Thứ Ba, 7 tháng 7, 2009

KÝ SỰ VỀ MỘT CHUYẾN ĐI

.
Trong những ngày hè oi ả của tháng bảy, ở thành phố đỏ nỗi oi bức, ngột ngạt như được tăng thêm do các sĩ tử đổ về cụm thi Vinh để thi đại học (khối A), chúng tôi - những "lũ trẻ chăn bò thành phố" tìm ngược lên miền Tây Nam xứ Nghệ để tìm kiếm vẻ đẹp nên thơ, tìm đến chốn các truyền thuyết và những câu chuyện được nghe còn dang dở . Đã chuẩn bị tinh thần từ rất lâu, nhưng hôm nay chúng tôi mới có một cuộc hành trình tìm về nguồn cội của nơi sinh ra tổ tiên của loài người. Để tập hợp được một lũ trẻ "đếm hết ngón của ba bàn tay" thật vất vả vì đứa thì tay yếu chân mềm, đứa thì mắt dưới tỏ mà mắt trên mờ, đứa thì nhỏ dại cần người chăm bẵm… Cuối cùng, bọn chúng tôi cũng tập hợp đầy đủ tại quán cháo lươn bà Lan. Gớm! hôm nay cái quán này sao mà kiêu thật, chất lượng ngày càng dở nữa chứ! Cu Tuấn biết trước nên không thèm cháo lươn mà ăn bánh mướt chấm nước mắm cho bà ta biết mặt!
Tạm biệt thành Vinh, xe chúng tôi hướng thẳng đường Hồ Chí Minh. Anh tài xế sinh sự đòi thêm tiền vì đường này xa hơn đường 30??? OK đi, ăn chơi sợ chi mưa rơi (mà đúng mưa rơi thật). Mới vừa được hưởng cái nắng rát bỏng da và những trận gió Lào như muốn nuốt trửng làn da nõn nà của chị L ngày hôm qua, thế mà hôm nay, đang bon bon trên con đường huyền thoại, chúng tôi được hưởng những hạt mưa nam mát mẻ. Bọn chúng tôi mở cửa xe để hưởng thụ mùi hương của những khu rừng Bạch đàn, mùi hoa dẻ giữa đại ngàn hùng vĩ, nhưng thỉnh thoảng vẫn xen lẫn mùi nước đái bò quen quen!
Đến QL7A, tạm biệt đường Hồ Chí Minh chúng tôi ngược lên để tìm nơi sơn cùng thuỷ tận. Sau 3 tiếng đồng hồ, xe đưa đến khu hành chính của VQG Pù Mát. Mấy đứa trẻ nói rằng ở đây cũng chẳng khác chi "bản" Vinh ta! Đón tiếp chúng tôi là một cán bộ phòng giáo dục môi trường của vườn – trông anh Dương có vẻ như trẻ hơn so với tuổi Canh Tuất của mình (phải chăng anh tiếp xúc với nhiều người vui vẻ như chúng tôi nên không thể già hơn được?).
Choáng ngợp trước những nghiên cứu khoa học của các bậc tiền bối! - ảnh Quốc Sơn
.
Được nghe giới thiệu về khu vực chúng tôi sẽ khám phá trong những ngày tới, được tiếp xúc với những con vật nộm, những hình ảnh chụp, tôi thầm nghĩ bọn chúng tưởng chúng tôi là những loài động vật mới được phát hiện!
.
"Lũ trẻ" đang được nghe giới thiệu tổng quan về cuộc hành trình - ảnh Quỳnh Anh

