Thứ Hai, 22 tháng 11, 2010

Tâm sự nàng dâu ngày Nhà giáo


TTC - Mẹ kính yêu! Ắt hẳn mẹ rất ngạc nhiên, thậm chí còn hơi sốc khi nhận được bức thư này. Biết thế nên con đã chọn hôm nay, một ngày thời tiết mát dịu, không có bão gần bão xa hay áp thấp nhiệt đới gần bờ, mẹ vừa mới lãnh lương hưu và cô Út mới điện thoại báo tin đã mua được đất xây nhà.

Trong tâm trạng hân hoan đầy phấn chấn như vậy, con hi vọng mẹ sẽ dành chút ít thời gian quý báu đọc những dòng tâm sự xuất phát từ tận đáy lòng sâu thăm thẳm nhất của con.
Con biết con đã làm mẹ thất vọng nhiều. Ngày đầu tiên (con vẫn nhớ như in), lúc anh ấy (sau này là chồng con) đưa con về ra mắt, con nhận thấy mắt mẹ lấp lánh ánh mãn nguyện khi con lí nhí nhận con là giáo viên. Mẹ hồ hởi hi vọng rằng con dâu mẹ sẽ thong thả, nhàn nhã dành nhiều thời gian chăm sóc nhà cửa và phụng dưỡng mẹ khi tuổi già. Nhưng mẹ đã nhầm.
Mà không chỉ riêng mẹ mà cả con, cả những đồng nghiệp của con cũng đã nhầm khi ảo tưởng đi dạy là một nghề nhàn nhã, nhiều thời gian rảnh, lương tâm thanh thản và có hệ số phụ cấp cao.
Chắc mẹ bực dọc lắm khi con dâu mẹ đi sớm về muộn, đã vậy về đến nhà còn chúi mũi vô mớ công việc bới theo. Vì mẹ khác ngành nên mẹ không hiểu (mà nếu ngay cả mẹ có cùng ngành thì việc đi dạy bây giờ so với việc đi dạy ngày xưa khác xa rồi mẹ ạ!).
Khi lên lớp, ngoài việc đương nhiên là phải dạy đúng phân phối chương trình, bọn con phải dựa trên chuẩn kiến thức kỹ năng, căn cứ tình hình thực tế học sinh, hoàn cảnh hiện tại của địa phương sao cho vừa đảm bảo kiến thức vừa đạt chỉ tiêu mà nhà trường giao phó. Với từng ấy yêu cầu, bọn con đi dạy mà phải cẩn trọng như đi dò mìn, căng thẳng lắm mẹ ạ!
Bên cạnh việc đi dạy, chúng con còn phải tham gia vô số phong trào, hưởng ứng vô số đợt thi đua, phấn đấu vô số chỉ tiêu, vô số danh hiệu, phải lập cho được vô số thành tích để chào mừng vô số dịp. Con còn phải viết đủ loại kế hoạch, phương hướng vào đầu tháng, báo cáo tiến độ vào giữa tháng và thống kê số liệu vào cuối tháng.
Đó là chưa kể tới các kế hoạch học tập, kế hoạch đổi mới, kế hoạch giáo dục, kế hoạch phối kết hợp... năm nào cũng có và năm sau bao giờ cũng nhiều hơn năm trước dăm ba loại, chưa kể tới giáo án, sổ báo giảng là loại kế hoạch hàng ngày nữa.
Ngoài danh hiệu giáo viên dạy giỏi các cấp, giáo viên chủ nhiệm giỏi, chiến sĩ thi đua mà bất cứ giáo viên nào cũng phải cố đạt cho bằng được, các nữ giáo viên như bọn con còn thêm “Nữ giáo viên tài năng duyên dáng”, “Cô giáo mẫu mực”, “Phụ nữ tiến bộ”, “Phụ nữ giỏi việc nước đảm việc nhà”, “Phụ nữ thời đại mới”... Mẹ xem, phụ nữ chúng con đương nhiên không phải là siêu nhân, lấy đâu ra lắm năng lượng và tài năng đến thế.
Vậy nên, con phải lựa chọn hoặc là giỏi việc nước hoặc đảm việc nhà. Mẹ đừng trách con sao lúc nào cũng bần thần tính toán. Người ta đã nhầm to, mẹ ạ. Họ tưởng nhầm nhà sư phạm là sự kết hợp giữa sư và phạm. Nên họ trả cho bọn con đồng lương vừa đủ để ăn (chỉ xì dầu và đậu phụ) và sống (không con cái gia đình) như sư và mặc như phạm. Nhưng con cũng không lấy thế làm buồn, vì nghề con là nghề cao quý. Mà cao quý thì dĩ nhiên là không màng đến vật chất với lợi ích tầm thường đó.
Con chủ quan khi tự cho phép lương tâm mình thanh thản. Con không tham ô, tham nhũng, không quan liêu, cửa quyền, hống hách cũng không lợi dụng chức vụ quyền hạn. (Mẹ biết đấy, với vị trí công việc của con, con đâu có lấy một nửa cơ hội để phạm những tội đáng lên án đó). Ấy là con nghĩ thế.
Nhưng không phải ai cũng nghĩ thế. Nên, luôn luôn, bọn con được trau dồi về đạo đức tư tưởng, về nhân cách, về phẩm chất nhà giáo. Và luôn luôn bọn con phải báo cáo xem mình đã làm gì để chống tiêu cực, tự vấn xem những việc mình làm có việc nào lợi dụng chức vụ quyền hạn, mình đã thu hoạch được gì, đã học tập được gì từ phong trào này, đợt vận động nọ.
Nhân ngày đẹp trời, con trút vào trang giấy vài dòng tâm sự để mẹ con mình hiểu nhau thêm. Con sẽ luôn cố gắng phấn đấu để mẹ có thể tự hào về con.

