Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2009

Trái đất nóng lên dông bão càng nhiều và phức tạp


Mặt trời là lò phản ứng khổng lồ, tổng hợp hiđrô thành hêli với công suất 5,3 tỉ tỉ mêgaoat. Cứ mỗi giây đồng hồ, mặt trời truyền cho trái đất một năng lượng gần 5000 triệu kilôoat/giờ. Chính năng lượng này gây ra các hiện tượng mưa, gió, dông, bão… Hiện nay, cùng với hiện tượng trái đất ngày càng nóng lên, dông bão hình thành ngày càng nhiều, diễn biến phức tạp và vô cùng nguy hiểm.

Nước ta ở bờ Tây Thái Bình Dương, trong 71% diện tích được bao phủ, diện tích Thái Bình Dương chiếm một nửa. Quanh Thái Bình Dương có tới 360 núi lửa đang hoạt động, chiếm 85% số núi lửa trên thế giới và chiếm tới 80% số lần động đất, nguồn gốc của các đợt sóng thần khủng khiếp. Thái Bình Dương không những rộng mà còn rất sâu, chỗ sâu nhất là hồ Mariana sâu hơn 11km. Nhiệt độ trung bình của nước biển Thái Bình Dương là 19oC nhưng có tới 1/4 diện tích có nhiệt độ trên 25oC. Ở vùng vĩ độ 7o Bắc, nhiệt độ nước biển lên tới 280C chính là nơi bắt nguồn các cơn bão lớn. Nhiệt độ nước biển cao làm cho nước biển bay hơi mạnh tạo thành những đám mây có nhiều hơi nước, nên khi có giông bão cũng thường kéo theo các trận mưa lớn gây nên lụt lội.

* Các cơn dông thường xảy ra vào mùa hè nóng bức. Những nơi mùa hè càng dài càng có nhiều cơn dông. Nơi có nhiều cơn dông nhất là thành phố nhỏ Maowa - Indonesia có vĩ độ 6o36’, một năm có 322 ngày có dông và hàng ngàn lần sét đánh. Bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) trung bình một năm có 130 ngày có dông. Sét đánh làm hỏng ống khói, đường dây điện, cháy rừng chết người... Cơn dông có khi kèm theo mưa đá, vòi rồng rất nguy hại. Các nhà khoa học Mỹ đã nghiên cứu thiết bị “tên lửa phá dông”. Trước khi có cơn dông, người ta phóng tên lửa này lên không trung, nó sẽ liên tục kích thích sự phóng điện nhỏ để không gây ra những lần phóng điện lớn (sét đánh).

* Các cơn bão là hiện tượng không ngăn chặn được. Bão xảy ra do mặt biển nhiệt đới có nhiệt độ cao, độ ẩm lớn. Không khí nóng bốc lên cao, ngưng tụ thành mưa, giải phóng nhiều nhiệt. Không khí mặt biển lại tiếp tục nóng lên, mặt biển lại bốc hơi nước lên cao, không khí nóng, ẩm càng tăng nhanh, cứ tuần hoàn như vậy sẽ hình thành những vùng áp thấp. Không khí lạnh xung quanh đổ dồn vào trung tâm áp thấp tạo nên một dòng xoáy lớn. Người ta gọi đây là cơn lốc nhiệt đới (áp thấp nhiệt đới), thông thường không phát triển thành bão, chỉ khi nào cơn lốc nhiệt đới được bổ sung liên tục không khí nóng ẩm và phía trên cơn lốc nhiệt đới hình thành một vùng tản nhiệt mạnh mẽ, khiến cho không khí nóng ẩm ở vùng thấp bốc lên luôn luôn tản ra xung quanh, khi ấy sẽ có thể phát triển thành bão.

Bão là một dòng xoáy không khí rất lớn, có đường kính từ mấy trăm đến hàng ngàn kilômét, độ cao khoảng trên 9km, cá biệt có thể vươn cao tới 27km. Trung tâm bão có một vùng rỗng, đường kính khoảng 10km, gọi là mắt bão. Ở đó không khí tĩnh lặng, trời trong. Xung quanh mắt bão là những bức tường mây dày đặc, là vùng mưa gió khủng khiếp. Bão di chuyển giống như con quay vừa xoay, vừa tiến lên. Đường đi của bão thường hay đổi hướng, tốc độ gió rất lớn khoảng 40-60m/s, cá biệt lên tới 110m/s. Lượng mưa của mỗi trận bão vào khoảng 200-300mm, có khi lên tới 1000mm, do đó bão thường kèm theo lũ lụt.

Các thông tin về bão cho biết kinh độ, vĩ độ của tâm bão và tốc độ di chuyển của bão, vậy làm thế nào để biết bão ở cách xa bao nhiêu và sau bao lâu bão sẽ đến? Giả sử kí hiệu kinh độ và vĩ độ của tâm bão là λb và φb, tọa độ nơi ta ở là λ và φ. Mặt đất có dạng mặt cầu, để tính khoảng cách chính xác khoảng cách trên mặt cầu phải dùng lượng giác cầu (nhưng nước ta ở gần xích đạo, dùng hình học phẳng có phạm sai số nhưng không lớn). Mỗi độ theo kinh độ hay vĩ độ có độ dài bằng chu vi trái đất chia cho 360o, gần bằng 111km. Vậy khoảng cách từ tâm bão đến nơi ta ở là đường chéo của hình chữ nhật có hai cạnh là 111 ׀ λb - λ ׀ km và 111 ׀ φb - φ ׀ km. Các giá trị λb, λ, φb, φ tính bằng đơn vị là độ (theo số thập phân). Khi biết được khoảng cách, biết tốc độ sẽ tính được thời gian bão đến.

* Dông và bão đều hình thành ở mặt biển có nhiệt độ cao (miền nhiệt đới). Trái đất nóng lên do công nghiệp và giao thông phát triển, thải vào khí quyển một lượng khí khổng lồ, chủ yếu là khí CO2 làm cản trở sự bức xạ hồng ngoại của trái đất vào không gian vũ trụ, nên nhiệt độ trái đất tăng làm băng tuyết tan, mực nước biển dâng cao, gây mất cân bằng sinh thái..., dẫn đến dông bão hình thành nhiều và diễn biến phức tạp hơn, khoảng thời gian có dông bão cũng kéo dài thêm.

Để ngăn cản sự biến đổi khí hậu, việc đầu tiên con người có thể làm là trồng cây và bảo vệ rừng. Cây cối hấp thụ khí CO2 sẽ giảm thiểu hiệu ứng nhà kính. Đồng thời phải hạn chế sử dụng năng lượng hóa thạch như than đá, dầu mỏ bằng cách tăng cường dùng các năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng thủy triều, thủy điện, các năng lượng tái tạo như khí biogas, etanol...

Theo dự báo, nước ta là một trong 5 nước bị tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu. Đề phòng và hạn chế tác hại của dông bão là việc cấp bách và quan trọng nhưng cũng chỉ là biện pháp tình thế, còn việc ngăn cản và hạn chế sự biến đổi khí hậu toàn cầu mới là nhiệm vụ sống còn của mọi quốc gia./.

(PGS. Nguyễn Đình Noãn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mong bạn góp ý thêm