Sau khoảng 30 phút đi ô tô, chúng tôi đã có mặt tại điểm dừng chân quen thuộc của các du khách trong tour du lịch sinh thái. Đoạn đường 20 km xuyên rừng dường như ngắn lại bởi những câu chuyện bên lề của người hướng dẫn vui tính: nào là chó hết xăng, nào là sự tích Con Cu-ông, rồi đến nước mắt của người vợ và người chồng đã tạo nên dòng thác Kèm… Tạm biệt chiếc ghế xe, chỉnh đốn đội hình, duy tu nhan sắc, bách bộ được khoảng 300m, trước mắt chúng tôi hiện ra một bức tranh sơn thuỷ kèm theo bản nhạc du dương của núi rừng: "thác Kèm"! Nước từ trên cao đổ mạnh xuống qua ba thang bậc, tung bọt trắng xoá, dòng thác như một dải lụa trắng trên nền xanh của núi rừng, như mái tóc mềm mại của cô tiên đã xuống trần giới (và cô đã nằm lại đây muôn đời cho lũ trẻ ngày ngày tới đây hưởng bầu không khí mát mẻ).

Thác Kèm - trông như dải lụa mềm mại nổi bật giữa nền rừng xanh - ảnh Quỳnh Anh

Đây là con thác đẹp vào loại nhất Nghệ An có độ cao khoảng hơn 150 mét, quanh năm nước chảy. Dưới chân thác là khe nước dài với những phiến đá phẳng lỳ như những chiếc bàn lớn làm chỗ nghỉ chân cho lũ chúng tôi. Nếu chưa được tắm ở thác Kèm thì sự sung sướng của chuyến đi chưa lên tới tột đỉnh! Để dòng nước cao vút mát xa vào các ngõ ngách của cơ thể thì không có lời nào để mô tả cảm giác được! Cho dù đây là lần thứ ba tôi tắm ở đây, nhưng lần này tắm dưới trời mưa lất phất, hay! Buổi trưa lũ trẻ được thưởng thức món cơm lam, gà đen chân trắng nướng - tuyệt! Tuy nhiên hôm nay thiếu món mọc cá (đặc sản của người Thái ở đây - với hương vị quyến rũ, nó như thể muốn quấn ghì chặt lấy các du khách để du khách không thể quên được câu tiếng anh bập bẹ: "xi - diu - ờ - ghên"!!!)

.

Thưởng thức món cơm lam ở đây cũng là cả một nghệ thuật - ảnh Quốc Sơn

Quay trở ra QL7A, ngược hướng nước bạn Lào, thăm bến đò Chôm Lôm hôm nào (xã Lạng Khê) chúng tôi ngậm ngùi nhớ đến trận lũ năm nào đã cướp đi sinh mạng của 19 học sinh miền rừng núi. Giờ đây chiếc cầu treo Chôm Lôm đã nối hai bờ sông Cả thách thức dòng nước cuồn cuộn dưới kia cho các em cắp sách đến trường, cho hàng hoá được giao thương buôn bán, cho tình yêu được nảy nở sinh sôi .... Nhưng còn biết bao nhiêu con đò ngang phải oằn mình gánh những con người trong cảnh mưa lũ? Số tiền mà chúng tôi đã quyên góp để xây cầu rất nhỏ nhoi nhưng thật có ý nghĩa biết bao, và sẽ ý nghĩa hơn nếu có những nhà hảo tâm đóng góp để những người lái đò bất đắc dĩ trên những con sông tử thần "được" thất nghiệp.

Nhờ cây cầu mà văn minh hai bờ được rút ngắn - ảnh Quốc Sơn

Đến xã Tam Đình (Tương Dương), chúng tôi "bị" chui lọt vào “Rừng Săng lẻ”. Rừng Săng Lẻ với diện tích gần 100 ha (trong đề án mở rộng diện tích tới 300 ha) khu rừng này được đưa vào diện quản lý từ năm 1964 hiện nay vẫn giữ nguyên được vẻ đẹp tự nhiên. Cuộc sống của người dân nơi đây rất bình yên, mùa hè thời tiết nắng nóng nhưng khu rừng này như một cỗ máy khổng lồ điều hoà khí hậu mát mẻ trong lành. Về mùa mưa, lũ thường xuyên xuất hiện nhưng người dân nơi đây vẫn bình yên vì có một khu rừng luôn che chắn khi bão lũ tràn về, chống xói mòn đất đai và lưu giữ nguồn nước cho người dân bản xứ. Đến đây như nghe được những khúc nhạc rừng đang ngân lên bản hợp xướng rộn ràng của thiên nhiên tươi đẹp, khiến cho chúng tôi cảm thấy đê mê ngây ngất.
.