Con dâu mẹ.
Ký tên
ĐỒNG THỊ BÓNG (Quảng Trị)

Thứ Sáu, 19 tháng 11, 2010

Sơn Thủy luận


TP - Huynh muốn hỏi đệ câu này, chuyện giành người đẹp đã qua mấy ngàn năm rồi sao đệ cứ mãi ôm hận, thù lâu nhớ dai thế?
- Huynh đã có lời, đệ cũng chả giấu huynh, đệ đâu có giận huynh mà chỉ giận người đứng ra tổ chức cuộc thi không sòng phẳng. Đệ muốn chứng tỏ cho hậu thế biết sự thiếu tường minh thì hệ luỵ của nó dai dẳng đến mức nào.
-Đâu là chỗ không tường minh?
-Huynh đoạt được công chúa rồi nên mê muội không nhận ra đó thôi. Đệ ở dưới nước thế mà bắt sắm lễ vật toàn ở trên cạn nào là voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao thì khác chi đã ngầm ý trao không người đẹp cho huynh.
-Giờ nghe đệ nói thì thấy có sự thiên lệch đó. Thôi chuyện đã cũ, người đẹp ngày xưa giờ đã da rạn mặt rêu, đệ lượng thứ cho những bất hoà xưa cũ ấy!
-Đệ cũng nghĩ lấy ôn hòa hóa giải thù hận nên đâu có chủ trương hô phong hoán vũ lụt to, lũ lớn làm chi. Chỉ tại huynh không còn trẻ khoẻ, oai phong, cường tráng như ngày xưa nữa nên mới thấy dễ tổn thương đó thôi!
-Thời gian nó có chừa ai? Với lại núi cao bởi có đất bằng, đất bây giờ thành sông thành hồ, đồng minh của đệ cả thì dẫu có muốn cao đâu có được nào? Tóc của huynh ngày trước ngát xanh bởi muôn triệu cây cao bóng cả thì giờ trọc lóc, đầu trơ trán bóng, thân thể bị đào khoét, nắn chỉnh rã rời từng ngày... Ôi, chàng Sơn Tinh, thuở oanh liệt nay còn đâu?
-Huynh đừng buồn nữa! Hay đệ và huynh đảo vị trí cho nhau?
-Đã đảo vị trí rồi đó thôi. Hồ nước thì treo mênh mông trên đỉnh núi. San lấp xây cao ốc sừng sững như đỉnh núi ở cửa sông... Sở trường giờ thành sở đoản. Hơ! Hơ...

Đối thoại giữa Sơn Tinh và Thuỷ Tinh
- Kẹo Cu Đơ ghi

Thứ Ba, 9 tháng 11, 2010

CHI TRẢ DỊCH VỤ MÔI TRƯỜNG RỪNG - bước ngoặt chính sách đối với nghề rừng.


