Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2022

KÝ ỨC VỤN MÙA HỘI KHOÁ 2022


(Viết cho tháng 6 âm lịch năm Nhân Dần)

“Tháng Sáu 
Có hạt mưa mùa vỡ òa trong mắt nhau 
Trắng mưa trắng những lời tình bạc bẽo… 
Bong bóng tan đi mộng mị chập chờn ảnh ảo, 
Để hoang mang… để thổn thức tình đầu” 
(Tựa vào tháng Sáu đỏ lời yêu) 
Tháng sáu là mùa tắm cát của những đôi chim sẻ, mùa cháy bỏng rực đỏ của những chùm phượng vĩ, mùa chia li của những cô cậu học trò… “ Tháng sáu trời mưa, trời mưa không dứt” câu ca này có vẻ như xa lạ với vùng đất miền Trung.
 "Trời nơi đây rất hiếm những lần mưa 
Nên tháng sáu cũng hanh gầy vạt nắng 
Đáy mắt ta còn chứa đầy lệ nặng 
Nên nỗi buồn gọi mãi chẳng thành tên…" 
(Tháng sáu giờ chẳng còn mưa) 
Tháng sáu về, những nàng thơ từ xứ Bắc hay từ “miền Nam trong trái tim tôi” cứ nghe đến đoạn “về đi em, về với quê anh, nước biếc non xanh, đường quanh quanh…” là vội vàng xách ba lô lên đường để “về xứ Nghệ cùng anh”. Nhưng về đây rồi em mới thấm đậm thêm câu thơ mà nữ thi sĩ Xuân Quỳnh đã cảnh báo, ở nơi đó “chỉ có nắng và gió Lào quạt lửa”. 
Sau mấy chục năm nữ sĩ đã rời xa thế giới này thì trời đất cũng cuồng quay, vạn vật cũng có phần thay đổi. Tháng sáu năm nào “trời không mưa anh cũng lạy trời mưa”, còn năm nay biết “bọn trẻ” chúng tôi tìm về với nhau trong mùa hội khóa, thế là trời không ngừng trút xuống trần gian những dòng lệ tuôn trào, phải chăng trời khóc hộ cho những mối tình dang dở của tuổi học trò? để rồi giỏ xe em hôm nay không thể chở đầy hoa phượng, không thể chở đầy ắp bao kỷ niệm của một thời áo trắng mà phải chồng chất thêm những lo toan vất vả đời thường. 
Tháng sáu về không còn tiếng thở than của loài ve để trách cứ ai đã từng quên trao bức thư viết vội. Tháng sáu về mang theo những ký ức ngày xưa của một thời hoa lửa. “Trời chợt mưa, chợt nắng chẳng vì đâu, nhưng sao đi mà không bảo gì nhau”… 
Ta vô tình, em hờ hững rứa là thành xa lạ. Còn lại một người vẫn đứng chờ giữa ngã ba, năm đến, mùa qua, mưa về và nắng tới, nhưng bức thư năm nào vẫn còn giữ nguyên trong vở, lời muốn nói ra vẫn còn lưu mãi trong tim. 
Ta bước đi trên con đường thân quen của ngày xưa một thuở, rồi ngắm nhìn những cặp “nhóc con” bước chậm, họ nắm tay nhau rồi ngập ngừng bên cửa sổ… Ta trở về, và đã tỉnh giấc mơ, về căn phòng gói đầy kỷ niệm, mong tháng sáu qua mau để ký ức xưa tan biến, để ta quên đi một người đã xa ta… 
Hội khóa đã tan rồi, chia tay nơi “Mường Thanh”, ta trở về với ngọn gió bỏng, với đất khô cằn, cát trắng... Những cảnh vật, con đường tưởng chừng xa lạ, nhưng ta về “ở mãi hoá yêu thương”. Tưởng là đã xong, tưởng tháng sáu chẳng còn gì vấn vương, cho tất cả trôi vào dĩ vãng, để ta ngồi nghêu ngao “em có hay chăng ta vẫn còn thương, còn nhớ đôi ta hôm nao…” thì trời lại thêm một lần trĩu nặng, trút những giọt lệ sầu, đưa ta trở về với miền ký ức xa xưa, tan học về ta ngồi sau xe em trong một buổi trưa, gió Lào rát bỏng cháy cả con đường quen thuộc, trên môi em chát mặn những giọt mồ hôi…


Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2022

SỐ PHẬN BI ĐÁT CỦA HAI BỨC THƯ

Tuổi thanh xuân cho ta biết được những xúc cảm đầu đời, biết yêu, biết giận hờn, biết nhớ, biết thương một cách “ngây ngô”, “dại khờ” và trong sáng nhất. Những cảm xúc mà đến bây giờ vẫn còn nôn nao, cách đây 35 năm (mà có lẽ phải 36-37 năm gì đó?), có một gã khờ đã sinh ra và chính hắn đã bức tử một bức “thư tình” của thời áo trắng. Chỉ cần một động tác nhỏ “đây, thư, về nhà đọc nhé…” mà gã khờ này đã không làm được, vì gã không vượt qua mặc cảm của bản thân, không vượt qua được nỗi sợ hãi nếu bức thư mình bị đem ra “đọc chung”. 
Những tưởng bức thư này sẽ được nằm vĩnh viễn dưới đầu giường để gã ôm ấp một kỷ niệm đẹp đầu đời. Nhưng không! gã muốn giữ sự êm ấm cho cả hai nên đành đứt ruột cho bức thư thứ nhất hóa kiếp trong sự tiếc nuối đơn phương và nỗi nhớ thương vời vợi. 
Còn bức thư thứ hai? Sau 35 năm gặp lại, nhìn sâu thẳm vào ánh mắt người ấy (ánh mắt mà suốt 3 năm PTTH gã chỉ dám trộm nhìn) gã thấy một tia hy vọng vụt lóe lên, biến gã thành một đứa trẻ thơ, một kẻ dại khờ. Bao nhiêu kỷ niệm xưa cứ dâng trào lên trong gã như mới ngày hôm qua. Gã lao đến nắm tay người ấy, thế là gã đã thực hiện được một nửa ước mơ sau tận 35 năm dài đằng đẵng. Hình như có một luồng năng lượng nào đó truyền tiếp thêm để gã có thể hét lên lời lâu nay bị kìm nén. Nhưng gã khờ này lại thêm một lần nữa đứng ngần ngơ. Lại nuối tiếc như một thời hoa đỏ. 
Đêm về, bức thư thứ hai được sinh ra. 
Sáng hôm sau được tiếp thêm “thuốc liều” nặng đô là bia rượu trong buổi hội khóa, gã định lấy hết can đảm để dí vào tay nàng (à quên, BÀ) sản phẩm mà gã đã trằn trọc, quằn quại cả đêm mới sinh ra được nó. Cầm tay BÀ thấy run run, giật giật. Mới có động tác nhỏ ri thôi mà lôi cuốn 200 cặp mắt tại hội trường dán vào. Lại e thẹn, lại ngại ngùng… Thế là bức thư lần này không phải nằm im trong vở mà nằm im lìm trong quyển menu của KS Mường Thanh rồi lặng lẽ trở về với chính chủ sinh ra nó. 
“Hội ngộ rồi chia ly, cuộc đời vẫn thế”, mang trạng thái lâng lâng cảm xúc về nhà gã chợt nhớ ra điều gì đó, vội vội vàng vàng hóa kiếp ngay bức thư này. Vợ hỏi anh đốt gì đó? À anh đốt cái ngây ngô dại khờ. Bà vợ vội vàng lao đến để “thoả mãn trí tò mò”, chỉ kịp nhìn thấy qua đống tàn tro và làn khói hư ảo in hằn lên một dòng duy nhất: TAU THÍCH MI