Rừng này mà ở Vinh thì tha hồ chụp! - ảnh Công Trường

Cây Săng Lẻ thay màu, đổi lá và toả bóng mát quanh năm. Khu rừng này là một đại gia đình cây Săng Lẻ thuộc họ Bằng Lăng, tên khoa học là Lagerstroemia tomentosa Presl. Màu hoa tím thường nở vào mùa hè. Nếu chọn thời điểm mùa hè tham quan thì sẽ thấy đây như là một thung lũng xanh rực trời hoa tím. Giữa cái nắng của mùa hè oi ả khi đặt chân tới đây sẽ thấy như đang bước vào một thế giới hoàn toàn khác biệt, hướng mắt nhìn lên từng ánh nắng xuyên qua kẽ lá như thể các giải ngân hà đang chiếu sáng một miền quê sơn cước bình yên và thơ mộng. Nếu được thả hồn thư giãn trong bầu không khí mát dịu này sẽ cảm thấy nhẹ nhõm trong lòng. Hai bên đường với những hàng cây có độ cao từ 30 - 40m đứng sừng sững như thách đố với thời gian, tiếp đó là những cây cao 20 - 30m thuộc tầng thứ 2 là loài cây thấp hơn rồi đến các loại cây gai dây leo và tầng cuối cùng là thảm cỏ, rêu, dương xỉ. Những cây Săng Lẻ màu trắng nhạt với những tàn lá màu vàng đỏ nổi lên giữa bầu trời trong xanh như tạo thêm cho khu rừng một nét đẹp thanh bình và huyền bí. Thật yên tĩnh đến nỗi có thể nghe rõ cả tiếng lá rơi xào xạc, tiếng suối chảy róc rách đang hoà cùng tiếng chim thánh thót, tất cả tựa như một bức tranh hoàn mỹ của thiên nhiên. Đứng giữa rừng Săng Lẻ ta có thể nhận ra một số loài cây quen thuộc, nhưng có rất nhiều loài cây mà ngay đến các nhà khoa học cũng không biết tên chúng là gì, bởi lẽ chủng loại các loài thực vật trong rừng nhiệt đới nhiều vô kể, cũng chính vì điều này mà tăng thêm phần thu hút khám phá đối với khách du lịch nước ngoài đến nghiên cứu khoa học.
.
Rừng Săng Lẻ như một bức tranh tài hoa của một hoạ sĩ vô hình nào đó đã kỳ công phác hoạ điểm tô cho bức tranh khổng lồ này càng thêm hùng vĩ và có hồn. Đẹp hơn nữa là những giỏ Phong Lan kiêu kỳ vẫn ẩn mình trên những cành cây cao tít khiến cho bức tranh thiên nhiên ấy càng trở nên sinh động hơn. Chiêm ngưỡng cảnh vật ở đây ta thấy được cái vẻ đẹp tưởng chừng như hoang sơ ấy lại đang làm đắm say lòng người, khích lệ con người yêu thiên nhiên hơn. Được nghe những câu chuyện huyền bí cũng như những câu chuyện đời thường về những người bảo vệ rừng tự nguyện ở đây, chúng tôi mới thấm thía rằng "người dân mới bảo vệ rừng tốt hơn bất cứ một tổ chức nào".
