Thứ Ba, 8 tháng 12, 2009

Vườn thị cổ – cần phải được “định giá” và có chiến lược bảo tồn



Vào một ngày ấm áp đầu đông, chúng tôi “bố trí” được cơ hội về thăm lại “vườn thị cổ” của ông Lê Minh Thưởng ở Nghi Thịnh, Nghi Lộc, Nghệ An. Vẫn với sự nhiệt tình đón khách của cụ Thưởng với những câu chuyện kể về xưa và nay làm cho độ hưng phấn của chúng tôi càng lên cao hơn.

Tuy đã ở tuổi "cổ lai hy" nhưng chủ nhân vẫn rất nhanh nhẹn và nhiệt tình hướng dẫn - ảnh Hoàng Hoa Quế


Chúng tôi được “mắt thấy tay sờ” các cây thị cao hàng chục mét, đường kính có cây đến gần 3m. Nhiều cây đã mục rỗng ruột bên trong nhưng bên ngoài vẫn còn biểu hiện sức sống khỏe khoắn của các đại thụ.


Cây thị (Diospyros decandra Lour) thuộc họ thị (ebenaccae) rất gần gũi với chúng ta, được trồng rải rác trong các vườn gia đình, nhất là ở đình chùa, miếu mạo để lấy quả. Theo kinh nghiệm dân gian, hầu hết các bộ phận của cây thị đều được dùng làm thuốc chữa bệnh rất tốt. Chắc không phải chỉ là tự nhiên mà tác giả vô danh của chuyện Tấm Cám cho cô Tấm từ trong quả thị chui ra. Người cô gái ấy chắc phải thơm lắm, vì quả thị có màu đẹp thế, da thịt căng thế, hương thị thơm thế. Nếu không thì sao cô Tấm không chui ra từ quả mít, quả na, quả sầu riêng, quả bứa thật chua, quả dừa toàn nước...?


Qua lời giới thiệu của chủ nhân vườn thị, chúng tôi biết được “tính nết” của từng cây cây: cây thì quả to như quả cam, cây thì quả nhỏ nhưng thịt thơm ngọt và không có hạt(?), 5 cây thị cổ nhất trong vườn này có tuổi khoảng 600 năm(?). Cụ kể rằng (theo cuốn gia phả họ Lê Văn) vào thế kỷ 16, Lê Văn Hoan, một người con của dòng họ này, theo nghĩa quân Tây Sơn và được phong tướng quân; khi hành quân ra Bắc đánh nhà Trịnh, ông đã cho đại quân dừng chân ở vùng đất thiêng này, cho cột đàn voi chiến dưới những gốc cây thị cổ thụ và sai người lập đền thờ bên cạnh cây lớn nhất. Rồi những năm chiến tranh chống Mỹ ác liệt, hàng chục, hàng trăm lượt đơn vị bộ đội đã trú quân dưới những gốc thị già trước khi hành quân vào Nam chiến đấu.


Điều thật ngạc nhiên là mặc dầu nơi đây là trọng điểm ném bom, bắn phá của máy bay Mỹ, vùng đất này đã gánh chịu hàng chục tấn bom đạn, không một tấc đất nào nơi đây không bị cày xới, nhà thờ họ Lê Văn (ở trong vườn) đã bị bom đạn làm cháy, nhưng 5 cây thị không hề bị trúng quả bom nào.
Năm tháng qua đi, những cây thị giờ đã già lắm rồi, nhưng nhựa sống vẫn tràn trề, hàng năm cây vẫn đâm chồi nảy lộc, đơm hoa kết trái. Tuy nhiên những áp lực đè nặng lên những cây thị cổ này là mối, mục phá hại và biết đâu một ngày nào đó nó bị... bán mất đi???

Vì vậy theo tôi 5 cây thị cổ này cần được xác định giá trị và có chiến lược bảo tồn. Về giá trị của nó thể hiện ở các mặt sau đây:

Thứ nhất là giá trị về sinh thái:
Với tán hình ô, xòe rộng hàng chục mét, các cây thị đã tạo nên độ khép tán gần kín toàn bộ khu vườn hàng ngàn m2 tạo nên bóng mát xanh trong lành, nếu được đầu tư để kinh doanh kiểu du lịch sinh thái thì chắc chắn nơi đây sẽ là điểm nhấn trong hệ thống du lịch sinh thái của Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung.

