Thứ Sáu, 4 tháng 6, 2010

Năm Quốc tế về Đa dạng sinh học





Bạn có biết rằng con người là một trong hàng triệu loài? Hay chính xác hơn, theo ước tính của các nhà khoa học con người là một trong số 15 triệu loài đang sinh sống trên hành tinh. Trong khi dân số đang gia tăng một cách nhanh chóng thì phần lớn những loài động vật và thực vật lại đang ngày càng suy giảm.
Tổng cộng có 17.291 loài được biết đến đang có nguy cơ tuyệt chủng – Từ những loài ít được biết đến như thực vật và côn trùng tới các loài chim cỡ lớn và động vật có vú. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là phần nổi của “tảng băng trôi”, thậm chí có nhiều loài còn biến mất trước khi được phát hiện.
Đâu là lý do? Chính là hoạt động của con người. Với cách tiếp cận hiện nay của chúng ta đối với vấn đề phát triển, con người đã gây ra sự mất mát của hàng loạt các khu rừng nguyên sinh, các vùng đất ngập nước quan trọng của thế giới, suy giảm ba phần tư số lượng các loài cá trong tự nhiên và thải ra lượng nhiệt quá đủ để “giữ ấm” cho hành tinh trong vài thế kỷ tới. Con người đã làm gia tăng tốc độ tuyệt chủng của các loài gấp 1.000 lần so với tỷ lệ tự nhiên.
Hậu quả là, chúng ta đang làm gia tăng mối nguy hiểm do việc đánh mất những nền tảng cơ sở của sự tồn tại. Sự đa dạng của cuộc sống trên hành tinh được gọi là “Đa dạng sinh học”, nó cung cấp cho chúng ta thức ăn, thuốc uống, quần áo, nhiên liệu và nhiều, nhiều thứ khác. Bạn không nghĩ rằng một con bọ cánh cứng ở sân hay những bãi cỏ bên lề đường lại có những mối liên hệ cơ bản gì với bạn – nhưng nó có. Khi một loài bị biến mất khỏi sự sống, có thể sẽ gây ra những hậu quả tồi tệ.
Vì lý do này, Liên hợp quốc đã tuyên bố năm 2010 là Năm Quốc tế về Đa dạng sinh học. Đây là cơ hội để nhấn mạnh tầm quan trọng của đa dạng sinh học đối với đời sống con người, phản ánh những thành tựu của chúng ta về bảo tồn đa dạng sinh học và nỗ lực để giảm tỷ lệ mất đa dạng sinh học.
Chủ đề của Ngày Môi trường thế giới năm 2010 là “Nhiều loài – Một hành tinh – Tương lai chúng ta”. Chủ đề này một lần nữa kêu gọi cộng đồng cùng chung tay bảo tồn sự đa dạng của cuộc sống trên hành tinh. Một hành tinh không có đa dạng sinh học sẽ là một viễn cảnh thật ảm đạm. Con người và sinh vật cùng chia sẻ một không gian sống trên một hành tinh, và chỉ có bảo tồn sinh vật chúng ta mới tạo ra được một tương lai bền vững và thịnh vượng.
Ngày Môi trường thế giới năm nay là cơ hội để chúng ta huy động sức mạnh các nhân và tập thể ngăn chặn nguy cơ tuyệt chủng của các loài sinh vật. Những nỗ lực của chúng ta đã cứu mốt số loài bên bờ tuyệt chủng và đã phục hồi một số sinh cảnh tự nhiên quan trọng của thế giới. Trong Ngày Môi trường thế giới, chúng ta hãy quyết tâm làm nhiều hơn nữa, nhanh hơn nữa để giành chiến thắng trong cuộc đua chống lại sự tuyệt chủng.
Nguồn: Tổng cục Môi trường Việt Nam
————————————————————–
Hưởng ứng ngày Môi trường thế giới 5/6/2010
(Bài tổng hợp của TS. Phạm Khắc Liệu - Trưởng khoa Môi trường - Trường ĐHKH Huế)
Những năm gần đây, Ngày Môi trường thế giới không chỉ còn là sự kiện của các cơ quan hữu trách, của những người làm việc trong lĩnh vực môi trường mà đã thực sự trở thành sự kiện thu hút mối quan tâm của đông đảo cộng đồng. Khi những vấn đề môi trường như biến đổi khí hậu, ô nhiễm nước và không khí, suy giảm đa dạng sinh học,…đã len lỏi vào tận các ngõ xóm, gia đình, đã chạm đến tận từng người dân, thì Ngày Môi trường thế giới dần trở thành “Ngày Môi trường của mọi người” là điều dễ hiểu.
Lịch sử ngày Môi trường Thế giới
Trước hàng loạt biểu hiện ô nhiễm, suy thoái môi trường trong những năm 1960 và nhận thức được đó là những hậu quả tác động của con người, lần đầu tiên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã tổ chức Hội nghị với chủ đề “Môi trường con người” tại Stockholm (Thuỵ Điển). Hội nghị khai mạc ngày 5/6/1972. Ngay trong ngày khai mạc, Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) đã được thành lập. Nhằm đánh dấu mốc thời gian quan trọng này, Liên Hợp Quốc đã chọn ngày 5/6 hàng năm làm ngày Môi trường thế giới. Liên Hợp Quốc muốn thông qua các hoạt động trong ngày này sẽ thu hút sự quan tâm của các chính phủ, các tổ chức và người dân trên khắp thế giới đối với công tác bảo vệ môi trường.
