Thứ Hai, 27 tháng 7, 2009

Chống biến đổi khí hậu tại Việt Nam: Cần biến đổi nhận thức trước tiên


Biến đổi khí hậu (BĐKH) không phải là nguy cơ xa vời đối với nước ta. Nó hiện hữu ở ngay những trận lũ bất thường, triều cường liên miên, rét hại... liên tục xảy ra trong cả nước. Nếu coi thường hoặc ít hiểu biết về "kẻ thù im lặng" này, chúng ta sẽ phải trả giá đắt.

Biến đổi khí hậu là nguy cơ dẫn tới những trận lũ bất thường, triều cường liên miên...


1 mét + 2 độ - 40.000km2 - 10%GDP

Năm 2007, Ngân hàng Thế giới đã đưa VN vào tốp 5 nước bị tác động lớn nhất trong số 84 nước đang phát triển có thể chịu ảnh hưởng bởi nạn nước biển dâng lên. Theo tính toán, chỉ cần nước biển dâng thêm 1 mét và tăng thêm 2 độ C, VN sẽ mất 40 nghìn kilômét vuông đồng bằng ven biển VN, trong đó có 90% đất đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - vựa lúa lớn nhất của VN, 22 triệu người VN mất nhà và tổn thất 10% GDP.

Báo cáo nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố tháng 4.2009 xếp VN ở vị trí thứ nhất trong danh sách 4 nước bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi BĐKH bao gồm Indonesia, Philippines, Thái Lan và VN.

Bà Ursula Schaefer-Preuss - Phó Chủ tịch Kiến thức quản lý và phát triển bền vững ADB - cảnh báo nếu không chống BĐKH ngay từ bây giờ, VN có thể mất 6,7% GDP, bao gồm thiệt hại về kinh tế, tổn thất sức khoẻ, đa dạng sinh học và hậu quả thiên tai vào năm 2100. Bên cạnh đó, VN dự kiến sẽ phải chứng kiến thời tiết khô hạn hơn trong 2 tới 3 thập niên nữa, làm hơn 12 triệu người bị tác động bởi tình trạng thiếu nước ngày càng gia tăng.

"Kẻ thù" lộ mặt

Trong khoảng 50 năm qua, mực nước biển tại VN đã dâng khoảng 20cm, khiến nhiều vùng ở ĐBSCL và sông Hồng chìm ngập trong nước mặn. Nhiều xã, huyện nằm cách bờ biển từ 5 đến 10km cũng đã và đang bị nước biển tấn công, đe doạ sinh kế của hàng chục triệu người.

Nước biển dâng cao còn phá huỷ nhiều cánh rừng đước được coi là bức tường giữ đất và là "mái nhà" của hàng ngàn sinh vật rừng và nương theo thuỷ triều, nơi đẻ trứng của rất nhiều loài cá, tôm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công nghiệp nuôi trồng và khai thác thuỷ hải sản. Theo dự báo của Văn phòng Quản lý điều tra tài nguyên biển và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), mực nước biển ở VN sẽ còn dâng cao từ 3 đến 15cm năm 2010 và từ 15 đến 90cm vào năm 2070.

Thời tiết tại VN trong những năm gần đây rất bất thường và khó dự báo. Điển hình, mưa bất thường gây ra trận lụt lịch sử ở Hà Nội vào cuối năm 2008 và triều cường thường xuyên tràn vào TPHCM. Trong khi đó, nhiều vùng lại rơi vào tình trạng ít mưa, khiến lượng dòng chảy trên các dòng sông đang cạn kiệt nhanh. Cuối thế kỷ 21, mực nước sông Hồng giảm 13-19%, sông Mekong giảm 16-24%.

Theo báo cáo thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của VN (2005 - 2007) được Bộ Kế hoạch - Đầu tư công bố đầu tháng 6.2009, VN ít có tiến bộ trong đảm bảo bền vững về môi trường.

Theo ông Nguyễn Tự Nhật - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân thuộc Bộ Kế hoạch Đầu tư, việc lơ là BĐKH phần nào khiến VN đối mặt tình trạng di dân cao, dẫn tới một số hệ luỵ xấu cho xã hội như mất trật tự xã hội, khó khăn trong giáo dục trẻ em và kiểm soát các dịch bệnh xã hội như HIV/AIDS, lao, các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Hành động từ nhận thức

Trước thực trạng trên, Chính phủ đã thông qua một chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH theo Quyết định số 158/2008/QĐ-TTg ngày 2.12.2008 của Thủ tướng. Chương trình với tổng kinh phí 1.965 tỉ đồng được thực hiện trên phạm vi toàn quốc theo 3 giai đoạn: 2009 - 2010; 2011 - 2015 và sau 2015 có các mục tiêu: đánh giá mức độ BĐKH ở VN; xác định các giải pháp ứng phó và tăng cường thực hiện.

Tuy nhiên, quyết tâm đối phó với "kẻ thù im lặng" của VN lại đang bị ngáng đường bởi chính trình độ về BĐKH của chúng ta. Theo ông Trần Thục - Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng, Thuỷ văn và Môi trường, sự yếu kém về nhận thức lẫn kiến thức về BĐKH đã khiến nhiều ngành, thậm chí cả những ngành nhạy cảm tới khí hậu không hiểu rõ về tác động của BĐKH tới các hoạt động kinh tế, xã hội, dẫn đến việc BĐKH "vắng mặt" trong công tác xây dựng các chính sách, quy hoạch...

Thêm vào đó, VN thiếu các công cụ và phương pháp luận để hướng dẫn và tư vấn cho các nhà ra chính sách. Ông Thục khẳng định, công tác nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp phải được ưu tiên hàng đầu.

Ông Santosh Khatri - Chuyên gia giáo dục của UNESCO - gợi ý công tác nâng cao nhận thức nên được thực hiện thông qua các hình thức giáo dục chính thống, phi chính thức và thưởng thức. Ông Katri cho rằng tăng cường năng lực giảng dạy kiến thức về BĐKH cho giáo viên, các nhà giáo dục và các cơ sở giáo dục sẽ là phương thức nâng cao nhận thức hiệu quả cho VN, có tỉ lệ người trẻ cao trong dân số.

(Nguồn: Lao Động)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mong bạn góp ý thêm