồng, ông Francis A.Donovan - Giám đốc Cơ quan Viện trợ Phát triển Mỹ (USAID) - nhận định Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong ở Đông Nam Á trên mặt trận ứng phó với biến đổi khí hậu theo cách rất mới này.
Thủy điện Sê San 3, một trong những đơn vị đang hưởng lợi từ rừng đầu nguồn. Ảnh tư liệu. Chi trả dịch vụ môi trường rừng (FES) là một khái niệm rất mới trên thế giới trong khuôn khổ nỗ lực toàn cầu tìm kiếm các phương cách để chặn đứng tình trạng suy thoái và mất rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thu nhập tăng, tuần rừng nhiều hơn
Ông Francis A.Donovan nhận xét, thật tuyệt vời, sau 15 tháng thí điểm, tỉnh Lâm Đồng thu được 3,5 triệu USD (tương đương 65 tỉ đồng) phí dịch vụ môi trường rừng chỉ từ hai nhà máy thủy điện và một số Cty du lịch, công ty cung cấp nước sạch, để giúp bảo vệ 250.000 ha rừng đầu nguồn sông Đồng Nai - những khu rừng tự nhiên có tác dụng cung cấp nước cho các nhà máy thủy điện; cung cấp nước sạch cho bảy tỉnh thành, trong đó có TPHCM, ở hạ lưu sông Đồng Nai, và duy trì cảnh quan sinh thái cho kinh doanh du lịch.
Hơn một nửa số tiền này được chi trả trực tiếp cho 8.000 hộ tham gia bảo vệ 203.335 ha rừng, giúp tăng thu nhập năm 2009 của họ gấp 3,5 lần so với năm trước đó.
Theo ông Nguyễn Chí Thành, Đại diện Winrock International Vietnam - tổ chức trực tiếp triển khai dự án thí điểm, các dịch vụ môi trường rừng thực hiện trong giai đoạn thí điểm ở các tỉnh Sơn La và Lâm Đồng mới chỉ trên hai trong tổng số năm lĩnh vực. Đấy là bảo vệ đất và điều tiết nước; bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học. Tiền FES được trả vào tài khoản của quỹ bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh, tổ chức do nhà nước thành lập. Sau đó, quỹ chuyển tiền đến bên cung ứng các dịch vụ môi trường rừng.
Cũng trả lời Tiền Phong, ông Micheal Jenkins, Chủ tịch Forest Trends, thừa nhận ông rất ấn tượng về những gì được thực hiện ở Lâm Đồng: “Tôi thấy dân và chính quyền địa phương đều phấn khởi”.
Ông Kon Sơ Ha Vương, Phó Chủ tịch UBND xã Đa Nhim (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) kể, trước đây, thu nhập của mỗi hộ thực hiện chăm sóc, bảo vệ rừng là 2,3 triệu đồng/hộ/năm; nay, nhờ thực hiện chính sách thí điểm chi trả FES, giá khoán cũng như diện tích nhận khoán tăng, thu nhập bình quân từ tiền nhận khoán rừng của các hộ trong xã là 8,1-8,7 triệu đồng/hộ/năm. Nhờ đó, năm 2009 tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 15%, số vụ xâm hại rừng giảm một nửa so với năm 2008.
Ông Nguyễn Chí Thành cho hay, trước, người ta tuần rừng khoảng một lần một tháng; nay, một tháng, có người đi tuần mấy lần. Với kết quả này, “Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á thực hiện chi trả các dịch vụ môi trường rừng”.

Chớ giục tốc
Ông Nguyễn Tuấn Phú, Văn phòng Chính phủ, cho biết, nhà nước sẽ can thiệp ở mức tối thiểu và đưa ra các quy định quản lý tài chính thoáng chưa từng có. Trong lộ trình thực hiện Đề án 30 về cải cách thủ tục hành chính, Chính phủ quyết tâm đảm bảo tiền thu được theo phương thức mới đến tay người chăm sóc và bảo vệ rừng nhanh và hiệu quả nhất.
Một trong những đột phá là Chính phủ sẽ cho thành lập các quỹ ủy thác tiếp nhận tiền của các bên hưởng dịch vụ FES. Không giống các quỹ khác, quỹ này không phải nộp tiền vào kho bạc nhà nước. Thay vào đó, quỹ thực hiện các bước đi thích hợp để chuyển tiền đến ngay những người hưởng thụ bao gồm chủ rừng và người tham gia bảo vệ, chăm sóc rừng.