Theo thông lệ, mỗi năm Liên Hợp Quốc sẽ chọn một thành phố làm trung tâm tổ chức các hoạt động và đưa ra một chủ đề trọng tâm cho các hoạt động môi trường trong năm. Trong ngày này, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc sẽ có thông điệp gửi nhân dân toàn thế giới. Bắt đầu từ năm 1987, Liên Hợp Quốc đã phát động thêm Lễ trao giải thưởng môi trường “Global 500” nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức có nhiều đóng góp cho hoạt động bảo vệ môi trường.
Bắt đầu từ năm 1982, Việt Nam đã hưởng ứng các hoạt động kỷ niệm ngày Môi trường thế giới, bằng cách chọn ra một địa phương làm nơi tổ chức các hoạt động trọng tâm cho cả nước, đồng thời phát động rộng rãi các chiến dịch, phong trào bảo vệ môi trường ở tất cả các tỉnh thành. Đặc biệt, lần đầu tiên ngày Môi trường thế giới 2001 đã được UNEP “phá lệ” chọn 2 thành phố chính (Torino, Ý và Havana, Cu Ba) cùng 2 thành phố kết nối (Huê, Việt Nam và Nairobi, Kenya) để tổ chức, phù hợp với chủ đề của năm là “Liên kết toàn cầu vì sự sống”. Trong gần 1 tuần (1-5/6/2001), thành phố Huế đã ngập tràn trong bầu không khí sôi nổi “môi trường”với hơn 30 hoạt động phong phú.
Ngày Môi trường thế giới 2010
Năm 2010 là năm Quốc tế về Đa dạng sinh học. Do vậy, UNEP đã lựa chọn chủ đề chính thức cho Ngày Môi trường thế giới năm 2010 là “Nhiều loài - Một hành tinh - Tương lai chúng ta” (Many Species. One Planet. One Future) và nước Cộng hòa Rwanda thuộc Châu Phi được chọn làm địa điểm tổ chức Lễ mít tinh quốc tế sự kiện môi trường quan trọng này.
Chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm nay nêu lên những cảnh báo về sự suy giảm đa dạng sinh học với tốc độ báo động, một phần do quản lý chưa tốt và thiếu nhận thức về tầm quan trọng của bảo tồn đa dạng sinh học đối với sự tồn tại của xã hội cũng như sự thịnh vượng lâu dài của nhân loại. Con người và hàng triệu loài cùng sinh sống trên hành tinh, cùng chia sẻ sự sống và sự phát triển bền vững trong tương lai.
Ngày 9/4/2010 Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có công văn về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 2010 ở nước ta. Theo đó, tỉnh Quảng Bình sẽ được chọn đăng cai tổ chức Lễ mít tinh Quốc gia hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Năm Quốc tế về Đa dạng sinh học 2010. Đồng thời, ở các Bộ, ban ngành, đoàn thể, các tỉnh, thành phố sẽ tổ chức chiến dịch tuyên truyền vận động giáo dục cán bộ và cộng đồng chấp hành tốt Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học, lồng ghép các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới với Tuần lễ Nước sạch và Vệ sinh môi trường, từ 29/4 đến 6/5, Ngày Quốc tế Lao động 1/5, Ngày Quốc tế Gia đình 15/5.
Ngày 29/4/2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn số 2321/BGDĐT-KHCNMT hướng dẫn tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 05/6/2010 trong hệ thống các cơ sở giáo dục và đào tạo, các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các viện nghiên cứu trực thuộc.
Các hoạt động hưởng ứng trong các cơ sở giáo dục bao gồm:
tuyên truyền, vận động, giáo dục cho cán bộ, giảng viên, giáo viên, học sinh và sinh viên chấp hành tốt Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học, triển khai tốt các chỉ thị và nghị quyết của Đảng về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước;
tổ chức mít tinh và triển khai các hoạt động cụ thể, thiết thực hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới như làm vệ sinh môi trường trên địa bàn; trồng cây phủ xanh đất trống, đồi trọc; sửa chữa, xây mới các công trình cấp nước sạch, công trình nhà vệ sinh;
lồng ghép các nội dung tuyên truyền, giáo dục về nguyên nhân và tác hại của ô nhiễm môi trường, của biến đổi khí hậu đến phát triển kinh tế - xã hội và sức khỏe con người; hướng mọi người tự giác hạn chế sử dụng nguồn nguyên, nhiên liệu có phát sinh khí thải gây hiệu ứng nhà kính, gây biến đổi khí hậu; tạo thói quen tự giác tham gia các hoạt động, phong trào bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên không tái tạo như than đá, dầu mỏ, khí đốt; bảo tồn các động vật hoang dã.
treo băng rôn, panô, áp phích, khẩu hiệu tại trụ sở cơ quan làm việc, trường học nhằm nhắc nhở mọi người cùng hành động bảo vệ môi trường.
đưa tin, bài viết tuyên truyền về ý nghĩa của Ngày Môi trường thế giới trên các tạp chí, website của đơn vị.
biểu dương khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích trong hoạt động bảo vệ môi trường.
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mong bạn góp ý thêm