.
Người được phong là thần hộ rừng nay đã 89 tuổi - ông đã vận động nhân dân quanh vùng giữ rừng, chiến đấu với lâm tặc để giữ từng cây trong rừng - mồ hôi và những giọt máu đào của ông đã đổ xuống nơi đây nhưng ông không đòi một đồng thù lao nào. Chuyện kể 1001 đêm mới hết, túm lại như sau: Tận mắt chứng kiến máu săng lẻ chảy hàng ngày, ông Vi Chính Nghĩa (Bí thư Huyện ủy về hưu) viết đơn gửi lên huyện tình nguyện được giữ rừng. Nhiều người cười bảo, rừng săng lẻ rộng gần 100 ha huyện phối hợp với nhiều lực lượng ngăn chặn mà chẳng ăn thua huống chi ông già sức vóc kề miệng lỗ. Kẻ thì nói ông giữ rừng với ý đồ kiếm chác. Mặc, ông năm lần bảy lượt đi bộ hơn 30 km lên huyện nằng nặc đòi được giữ rừng. Cán bộ huyện yêu cầu ông trình bày phương án. Ông nói: “Tui lớn lên với rừng, Tui hiểu rừng và con người nơi đây. Tui không trình bày rườm rà. Tui nói làm được là làm được. Tui năm nay 40 năm tuổi Đảng xin thề với rừng tui sẽ giữ được rừng". 20 năm giữ rừng, trên chục bận, ông đánh nhau với lâm tặc. Còn ông có chiêu nữa là lấy dân làm gốc, nhờ dân phát hiện để báo với nhà chức trách đến bắt...
…Một ngày lại trôi qua, sáng sớm thấy ai ai cũng có khuôn mặt rạng ngời (trừ tôi – vì đêm qua….hè.. hè... do vui quá)
Cách Thị trấn 20 km, chúng tôi đến đập Phà Lài là công trình thuỷ lợi lớn nhất của xã Môn Sơn. Có thể nói đây là một công trình nhân tạo, một công trình thế kỷ như người ta thường nói. Nó được khởi công ngày 3/2/2000 và hoàn thành ngày 19/5/2002. Một điều thú vị ở đây là người ta khởi công đập lấy ngày thành lập Đảng (3/2) và hoàn thành vào ngày sinh của Bác Hồ kính yêu (19/5). Theo tôi được biết thì tiếng người dân tộc Thái ở đây Phà có nghĩa là trời, Lài là hoa. Những bông hoa ở trên trời, sở dĩ người ta ví như vậy vì chúng ta đứng ở phía bên này quan sát xung quanh những khối núi đá vôi trập trùng xen lẫn màu xanh của lá, màu đỏ vàng của hoa... tất cả hợp thành làm cho người ta liên tưởng đến như những bông hoa đang lung linh ở phía trên trời ... Còn ở phía bên kia ngôi nhà ẩn hiện sau những hàng cây rừng kia là Trạm QLBVR - nơi đây các anh Kiểm lâm đang một nắng hai sương có khi đem cả tính mạng mình ra đối chọi với lâm tặc, giành giật từng cây rừng để bảo vệ màu xanh cho trái đất.