Tuy nhiên, từ nay cho đến khi triển khai toàn quốc, còn rất nhiều việc phải làm. Chẳng hạn, theo ông Cẩm Văn Chinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, để thực hiện đầy đủ chính sách mới chi trả FES, cần sớm rà soát điều chỉnh chính sách giao đất, giao rừng. Chỉ riêng tỉnh Sơn La, với 156 xã có diện tích rừng là 379.272ha thuộc quyền quản lý của 52.000 chủ rừng, chi phí cho việc rà soát, điều chỉnh đã rất tốn kém tiền bạc và thời gian.
Tại Tây Nguyên tiên phong thực hiện thí điểm, ông Hoàng Sĩ Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, băn khoăn về việc chưa có quy định cụ thể về các hình thức xử lý, giảm trừ mức chi trả FES cho hộ nhận khoán bảo vệ rừng khi họ vi phạm hợp đồng nhận khoán.
Đơn vị chi trả FES cũng chưa yên tâm mặc dù họ thừa nhận ý nghĩa của việc bảo vệ, chăm sóc rừng đầu nguồn đối với các hồ chứa. Ông Nguyễn Trọng Oánh, Giám đốc Cty Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi, cho biết, doanh nghiệp đã chi trả FES năm 2009 số tiền 24,34 tỷ đồng. Nộp số tiền lớn như thế, doanh nghiệp lo cơ chế chi trả FES lần đầu tiên thực hiện ở Việt Nam và chưa từng có tiền lệ ở khu vực, liệu có minh bạch;
Ngoài ra, còn có những vấn đề chưa rõ ràng khác như việc phân chia lợi ích giữa các bên liên quan thu được từ người mua dịch vụ, rồi mỗi khu rừng cung cấp chất lượng dịch vụ khác nhau. Đấy là chưa kể, nguồn thu dịch vụ mới chỉ tập trung vào các công trình thủy điện và các khu du lịch sinh thái dựa vào rừng, khiến quy mô quỹ còn hạn hẹp, v.v…
Chính sách chi trả FES là một trong những hướng đi chưa từng có ở Việt Nam. Nhiều người kỳ vọng, nếu tổ chức thực hiện tốt, sẽ giúp mục tiêu quy hoạch gần nửa diện tích quốc gia (47%) cho phát triển lâm nghiệp sớm thành hiện thực.
Không những thế, tại hội nghị quốc tế cũng về FES vừa tổ chức ở Hà Nội ngày 23 và 24-6 với sự tham dự của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, đại diện các tổ chức quốc tế đều nhất trí cho rằng các kết quả thử nghiệm sau gần hai năm thực hiện chính sách chi trả FES ở Việt Nam sẽ sớm được xem xét và áp dụng cho các quốc gia trong khu vực, trước hết là Thái Lan, Lào, và Campuchia. Đặc biệt, họ sẽ xem xét vai trò của chính phủ nên can thiệp đến đâu là vừa khi thực hiện chính sách rất mới này.
Chính vì thế, rất nhiều tổ chức quốc tế đang theo dõi chặt chẽ các bước đi tiếp theo của Chính phủ Việt Nam trong việc đưa chính sách chi trả FES ra quy mô toàn quốc. Trong bối cảnh ấy, có ý kiến cho rằng chính sách mới dù hứa hẹn mấy cũng không nên giục tốc mà bất đạt.

Quốc Dũng

Thứ Sáu, 4 tháng 6, 2010

Năm Quốc tế về Đa dạng sinh học





Bạn có biết rằng con người là một trong hàng triệu loài? Hay chính xác hơn, theo ước tính của các nhà khoa học con người là một trong số 15 triệu loài đang sinh sống trên hành tinh. Trong khi dân số đang gia tăng một cách nhanh chóng thì phần lớn những loài động vật và thực vật lại đang ngày càng suy giảm.
Tổng cộng có 17.291 loài được biết đến đang có nguy cơ tuyệt chủng – Từ những loài ít được biết đến như thực vật và côn trùng tới các loài chim cỡ lớn và động vật có vú. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là phần nổi của “tảng băng trôi”, thậm chí có nhiều loài còn biến mất trước khi được phát hiện.
Đâu là lý do? Chính là hoạt động của con người. Với cách tiếp cận hiện nay của chúng ta đối với vấn đề phát triển, con người đã gây ra sự mất mát của hàng loạt các khu rừng nguyên sinh, các vùng đất ngập nước quan trọng của thế giới, suy giảm ba phần tư số lượng các loài cá trong tự nhiên và thải ra lượng nhiệt quá đủ để “giữ ấm” cho hành tinh trong vài thế kỷ tới. Con người đã làm gia tăng tốc độ tuyệt chủng của các loài gấp 1.000 lần so với tỷ lệ tự nhiên.
