Thứ Tư, 19 tháng 2, 2014

Có những cái tát làm học sinh nên người


Hai ngày qua, một video clip quay cảnh một thầy giáo trẻ tát học sinh và bị học sinh đánh lại khiến dư luận lại 'dậy sóng' về vấn đề đạo đức nhà giáo lẫn học sinh trong môi trường sư phạm hiện nay. Bản thân tôi là một giảng viên ở trường đại học sư phạm, tôi rất đau lòng khi nhìn thấy những hình ảnh phản sư phạm đó.

Đau lòng khi hình ảnh người thầy trở nên xấu xí trong mắt của mọi người và đặc biệt là các em học sinh. Đau lòng vì sản phẩm của mình đào tạo ra (chính là người thầy giáo trẻ kia) lại là 'sản phẩm lỗi'. Tôi tự thấy mình có trách nhiệm trong 'sản phẩm' đó nên không góp thêm tiếng nói lên án với cậu giáo viên trên dù biết không có lý lẽ gì có thể bào chữa cho hành vi của cậu ấy.
Tựa đề bài viết này dễ làm nhiều người hiểu lầm rằng, tôi đồng tình và cổ vũ cho việc sử dụng 'bạo lực' với học sinh. Tôi khẳng định rõ quan điểm của mình: tôi cực lực phản đối việc trừng phạt học sinh bằng việc sử dụng vũ lực lẫn lời nói xúc phạm nhân cách của các em. Tôi cũng cho rằng, trong nhà trường sư phạm, chúng tôi cũng không bao giờ dạy sinh viên sư phạm - những người sẽ trở thành thầy cô giáo trong tương lai cách hành xử như trong đoạn clip kia với học trò của mình.
Đoạn clip trên làm tôi nhớ đến một câu chuyện của một anh bạn cùng khóa của tôi, khi vừa ra trường cách đây hơn 8 năm. Một hôm, đầu giờ học, anh kêu một em học sinh lên kiểm tra bài cũ, em này không thuộc bài, cũng không giải thích lý do. Anh nhắc nhở em ấy lần sau phải học hành đàng hoàng hơn và cho 0 điểm vào sổ. Khi quay về chỗ, em học sinh ném mạnh quyển vở xuống bàn, lầm bầm phàn nàn. Anh quay xuống lớp, hỏi to:
- Em vừa nói gì? Em hãy nhắc lại cho tôi nghe xem.
Em học sinh ngồi xuống ghế, im lặng nhưng gương mặt đầy thách thức. Anh giận lắm, bước xuống nói:
- Nếu em không thích giờ học của tôi, tôi mời em đứng lên, bước ra khỏi lớp.
Em học sinh đứng phắt dậy, hất cằm, nhìn thẳng anh và nói:
- Đây không thích ra đó, bộ tưởng làm thầy là ngon hả?
Không kìm chế được, anh giáng một bạt tai vào mặt em và quát lớn: Đi ra!
Cả lớp im phăng phắc, gần như bất động nhìn anh lẫn bạn học sinh kia. Anh bạn của tôi ngay lập tức ý thức được hành động bột phát khá nghiêm trọng của mình nhưng tự thấy không thể để học sinh tiếp tục có lời nói vô lễ nên cương quyết:
- Em xuống phòng giám thị đợi tôi.
Em học sinh đó hùng hổ bước ra. Quay lại cả lớp, không giấu nổi nỗi buồn lẫn sự giận dữ, anh gần như sắp khóc, anh xin lỗi cả lớp về hành động không hay của mình và hứa sẽ không bao giờ lặp lại hành động tương tự, cũng nhắc nhở học sinh về thái độ đối với thầy cô, tránh những tình huống như vừa xảy ra.
Hết giờ dạy, anh bước xuống phòng giám thị, qua cửa sổ, nhìn thấy cậu học trò cúi mặt, một bên má đỏ ửng vì cái tát của mình, anh thấy ân hận và xót xa học trò vô hạn. Anh rót ly nước, đặt trước mặt học trò, ngồi xuống, nhẹ nhàng hỏi:
- Lúc nãy thầy đánh em có đau không?
Cậu học sinh dường như chỉ chờ câu hỏi đó của thầy, nước mắt tuôn trào, trả lời:
- Đau chứ sao không đau hả thầy, thầy nhìn mặt em thì biết.
Anh xin lỗi học trò, rồi sau đó giải thích lý lo. Anh cũng nhẹ nhàng hỏi lại cậu học sinh tại sao lại phản ứng vô lễ với thầy. Câu chuyện buồn về gia đình em đã được em chia sẻ cùng anh. 8 năm trôi qua, em học sinh đó giờ đã học xong đại học, vẫn một mực kính trọng và duy trì quan hệ thầy trò tốt đẹp với anh. Cái tát của anh năm xưa như một sự 'thức tỉnh' với cậu sau những ngày tháng cậu tỏ thái độ bất cần, thách thức với người lớn vì cho rằng họ là những người ích kỷ, hẹp hòi, không biết quan tâm đến cảm xúc của cậu.