Nguyễn Xuân Hường
Viện Kinh tế sinh thái

Các hệ sinh thái (rừng, biển, lưu vực sông, nguồn nước…) phát triển với đầy đủ chức năng sẽ cung cấp các dịch vụ thiết yếu như duy trì nguồn nước ổn định đất đai, kiểm soát đất đai phục vụ con người. Nghịch lý là việc duy trì bảo vệ các hệ sinh thái thưòng được thực hiện bởi một nhóm nhỏ, trong khi người hưởng lợi là số đông. Giữa hai bên hưởng lợi và duy trì lợi ích cần có sự bù đắp công bằng thông qua một cơ chế kinh tế. Cơ chế này cũng tạo ra một nguồn ngân sách cho việc đầu tư phục hồi và duy trì bền vững các giá trị hệ sinh thái. Đó chính là ý nghĩa ban đầu cho sự ra đời của cơ chế “Chi trả dịch vụ môi trường“ (PES-payments for environmental services). Trên thế giới PES đã được chú ý thực hiện từ những năm 90 của thế kỷ XX và đến nay đã được đề cập và thực thi ở nhiều nước, nhiều khu vực trên thế giới.
Tại Việt Nam hơn 10 năm qua, khái niệm PES và ứng dụng của nó đã và đang nhận được sự quan tâm đáng kể của các nhà ngiên cứu môi trường,các nhà khoa học và nhà hoạch định hính sách tại Việt Nam.
Đầu năm 2008,Chính phủ đã yêu cầu Bộ NN & PTNT (MARD) xây dựng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rưng (DVMTR) cho Ngành Lâm nghiệp. Để thực hiện chính sách này trên phạm vi toàn quốc, Chính phủ đã ban hành QĐ: 380/QĐ-TTg ngày 10/4/2008 về chính sách chi trả DVMTR tại 2 tỉnh Sơn La và Lâm Đồng năm 2008 và 2009.Các ngiên cứu thử ngiệm sẽ xác định các đối tượng hưởng lợi của hoạt động chi trả cho các dịch vụ này, đồng thời xác định số tiền trả cho DVMTR để đảm bảo có các dịch vụ này trong thời gian dài.
Quá trình hình thành PES tai Việt Nam.
Cụm từ dịch vụ môi trường của các hệ sinh thái nói chung, DVMTR nói riêng mới xuất hiện trong một số năm gần đây. Khi chúng ta có điều kiện tiếp cận thông tin từ các Tổ chức quốc tế về Lâm ngiệp.
Nền kinh tế nước ta sau khi chyển sang “kinh tế thị trường” thì kèm theo đó DVMTR mới được xem là một loại hàng hoá trao đổi trên thị trường. Người bán là người lao động trồng rừng, bảo vệ rừng tạo ra dịch vụ: nguồn nước, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái rừng… Và người mua là các Nhà máy Thuỷ điện, các Công ty kinh doanh du lịch sinh thái… được hưởng lợi từ các dịch vụ trên. Việt Nam bắt đầu khởi động chương trình thí điểm chính sách chi trả DVMTR lưu vực sông Đồng Nai… Chính phủ đã có ý kiến chỉ đao tại công văn số 3405/VPCP (6/2007) giao cho Bộ NN&PTNT chủ trì phối hợp với các Bộ, Ngành nghiên cứu các đề xuất của VPCP và có ý kiến cụ thể trình CP trong quý 4/2007. VPCP tham mưu cho Thủ tướng CP trình ra cơ quan lập pháp ban hành một đạo luật hoặc một sắc lệnh thu phí DVMTR…’’. Tại QĐ số 380/QĐ-TTg ngày 10/4/2008 về việc ban hành “Chính sách thí điểm chi trả DVMTR“. Và sau gần 2 năm thực hiện thí điểm ở 2 tỉnh Sơn La và Lâm Đồng, hôm 9/3/2010 Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng chủ trì Hội nghị sơ kết. Sau 2 năm triển khai 2 tỉnh đã tổ chức rà soát diện tích rừng được giao, cho thuê hoặc khoán bảo vệ cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn để làm cơ sở cho việc xác định đối tượng chi trả tiền DVMTR. