Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013

Cô bé "xì-tyn" quàng khăn đỏ


Ngày xửa ngày xưa, vào năm 200..., ở một chỗ nào đấy có một cô bé có nick là Cô bé quàng khăn đỏ. Hàng ngày cô được mẹ uỷ nhiệm cho việc vào rừng hái nấm.

Một hôm trở giời, cô bé lại vác giỏ đi vào rừng. Tới bìa rừng, cô thấy thấp thoáng trong bụi cỏ hai cái tai trông như tai sói, vì đã đọc truyện cổ tích nên cô cảnh giác la lên:

- A, con sói kia. Tao nhìn thấy mày rồi nhá, đừng hòng ăn thịt tao.

Con sói lầm bầm bỏ đi. Tung tăng vừa đi vừa hái hoa ca hát, chẳng mấy chốc cô bé đã đi đến con suối giữa rừng. Nhưng kìa, lại có cái gì lấp ló sau tảng đá. Cô bé quàng khăn đỏ lại gào toáng lên:

- A, con sói kia. Tao nhìn thấy mày rồi nhá, đừng hòng ăn thịt tao.

Con sói hậm hực lắm nhưng vẫn phải bỏ đi. Rồi cô bé lại tiếp tục hành trình đi về vùng có nấm. Cảnh vật xung quanh chẳng có gì đặc biệt cho đến khi tới bên bờ suối trong rừng sâu. Lần này thì trong bụi nấm hương nõn nà, cô bé lại thấy cái lưng con sói đang lúi húi, nhấp nhổm. Cô bé theo thói quen lại gào tướng:

- A, con sói kia ...

Chưa dứt lời thì con sói nhảy bổ ra:

- Con cái nhà ai mà hư thế không biết. Việc gì đến mày mà mày cứ la toáng lên? Có để yên cho tao đi tè cái không thì bảo!

Thứ Hai, 14 tháng 10, 2013

Kiều hùng - loài cây cảnh đầy vẻ quyến rủ







Với cái tên Hán Việt "kiều hùng" cũng đủ gây sự tò mò cho bất kỳ ai quan tâm đến cây cỏ, hoa lá. Tên gọi này nhằm nói lên đặc điểm hình thái một bộ phận của hoa, mà chính nó đã tạo nên sự hấp dẫn không chỉ đối với những người yêu thiên nhiên, cây cảnh, mà cả đối với ong bướm và một số loài côn trùng khác nữa. Trong một khoảnh khắc nào đó, người ngắm hoa lại bắt gặp những chú ong nhỏ lượn lờ tìm góc hạ cánh để hút mật hoa hay một vài chú bướm vàng nho nhỏ đang say sưa với bầu mật ngọt, vỗ nhẹ đôi cánh mềm bên chòm nhị đỏ. Chữ "kiều" mang nhiều nghĩa khác nhau, trong đó có 4 nghĩa có thể dùng cho trường hợp này là: (1) những lông dài ở đuôi chim, (2) mềm mại đáng yêu, (3) duỗi dài ra, (4) vút cao; chữ "hùng" có nghĩa là nhị (nhị đực). Hoa của loài cây này mang rất nhiều nhị màu hồng hay đỏ vươn dài, vút cao tua tủa, mảnh mai, mềm mại, gặp gió thoảng nhẹ sẽ lung linh rất huyền ảo.



Thật ra, có hai loài tương cận: loài cao cây, có kiểu lá kép lông chim 2 lần, mỗi cuống thứ cấp mang 7-10 cặp lá chét nhỏ như lá me, nhị hoa màu hồng, nhạt dần về phía gốc, được gọi là kiều hùng đầu đỏ, chu anh hoa, hồng nhung cầu, tên khoa học là Calliandra haematocephala, tên tiếng Anh là Pink Powder Puff, Rose Cascade; loài thấp cây, có kiểu lá kép lông chim 2 lần, mỗi cuống thứ cấp mang 3-4 lá chét có chót khuyết lõm dạng như lá móng bò, lớn và dày hơn, sáng màu hơn, nhị hoa đỏ thắm, được gọi là kiều hùng chót lõm, ao hiệp hồng hợp hoan, hồng phấn phốc hoa, tên khoa học là Calliandra emarginata, tên tiếng Anh là Red Powder Puff, Blood Red Tassel Flower, Blood red Tassel Flower, Dwarf Powder Puff. Cả hai loài đều thuộc họ Trinh nữ - Mimosaceae (cũng có hệ thống phân loại xếp vào phân họ Trinh nữ - Mimosoideae, họ Đậu - Fabaceae).