Hậu quả là, chúng ta đang làm gia tăng mối nguy hiểm do việc đánh mất những nền tảng cơ sở của sự tồn tại. Sự đa dạng của cuộc sống trên hành tinh được gọi là “Đa dạng sinh học”, nó cung cấp cho chúng ta thức ăn, thuốc uống, quần áo, nhiên liệu và nhiều, nhiều thứ khác. Bạn không nghĩ rằng một con bọ cánh cứng ở sân hay những bãi cỏ bên lề đường lại có những mối liên hệ cơ bản gì với bạn – nhưng nó có. Khi một loài bị biến mất khỏi sự sống, có thể sẽ gây ra những hậu quả tồi tệ.
Vì lý do này, Liên hợp quốc đã tuyên bố năm 2010 là Năm Quốc tế về Đa dạng sinh học. Đây là cơ hội để nhấn mạnh tầm quan trọng của đa dạng sinh học đối với đời sống con người, phản ánh những thành tựu của chúng ta về bảo tồn đa dạng sinh học và nỗ lực để giảm tỷ lệ mất đa dạng sinh học.
Chủ đề của Ngày Môi trường thế giới năm 2010 là “Nhiều loài – Một hành tinh – Tương lai chúng ta”. Chủ đề này một lần nữa kêu gọi cộng đồng cùng chung tay bảo tồn sự đa dạng của cuộc sống trên hành tinh. Một hành tinh không có đa dạng sinh học sẽ là một viễn cảnh thật ảm đạm. Con người và sinh vật cùng chia sẻ một không gian sống trên một hành tinh, và chỉ có bảo tồn sinh vật chúng ta mới tạo ra được một tương lai bền vững và thịnh vượng.
Ngày Môi trường thế giới năm nay là cơ hội để chúng ta huy động sức mạnh các nhân và tập thể ngăn chặn nguy cơ tuyệt chủng của các loài sinh vật. Những nỗ lực của chúng ta đã cứu mốt số loài bên bờ tuyệt chủng và đã phục hồi một số sinh cảnh tự nhiên quan trọng của thế giới. Trong Ngày Môi trường thế giới, chúng ta hãy quyết tâm làm nhiều hơn nữa, nhanh hơn nữa để giành chiến thắng trong cuộc đua chống lại sự tuyệt chủng.
Nguồn: Tổng cục Môi trường Việt Nam
————————————————————–
Hưởng ứng ngày Môi trường thế giới 5/6/2010
(Bài tổng hợp của TS. Phạm Khắc Liệu - Trưởng khoa Môi trường - Trường ĐHKH Huế)
Những năm gần đây, Ngày Môi trường thế giới không chỉ còn là sự kiện của các cơ quan hữu trách, của những người làm việc trong lĩnh vực môi trường mà đã thực sự trở thành sự kiện thu hút mối quan tâm của đông đảo cộng đồng. Khi những vấn đề môi trường như biến đổi khí hậu, ô nhiễm nước và không khí, suy giảm đa dạng sinh học,…đã len lỏi vào tận các ngõ xóm, gia đình, đã chạm đến tận từng người dân, thì Ngày Môi trường thế giới dần trở thành “Ngày Môi trường của mọi người” là điều dễ hiểu.
Lịch sử ngày Môi trường Thế giới
Trước hàng loạt biểu hiện ô nhiễm, suy thoái môi trường trong những năm 1960 và nhận thức được đó là những hậu quả tác động của con người, lần đầu tiên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã tổ chức Hội nghị với chủ đề “Môi trường con người” tại Stockholm (Thuỵ Điển). Hội nghị khai mạc ngày 5/6/1972. Ngay trong ngày khai mạc, Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) đã được thành lập. Nhằm đánh dấu mốc thời gian quan trọng này, Liên Hợp Quốc đã chọn ngày 5/6 hàng năm làm ngày Môi trường thế giới. Liên Hợp Quốc muốn thông qua các hoạt động trong ngày này sẽ thu hút sự quan tâm của các chính phủ, các tổ chức và người dân trên khắp thế giới đối với công tác bảo vệ môi trường.
Theo thông lệ, mỗi năm Liên Hợp Quốc sẽ chọn một thành phố làm trung tâm tổ chức các hoạt động và đưa ra một chủ đề trọng tâm cho các hoạt động môi trường trong năm. Trong ngày này, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc sẽ có thông điệp gửi nhân dân toàn thế giới. Bắt đầu từ năm 1987, Liên Hợp Quốc đã phát động thêm Lễ trao giải thưởng môi trường “Global 500” nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức có nhiều đóng góp cho hoạt động bảo vệ môi trường.