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hứa Đức Nhị, cho đến nay các đối tượng phải chi trả tiền DVMTR (các Nhà máy thuỷ điện, Công ty cung cấp nước…) đã đồng thuận cao với chính sách thí điểm, thực hiện nghiêm túc và có trách nhiệm trong việc chi trả tiền dịch vụ. Đồng bào các dân tộc trong vùng thí điểm cũng đón nhận chính sách rất nhiệt tình. Nhờ vậy, tình hình phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép ở 2 tỉnh thí điểm (Sơn La và Lâm đồng) đã giảm đáng kể. Năm 2009 tỉnh Lâm Đồng chỉ còn 50% số vụ vi pham so với 2008. Tại Sơn La hiện tượng phá rừng làm nương rãy hầu như không còn… Đây là một chính sách có tính xã hội cao, góp phần XĐGN rất thiết thực. Cách quản lý này có ý nghĩa thực tiễn trong bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng một cách hợp lý nhất…
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng sau khi nghe báo cáo của tỉnh Sơn La về các đơn vị trên địa bàn tỉnh đã nộp về Quỹ bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh hơn 60 tỷ đồng, nhưng mới chi trả cho các chủ rừng gần 10 tỷ. Phó Thủ tướng chỉ đạo tỉnh không nên quá cầu toàn, cần vừa làm, vừa nghiên cứu, rà soát, để các chủ rừng được chi trả kịp thời. Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần nhân rộng mô hình thí điểm chi trả DVMTR.
Đại diện chương trình Bảo tồn đa dang sinh học vùng Châu Á (ARBCP-WinRock); Dự án Lâm nghiệp Việt-Đức (GTZ) cũng đánh giá rất cao chính sách của Việt Nam đang trở thành nơi để các nước trong khu vực học hỏi kinh ngiệm; mô hình này sẽ sớm được nhân rộng ra các nước trong khu vực, đặc biệt là Lào, Campuchia, Thái Lan. Tiếp đó Hội nghị quốc tế về chi trả dịch vụ hệ sinh thái Đông Nam Á tổ chức tại Hà Nội từ 23-24/6/2010 đã thu hút hơn 400 đại biểu đến từ 30 quốc gia bao gồm các nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học, các tổ chức tài chính lớn. Các đại biểu quốc tế và Việt Nam đã tập trung thảo luận các vấn đề như tiềm năng thị trường dịch vụ hệ sinh thái ở Châu Á, chi trả dich vụ hệ sinh thái rừng-lưu vực; chia sẻ lợi ích và cơ chế chi trả.
Như vậy chi trả DVMTR là bước ngoặt về chính sách đối với nghề Rừng.
Cũng cần nói thêm là chính sách chi trả DVMTR này nếu thực hiện tốt sẽ mở ra một trang mới để nghề rừng nước ta có bước phát triển mới; tổng giá trị sản phẩm nghề rừng sẽ đóng góp vào GDP đất nước không phải như hiện nay >2% mà tăng lên nhiều trong những năm tới (chỉ tính riêng thu phí dịch vụ nước cho các nhà máy thuỷ điện cũng đến hang nghìn tỷ trong một năm-trên cơ sở 20đ/KW/h). Nước Nhật từ những năm 94-97 người ta đã tính đủ giá trị của rừng như sau:
Với khoảng 25 triệu ha rừng trồng và rừng tự nhiên:
- giá trị bảo vệ nguồn nước 34tỷ USD
- giá trị bảo vệ đất: 64 tỷ USD
- Giá trị dịch vụ sức khỏe cộng đồng: 62 tỷ USD
- giá trị cung cấp Oxy: 147 tỷ USD
- giá trị lâm sản (gỗ): 5,6 tỷ USD
(Nguồn Lâm nghiệp Nhật bản 1994-1997- JOFCA)
Thử làm phép tính theo quy tắc tam suất:
Việt Nam chỉ tính 10 triệu ha rừng. Nếu tính theo thông số của Nhật thì ta có thể tạo ra hàng năm là 126,4 tỷ USD, trong khi đó GDP của ta hiện nay chỉ khoảng 50tỷ USD.


(Tạp chí Rừng&Môi trường số 27/2010)