Thứ Hai, 24 tháng 8, 2009

Về bài thơ "Lời cầu nguyện của rừng"




Trong ngành lâm nghiệp hầu như ai cũng biết hoặc nghe nói đến bài thơ "Lời cầu nguyện của rừng" của tác giả B.B, nhưng chưa được biết xuất xứ và chưa có được trọn vẹn bài thơ này.

B.B tức kỹ sư Bùi Bá, sinh năm 1918 và mất vào năm 1991, tốt nghiệp Trường Cao đẳng nông lâm Brévié Hà Nội năm 1940. Ông đã giữ chức vụ Vụ trưởng Vụ lâm nghiệp thuộc Bộ lâm nghiệp và sau đó là chuyên viên cao cấp tại Bộ.

Được biết giáo sư Lê Văn Ký, hiện giảng dạy tại trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh (Thủ Đức) biết rõ xuất xứ về bài thơ Lời cầu nguyện của rừng, và được phép của giáo sư, chúng tôi xin đăng tải về nguồn gốc bài thơ mà giáo sư đã sưu tập được (*).

Trường Quốc gia Nông - Lâm - Mục khai giảng vào tháng 12 năm 1955 gồm có ba ngành Nông - Lâm - Súc. Năm 1957, anh Nguyễn Hữu Đính, kỹ sư thủy lâm lão thành ở Huế, có gửi tặng trường bảng Danh từ lâm học Pháp Việt cùng với bài thơ Lời cầu nguyện của rừng của anh Bùi Bá; hai tài liệu này anh Đính đã mang từ Bắc về khi đi dự một hội nghị về lâm nghiệp ở miền Bắc. Sau đây là nguyên văn bài thơ:

Người hỡi!
Người có biết, những đêm đông giá lạnh, ta bốc hơi ấm lửa hun nồng;
Người có biết, những ngày nắng gắt, ta cho tàn mát rượi ánh thiêu nung;
Người có biết, dười sườn nhà đồ sộ, ta cho người dầu dãi nắng mưa chan;
Người có biết, trên nếp giường êm ấm, người nương ta an giấc điệp mơ màng;
Người có biết, kìa con thuyền vượt sóng, ta đưa người du ngoạn khắp năm châu;
Người có biết, nọ chuôi cày xới đất, ta vun cây cho nảy nở hoa màu.
Chính ta đã rước người vào cuộc thế, trong chiếc nôi âu yếm mẹ đưa ru.
Rồi ta sẽ tiễn người khi vĩnh biệt, làm áo quan ấm áp giấc nghìn thu.
Người hỡi người, nghe lời ta cầu nguyện: Chớ hại ta mà vũ trụ âu sầu...

Để ta sống, ta điều hòa mưa nắng, hoa xinh tươi cây cối nẩy thêm tươi.
Để ta sống, ta ngăn luồng vũ bão; chận cát bay làn gió bốc tung trời.
Để ta sống, ta đùn mây quyện gió, gieo mưa tuôn đầm ấm cõi trần gian.
Để ta sống, ta cản dòng nước lũ, cứu nhân dân cơn thủy nộ lầm than.
Ta là Mẹ của muôn nền hưng thịnh, làng hưng phong xây dựng nước hưng phong.
Ta tô điểm non sông nên gấm vóc, cây xanh cao lá biếc lớp trùng trùng
(Ta bảo vệ chiến khu và chiến sĩ, chống xâm lăng ta kháng chiến oai hùng)
Người hỡi!
Hồn Tổ quốc ngự giữa rừng sâu thẳm,
Rừng điêu tàn là Tổ quốc suy vong!
B.B

Vì lý do an ninh nên tác giả phải viết tắt là B.B và câu cuối (Ta bảo vệ chiến khu và chiến sĩ...) lúc ấy là một hàng chấm chấm. Mãi đến năm 1982, trong dịp anh Bùi Bá đến dự Hội thảo trên Trường Đại học nông nghiệp 4 ở Thủ Đức, tôi trình bày việc bài thơ Lời cầu nguyện của rừng đã được phổ biến rộng rãi ở miền Nam từ năm 1957, thì anh mới thêm câu ấy vào cho bài thơ nguyên thủy.