Câu chuyện trên được anh chia sẻ chi tiết khi anh đến báo cáo kinh nghiệm giáo dục cho các sinh viên sư phạm của tôi. Kể lại ở đây, tôi không có ý định lấy cách ứng xử của anh làm 'hình mẫu' dù cái tát của anh đã giúp em học sinh 'nên người'. Bản thân anh bạn giáo viên của tôi khi chia sẻ cũng nhắn gửi đó là một sai lầm nghề nghiệp và khuyên các sinh viên sư phạm không nên phạm phải. Tôi chỉ muốn nhìn nhận lại: trong thực tế, không phải mọi cái tát đều như nhau. Nói rộng hơn, không phải những hình phạt nghiêm khắc của thầy cô đều đáng bị lên án! Có những cái tát hoặc hình phạt nghiêm khắc rất đúng lúc, thể hiện tình thương, trách nhiệm và mong muốn học sinh tiến bộ của giáo viên và chúng khiến học sinh thức tỉnh, chấm dứt chuỗi hành vi lệch chuẩn của mình.
Trong lý luận giáo dục, trách phạt là một phương pháp cần thiết và có giá trị nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào, trách phạt của nhà giáo dục phải thể hiện mong muốn người được giáo dục phát triển tốt đẹp hơn mà không phải để thoả mãn cơn giận của mình. Dưới góc độ giáo dục hiện đại, việc trách phạt bằng vũ lực phải tuyệt đối né tránh. Do đó, kể cả mục đích của nhà giáo dục có tốt đẹp đến mấy thì cũng không nên dùng cách thức này bởi vì chúng ta có hàng loạt các phương pháp khác cũng đầy sức mạnh giáo dục mà không tổn hại đến thân thể hay nhân phẩm của học sinh.
Makarenco là nhà giáo dục nổi tiếng người Ukraina. Trong suốt 34 năm hiến thân cho giáo dục ông đã thành công trong việc giáo dục hơn 3.000 thiếu niên chưa ngoan, phạm tội trộm cắp, cướp giật, đánh người... Ông khẳng định, trong giáo dục mà loại bỏ trách phạt là thể hiện chủ nghĩa nhân đạo giả dối. Nhân đạo không phải là sẵn sàng bỏ qua những cái sai, cái xấu xa của học sinh mà phải đấu tranh để loại bỏ nó đến cùng với niềm tin học sinh nhất định sẽ tiến bộ.  
Makarenko là người khởi xướng phương pháp giáo dục có tên 'Bùng nổ sư phạm', được giới thiệu rộng rãi trong lý luận giáo dục dành cho sinh viên sư phạm. Đó là cách thức nhà giáo dục dùng những tác động mạnh đặc biệt, bất thần tới đối tượng giáo dục, nhằm tạo ra ở họ những chuyển biến về mặt tâm lý, suy nghĩ, phá vỡ những suy nghĩ, thói quen, hành vi xấu, tạo ra những suy nghĩ, những tình cảm, những hành vi mới theo yêu cầu giáo dục.
Trong câu chuyện của tôi kể phía trên, cái tát của anh bạn tôi không phải là tác động 'bùng nổ sư phạm' (vì thế, đừng ai dùng cách này để rồi ngụy biện là dùng phương pháp 'bùng nổ sư phạm' của Makarenko) mà chính câu nói: "Thầy đánh em có đau lắm không?" hay "Thầy xin lỗi em, lúc nãy thầy giận quá!" mới chính là 'bùng nổ' vì cậu học trò có lẽ đang chờ đợi sự la mắng và những hình phạt nặng nề khác từ thầy cho hành vi vô lễ của mình thì lại nhận được sự quan tâm, xin lỗi của thầy. Hành động này ngoài dự đoán của cậu khiến cậu xúc động mạnh và thái độ thách thức cũng biến mất. Sau đó, những biện pháp uốn nắn khác tiếp tục được áp dụng mới khiến cậu học sinh kia thành học sinh ngoan được. "Bùng nổ sư phạm' không đơn giản là một hành động mà phải là một chuỗi hành động giáo dục có chủ đích của giáo viên thì mới mang lại hiệu quả.
Còn rất nhiều lưu ý khác khi giáo viên trách phạt học sinh nhưng tôi không thể trao đổi hết ở đây. Điều lưu ý cuối cùng với các giáo viên là: Không bao giờ đưa ra biện pháp trách phạt học sinh trong trạng thái tức giận! Ông bà xưa nói:"Giận quá mất khôn", còn lý luận giáo dục thì khuyên khi tình huống học sinh có hành vi chưa ngoan, sau khi dừng hành vi đó, giáo viên nên cho mình lẫn học sinh thời gian. Thời gian giúp giáo viên bình tĩnh, tìm hiểu thông tin liên quan và đưa ra biện pháp tốt nhất. Thời gian giúp học sinh qua cơn kích động, suy nghĩ lại hành vi của mình. Thêm nữa, bản thân sự chờ đợi bị trừng phạt (từ phía học sinh) cũng đã là một sự trừng phạt (cho các em).
Có một quan điểm giáo dục nổi tiếng rằng: Không có trẻ em hư, chỉ có những nhà giáo dục tồi. Câu nói này có phần cực đoan vì sự hình thành nhân cách của học sinh không chỉ có yếu tố giáo dục nhưng nó thể hiện niềm tin mãnh liệt vào con người của các nhà giáo dục. Thiết nghĩ là một nhà giáo dục, phải chăng niềm tin vào bản chất tốt đẹp của con người là điều quan trọng nhất? Nếu không có niềm tin ấy, khi đối diện với học sinh chưa ngoan, làm sao người thầy có đủ sự kiên nhẫn để giáo dục các em?
Nguyễn Thị Thu Huyền


Thứ Tư, 12 tháng 2, 2014