Bắt cá sông Giăng - ảnh Quỳnh Anh

Lý thú nhất là dong thuyền trên sông Giăng dài hàng chục km, uốn lượn quanh co giữa đại ngàn ,vượt bao nhiêu thác, ghềnh. Những cung bậc cảm xúc thay đổi theo từng khúc địa hình. Sông Giăng – đó còn là những phút lãng mạn của cả một ngày cưỡi sóng ngược ngàn, chúng tôi đến với dân tộc Đan Lai, được nghe huyền sử "100 cây nứa vàng" đã đẩy những con người có nguồn gốc từ hạ nguồn sông Giăng (Thanh Chương) phải trốn chạy. Họ cứ men theo dòng nước của sông Giăng, đi mãi đi mãi cho đến khi mắt chỉ nhìn thấy rừng, hai bên tai chỉ còn nghe tiếng nước chảy, chim kêu, vượn hú, cá tụ lại từng đám đông đặc dưới sông, ong bay vo ve trên đầu thì quyết định dừng lại để lập bản.

Nụ cười sau khi đã leo lên hết "chín bậc tình yêu" ở bản Cò Pạt - ảnh Quỳnh Anh

Vào đến bản Cò Pạt, chúng tôi vẫn chưa thể hình dung ra cách học và dạy ở nơi đây, không hình dung ra cách giao tiếp với xã hội bên ngoài của một dân tộc còn vẻn vẹn 3000 người chỉ có ở Nghệ An (có tài lệu cho rằng đây không phải là dân tộc thiểu số mà là dân tộc Kinh???). Với những khó khăn về đường xá đi cách sông, cách đò, lại nằm trong lõi rừng nguyên sinh Pù Mát với lối sống, suy nghĩ của một dân tộc "trốn chạy", vẫn còn đây phong tục "ngủ ngồi" để phòng tránh thú dữ. Đã nhiều năm dân Đan Lai sống cuộc sống hoang biệt, kết hôn cận huyết từ khi còn bé, không đăng ký kết hôn, sinh đẻ tự nhiên đến bao giờ hết khả năng thì mới thôi, canh tác thì lạc hậu, sống chủ yếu dựa vào rừng và săn bắn hái lượm. Họ cần phải được bảo tồn và phát triển để theo kịp với các dân tộc khác trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

.

Nơi đây chưa thể áp dụng phương pháp dạy học hiện đại được! - ảnh Anh Tài

Lúc xuôi dòng sông đi ra tưởng rằng các công tử và tiểu thư đã thấm mệt, nhưng không, có lẽ là do động lực của các đoạn thác, ghềnh trên dòng sông với những khúc cua tay áo tạo nên “cảm giác cực mạnh” đã tăng cường thêm cho sức lực của lũ trẻ phố đỏ. Tôi ước mơ sao với sức nước của mấy chục con thác này tạo nên nguồn thuỷ điện phục vụ cho các bản làng nơi đây thì khoảng cách giữa miền núi và đồng bằng được rút lại gần hơn, khi đó thế giới sẽ trở nên "phẳng" hơn (tuy nhiên lúc đó sinh cảnh sẽ bị thay đổi, rừng không còn giữ được vẻ nguyên sinh của nó - và việc du thuyền trên sông Giăng chỉ còn lại trong các câu chuyện kể của người dân nơi đây!).

Đập thuỷ lợi Phà Lài, công trình dân sinh ở xã Môn Sơn - ảnh Quỳnh Anh

Ra đến đập Phà Lài, ngồi nhâm nhi với chén rượu nếp của cánh đồng Mường Quạ, mồi nhắm là cá mát sông Giăng, nghe những câu chuyện lịch sử: đó là việc thành lập chi bộ Đảng miền núi đầu tiên thuộc dân tộc ít người ở di tích Cây đa Cồn Chùa (rất tiếc là cây đa đã bị trận lũ lịch sử năm 2002 làm đổ chết), nghe chiến tích đánh thắng giặc Minh “trúc chẻ tro bay” ở miền Trà Lân, hay còn đó hang ông Trạng - nơi hơn 600 năm trước, trạng Bùng Phùng Khắc Khoan bị lưu đày... Đến những câu chuyện thời sự nóng hổi của bà chủ quán: Đập này khi xây sâu 15m (năm 2002) nhưng mới đây có đoàn khảo sát vào đo chỉ còn 8 m (như vậy là một năm bồi lắng đến 1 m!) suy rộng ra (theo thuyết tứ đoạn luận!) nếu không có chiến lược bảo tồn thì đến năm 2017 sẽ không còn lòng đập nữa!!!).