Đọc kỹ bài thơ Lời cầu nguyện của rừng, thấy rằng phần trên (10 câu đầu) là phỏng dịch từ bài La Prière de la Forêt:
Còn hai câu thơ cuối là dịch từ hai câu thơ của André Theuriet:

Các ngành lâm học Pháp đều biết bài Prière de la Forêt. Chúng tôi, kỹ sư thủy lâm Việt Nam cũng có nghe nói đến bài thơ ấy. Cụ thể là một ông giám đốc thủy lâm người Pháp lúc đó có gắn bằng chữ gỗ bài Prèire de la Forêt ở cửa vào Nha thủy lâm miền Nam ở đường Richaud (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu) và Sở thủy lâm Đà Lạt có dựng một tấm bảng to sơn bài thơ này ở Cam Ly trên đường vào Trung tâm thực nghiệm lâm học Manline, cạnh phần mộ của ông Nguyễn Hữu Hào.

Năm 1960, trong chuyến đi tham quan Trung tâm nghiên cứu và giáo dục lâm nghiệp Dehra Dun (Ấn Độ) (Forest Research Institute and College), tôi thấy trên tường nhà ăn sinh viên có ghi bài thơ tiếng Anh Prayer of the Forest, xem lại là dịch nguyên văn bài thơ Prière de la Forêt.

Năm 1962, trong chuyến tham quan các Trung tâm nghiên cứu và Trường đại học lâm nghiệp ở Liên bang Đức, tại Trường Đại học Freiburg, tình cờ tôi gặp trên một tờ báo Lâm nghiệp cũ một bài thơ tựa đề Das Gebet des Waldes (Lời cầu xin của rừng). Tôi mang bài thơ nhờ giáo sư Prodan dịch dùm ra tiếng Pháp thì thấy đúng bài Das Gebet des Waldes là bài Prière de la Forêt.
Sau đây là nguyên văn bài Das Gebet des Waldes.

Bà quản thủ thư viện Trường Đại học lâm nghiệp Freiburg theo lời yêu cầu của tôi đã truy tầm và cho biết Hannes Tuch là một cán sự lâm nghiệp, sinh ngày 2.11.1906, sống ở Kreis Warburg, Westphalie, Tây Đức. Ông còn là một nhà sưu tầm đồ cổ và sản xuất các loại mặt nạ v.v...

Tôi theo địa chỉ biên thơ cho ông Hannes Tuch, cho ông biết bài thơ của ông đã được dịch ra tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Việt để phổ biến nhiều nơi trên thế giới. Ông ta trả lời rất vui mừng đồng thời lưu ý một điều là bài thơ ông làm theo lối cổ "Stabreim" của xứ Saxon: ba hay bốn từ trong một câu bắt đầu bằng một chữ cái:

Như vậy đã rõ là để viết bài thơ tuyệt tác Lời cầu nguyện của rừng, anh Bùi Bá đã lấy ý từ bài Prière de la Forêt của Pháp; còn bài Prière de la Forêt không có âm vần, không có tên tác giả, là dịch gần như nguyên văn từ bài Das Gebet des Waldes của Hannes Tuch, một nhà lâm nghiệp, thi sĩ của Đức...

Người ghi: HUỲNH MINH BẢO
GS. LÊ VĂN KÝ
====================



LỜI CẦU NGUYỆN CỦA RỪNG
(Vương Tam Mộc* và Tiến Trực)

"Mấy lời nhắn nhủ với người
Rừng sưởi ấm bạn khi trời giá băng,
Nắng hè như nấu như nung
Rừng dâng gió mát, bóng tùng thiếu chi
Gỗ rừng, bạn cất nhà đi
Đóng giường, đóng tủ thiếu gì mà lo
Đóng tàu đủ cở nhỏ to
Cán sẻng, cán cuốc làm cho vừa tầm
Cổng cửa, rào dậu quanh sân
Bàn giấy, bàn viết, di van bạn ngồi
Tuổi già bạn lánh cỏi đời
Rừng tặng cấp sũ thảnh thơi ngả mình
Nghe rừng khẩn khoản thanh minh
Xin đừng phá hoại rừng xanh ích gì ?
Bổ sung là lệ thường khi
Khai thác là phải bù trì ngay cho
Rừng dầy xanh tốt cây to
Hưng vượng Tổ quốc, cần lo hỡi người.

(*Tên hiệu của GS Vương Đình Xâm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mong bạn góp ý thêm