Bắt đầu từ năm 1982, Việt Nam đã hưởng ứng các hoạt động kỷ niệm ngày Môi trường thế giới, bằng cách chọn ra một địa phương làm nơi tổ chức các hoạt động trọng tâm cho cả nước, đồng thời phát động rộng rãi các chiến dịch, phong trào bảo vệ môi trường ở tất cả các tỉnh thành. Đặc biệt, lần đầu tiên ngày Môi trường thế giới 2001 đã được UNEP “phá lệ” chọn 2 thành phố chính (Torino, Ý và Havana, Cu Ba) cùng 2 thành phố kết nối (Huê, Việt Nam và Nairobi, Kenya) để tổ chức, phù hợp với chủ đề của năm là “Liên kết toàn cầu vì sự sống”. Trong gần 1 tuần (1-5/6/2001), thành phố Huế đã ngập tràn trong bầu không khí sôi nổi “môi trường”với hơn 30 hoạt động phong phú.
Ngày Môi trường thế giới 2010
Năm 2010 là năm Quốc tế về Đa dạng sinh học. Do vậy, UNEP đã lựa chọn chủ đề chính thức cho Ngày Môi trường thế giới năm 2010 là “Nhiều loài - Một hành tinh - Tương lai chúng ta” (Many Species. One Planet. One Future) và nước Cộng hòa Rwanda thuộc Châu Phi được chọn làm địa điểm tổ chức Lễ mít tinh quốc tế sự kiện môi trường quan trọng này.
Chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm nay nêu lên những cảnh báo về sự suy giảm đa dạng sinh học với tốc độ báo động, một phần do quản lý chưa tốt và thiếu nhận thức về tầm quan trọng của bảo tồn đa dạng sinh học đối với sự tồn tại của xã hội cũng như sự thịnh vượng lâu dài của nhân loại. Con người và hàng triệu loài cùng sinh sống trên hành tinh, cùng chia sẻ sự sống và sự phát triển bền vững trong tương lai.
Ngày 9/4/2010 Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có công văn về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 2010 ở nước ta. Theo đó, tỉnh Quảng Bình sẽ được chọn đăng cai tổ chức Lễ mít tinh Quốc gia hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Năm Quốc tế về Đa dạng sinh học 2010. Đồng thời, ở các Bộ, ban ngành, đoàn thể, các tỉnh, thành phố sẽ tổ chức chiến dịch tuyên truyền vận động giáo dục cán bộ và cộng đồng chấp hành tốt Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học, lồng ghép các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới với Tuần lễ Nước sạch và Vệ sinh môi trường, từ 29/4 đến 6/5, Ngày Quốc tế Lao động 1/5, Ngày Quốc tế Gia đình 15/5.
Ngày 29/4/2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn số 2321/BGDĐT-KHCNMT hướng dẫn tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 05/6/2010 trong hệ thống các cơ sở giáo dục và đào tạo, các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các viện nghiên cứu trực thuộc.
Các hoạt động hưởng ứng trong các cơ sở giáo dục bao gồm:
tuyên truyền, vận động, giáo dục cho cán bộ, giảng viên, giáo viên, học sinh và sinh viên chấp hành tốt Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học, triển khai tốt các chỉ thị và nghị quyết của Đảng về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước;
tổ chức mít tinh và triển khai các hoạt động cụ thể, thiết thực hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới như làm vệ sinh môi trường trên địa bàn; trồng cây phủ xanh đất trống, đồi trọc; sửa chữa, xây mới các công trình cấp nước sạch, công trình nhà vệ sinh;
lồng ghép các nội dung tuyên truyền, giáo dục về nguyên nhân và tác hại của ô nhiễm môi trường, của biến đổi khí hậu đến phát triển kinh tế - xã hội và sức khỏe con người; hướng mọi người tự giác hạn chế sử dụng nguồn nguyên, nhiên liệu có phát sinh khí thải gây hiệu ứng nhà kính, gây biến đổi khí hậu; tạo thói quen tự giác tham gia các hoạt động, phong trào bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên không tái tạo như than đá, dầu mỏ, khí đốt; bảo tồn các động vật hoang dã.
treo băng rôn, panô, áp phích, khẩu hiệu tại trụ sở cơ quan làm việc, trường học nhằm nhắc nhở mọi người cùng hành động bảo vệ môi trường.
đưa tin, bài viết tuyên truyền về ý nghĩa của Ngày Môi trường thế giới trên các tạp chí, website của đơn vị.
biểu dương khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích trong hoạt động bảo vệ môi trường.
.