Bạn có suy nghĩ gì khi mà giá trị của rừng được tính vào giá nước sinh hoạt, tính vào giá điện thắp sáng làm ra từ thuỷ điện và được tính trong giá dịch vụ du lịch sinh thái từ rừng??? Tôi cho rằng đây là một quyết định sáng suốt của Chính phủ Việt Nam phù hợp với xu thế chung của Thế giới (*).
Cuộc vui nào cũng có hồi kết thúc, hội ngộ nào rồi cũng đến lúc chia tay, nhưng trước khi rời khỏi nơi đây, bọn chúng tôi muốn được tận tay rờ vào rốn cô tiên (khe nước mọc ở Yên Khê) với mong muốn da trắng đẹp như trứng bóc (theo lời của anh Dương). Không biết rồi ngày mai có ai còn cần đến kem dưỡng da “NIVEA” nữa không? nhưng một điều mọi người luyến tiếc mãi “giá trời không mưa và còn sớm hơn thì tha hồ ngâm mình trong dòng suối được mọc ra một cách kì bí giữa đại ngàn hùng vĩ này”. (Có lẽ rằng ngày hôm nay và nhiều năm sau nữa, đoàn chúng tôi có một người tiếc nuối vì không đủ dũng khí thăm suối nước diệu kì này).

Rừng ơi, hẹn ngày tái ngộ - ảnh Văn Tân

Tạm biệt Con Cu-ông, tạm biệt Pù Mát - trung tâm của khu dự trữ sinh quyển thế giới Tây Nghệ An, lũ chúng tôi ước mong rằng những khu rừng này, những con suối này mãi mãi trường tồn để chim muông ca hát đón chúng tôi mỗi khi trở lại nơi đây xả hơi cho vơi bớt nhọc nhằn sau những "vụ cày" trên bục giảng. Rừng có còn giữ được màu xanh hay không, điều này còn phụ thuộc rất nhiều vào ý thức cộng đồng, vào chính sách của quốc gia và hành động của mỗi chúng ta. Thấy những cánh rừng bị triệt hạ một cách oan nghiệt, càng thấm thía rằng “không có sinh vật nào tàn ác như con người”, chính con người đã ra tay sát hại cái nôi sinh ra mình. Sự hình thành của một khu rừng nguyên sinh phải trải qua 4 triệu năm, ấy vậy mà con người chặt hạ một cây rừng chỉ vẻn vẹn trong vòng 4 phút.
Giờ đây ngồi nghe lại câu hát “Rừng là mẹ hiền của con sông con suối” của Trần Vương - một nhạc sĩ núi rừng Con Cuông, chúng tôi càng thấm thía thêm lời dạy của Bác năm nào: “rừng là vàng nếu mình biết bảo vệ xây dựng thì rừng rất quý”
Hẹn gặp lại “Pù Mát mùa xuân”!

3 nhận xét:

  1. That tuyet voi.Doc xong bai viet cua ban toi muon khan goi len duong thang tien den Pumat. phai chang ban la nha van hay la ky su lam sinh.Co le la ca hai.Neu duoc toi muon ban dang mot so buc anh thuyen nguoc dong song Giang.Chuc ban co nhieu chuyen di ky thu hon.

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn bạn Hoang Thao. Tôi chỉ là một người thích sự vui vẻ, thích khám phá những vùng đất ít có dấu chân người, thích nghĩ và thích làm những việc mà mình cho là thích nhất thôi.
    Mấy hôm nữa tôi sẽ post lên một số ảnh khác nữa cũng trên bài này. Chúc vui. (Khi nào đi về miền Tây xứ Nghệ nhớ Thank tôi nhé)

    Trả lờiXóa
  3. Bạn muốn nói đến QĐ 380/CP? Tôi thấy QĐ này có tính khả thi chưa cao. đặc biệt là trong cách thu dịch vụ DL sinh thái và cách chi trả cho người BV-PT rừng. Tuy nhiên với tư cách cá nhân tôi hoàn toàn ủng hộ. Đã dùng là phải mất phí thôi. Các bạn có một chuyến đi vui thật đó. Lúc nào mời đi PHANXIPANG chơi nhé. Tôi tư vấn cho.

    Trả lờiXóa

Mong bạn góp ý thêm