Giữ được cây cổ thụ như thế này ở trong vườn là một kỳ công của dòng họ Lê Văn -ảnh HHQ


Thứ hai là giá trị về tâm linh:
Đối với người Việt, cây cối là loại sinh thể đặc biệt, có đời sống trực giác tâm linh y như con người; có năng lượng phát ra và tương tác được với năng lượng của con người. Vì vậy, cây cối được người Việt sử dụng trong phép điều hòa môi trường sống (phong thủy) như là những nội dung chủ đạo (cùng đá, nước, núi, phương hướng..). Mặt khác, cây còn được coi là nơi trú ngụ của các vị thần linh hay ma quỷ. Dân gian người Việt có câu: "Cây thị có ma, cây đa có thần". Những cây cổ thụ thường được nhân dân thắp hương, lập miếu thờ cúng.


Tục thờ cây của nhân dân Việt Nam - ảnh Tăng Văn Tân


Thứ ba là giá trị về lịch sử:
Vườn thị này đã “chứng kiến” nhiều sự kiện lịch sử của nước nhà như: là nơi dừng chân của nghĩa quân Tây sơn trên đường tiến quân ra Bắc???. Trong cuộc kháng chiến chống Mĩ là nơi dừng quân của các đơn vị bộ đội trước khi vào Nam. Nơi đây còn là căn cứ chỉ huy chiến đấu của tỉnh đội Nghệ An (ông còn chỉ cho chúng tôi xem chỗ đào hầm chữ A dưới gốc cây, chỗ cây mục dùng để nhốt các chiến sĩ vi phạm kỉ luật)


Thứ tư là giá trị về nghiên cứu khoa học:
Trải qua 600 năm, các cây thị đã ghi lại dấu ấn của những biến động về thời tiết, bức tranh về thời tiết được “ghi” lại trong từng thớ gỗ. Các nhà khoa học có thể “giải mã” về sinh trưởng của cây qua các thời kỳ...

Thứ năm là giá trị về kinh tế:
Mỗi năm vườn thị này cho hàng tấn quả. Quả thị có vị ngọt, thơm nên được người dân mua về thưởng thức. Mùa quả chín rộ vào tháng 7 âm lịch hàng năm lại trùng với mùa du lịch nghỉ mát Cửa Lò, nhiều đoàn khách biết được đây là những cây thị cổ nên đã đặt mua hàng ngàn quả. Điều lạ kỳ mà chúng tôi nhận thấy là lúc này đã vào mùa đông mà vẫn có cây cho quả trĩu cành. Biết chúng tôi có ý định xin hái quả làm kỉ niệm, ông thoăn thoắt leo lên và hái cho chúng tôi hàng chục quả.
Theo lời ông, có “đại gia” đến trả 5 cây thị cổ này 2,5 tỉ VND nhưng ông vẫn từ chối. Ông nói, ông muốn giữ lại cho gia đình, cho quê hương một món quà vô giá mà thiên nhiên đã ban tặng và tổ tiên đã có công giữ gìn.

Vào mùa đông mà cây vẫn cho trĩu quả - ảnh Hoàng Hà


Chúng tôi ra về nhưng vẫn còn lưu luyến mãi, lưu luyến không chỉ vì sức sống diệu kì của các cây thị cổ mà còn vì sự nhiệt tình của chủ nhân. Hiện nay, chiến tranh đã đi qua, nhưng liệu các cây thị cổ này có còn lưu giữ được trong cơ chế kinh tế thị trường hay không? được biết hiện nay 2 trong 5 cây đã có bị mục rỗng, lại bị mối đất tấn công, mặt khác đã có người muốn mua đào đi nơi khác.

Đã đến lúc các các cơ quan chức năng cần phải xác minh cụ thể về niên đại, giá trị và có giải pháp bảo tồn vườn thị có một không hai này./.

11/2009

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mong bạn góp ý thêm