Đây là hai loài cây cảnh có dáng dấp và hoa đẹp, rất được nhiều người ưa chuộng. Vốn xuất thân từ châu Mỹ (loài kiều hùng đầu đỏ có nguồn gốc ở Brasil, loài kiều hùng chót lõm có nguồn gốc ở Mexico), nhưng chúng được trồng khắp nơi trên thế giới, nhất là những vùng nhiệt đới, do chúng rất thích hợp với khí hậu nóng ẩm, trên nền đất màu mỡ, ẩm ướt nhưng thoát nước tốt và chỗ đủ ánh sáng. Cây dễ phát triển nhờ tái sinh bằng hạt. Hạt dễ nảy mầm và tỉ lệ nảy mầm cao. Do chiều cao cây không lớn, loài kiều hùng đầu đỏ thường chỉ cao 1-3 m, loài kiều hùng chót lõm thấp hơn (còn được gọi là kiều hùng lùn), hoa của chúng trổ trong tầm mắt người quan sát, nên chúng rất thích hợp cho việc trồng ở các vườn cảnh. Nhiều gia đình chọn chúng để tôn tạo cho một góc sân vườn hay hành lang hiên nhà. Một trong hai loài hoặc đôi khi cả hai, cũng thường được đưa trồng ở các sân vườn trường học, khuôn viên công sở, các điểm văn hóa, đình chùa... Với những nhị hoa hồng sắc sặc sỡ, kiểu dáng lạ mắt, nổi bật giữa vòm lá xanh tươi, bóng mượt, một vài cây kiều hùng tọa lạc một góc nào đó rất dễ gây sự chú ý, cuốn hút sự tò mò, lắm khi lại là yếu tố giữ chân khách. Vào những ngày nở hoa rộ, kiều hùng đã góp phần phá tan sự tĩnh mịch của không gian vườn tược. Nhờ thế, cảnh vật bớt phần buồn tẻ.



Ở Huế, kiều hùng đầu đỏ được trồng khá nhiều nơi, từ đồng bằng lên đến miền núi. Riêng loài kiều hùng chót lõm còn hạn chế phát triển, ít phổ biến hơn kiều hùng đầu đỏ. Nhìn chung, cả hai loài kiều hùng đều có hoa sặc sỡ, lạ mắt, cây có kích thước vừa phải, cành nhánh mảnh mai, mềm mại, lá đẹp, dễ nhân giống, dễ cơ cấu vào các không gian nhỏ. Cây ít bị sâu bệnh hại, không đòi hỏi phải chăm sóc nhiều, thích hợp với việc đưa trồng bất kỳ đâu đủ sáng, đủ ẩm, đất không quá trơ cằn.


Đỗ Xuân Cẩm

Bằng đại học song ngữ không chứng thực ở Phường

Theo Thông tư 03/2008/TT-BTP, từ ngày 5/3/2012, Phòng Tư pháp cấp quận, huyện là cơ quan duy nhất có thẩm quyền chứng thực các giấy tờ, văn bản song ngữ.


Theo Điều 5 Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký như sau:

1. Phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là Phòng Tư pháp cấp huyện) có thẩm quyền và trách nhiệm:

a) Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài;

b) Chứng thực chữ ký của người dịch trong các giấy tờ, văn bản từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hoặc từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài; chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài;

Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện thực hiện chứng thực các việc theo quy định tại khoản 1 Điều này và đóng dấu của Phòng Tư pháp.

2. UBND xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã) có thẩm quyền và trách nhiệm:

a) Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt;

b) Chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt.

Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cấp xã thực hiện chứng thực các việc theo quy định tại khoản 2 Điều này và đóng dấu của Ủy ban nhân dân cấp xã...

Bằng đại học song ngữ không chứng thực ở Phường

Ảnh minh họa

Theo Điều 1 Thông tư 03/2008/TT-BTP ngày 25/8/2008 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 của Chính phủ, với các giấy tờ, văn bản có tính chất song ngữ (ví dụ: hộ chiếu của công dân Việt Nam, chứng chỉ tốt nghiệp của các trường đại học Việt Nam liên kết với trường đại học của nước ngoài... trong đó có ghi đầy đủ bằng cả tiếng Việt và tiếng nước ngoài) người yêu cầu chứng thực được lựa chọn chứng thực tại Phòng Tư pháp cấp huyện hoặc UBND cấp xã.

Như vậy, theo quy định của Nghị định 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 và Thông tư số 03/2008/TT-BTP ngày 25/8/2008, người yêu cầu chứng thực giấy tờ, văn bằng song ngữ được quyền lựa chọn chứng thực tại Phòng Tư pháp cấp quận, huyện hoặc UBND cấp xã, phường.

Tuy nhiên, Nghị định số 04/2012/NĐ-CP ngày 20/01/2012 có hiệu lực từ ngày 05/3/2012 sửa đổi, bổ sung Điều 5 của Nghị định 79/2007/NĐ-CP, Phòng Tư pháp cấp huyện được bổ sung thẩm quyền chứng thực cụ thể như sau:

a) Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài và giấy tờ, văn bản song ngữ.

b) Chứng thực chữ ký của người dịch trong các giấy tờ, văn bản từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hoặc từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài; chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài và giấy tờ, văn bản song ngữ.

c) Chứng thực các việc quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 79/2007/NĐ-CP.

Như vậy, kể từ ngày 5/3/2012, Phòng Tư pháp cấp huyện là cơ quan duy nhất có thẩm quyền chứng thực các giấy tờ, văn bản song ngữ. Do đó, trong trường hợp bạn xin chứng thực văn bản song ngữ tại UBND phường sau ngày 5/3/2012, việc từ chối chứng thực của cán bộ tư pháp phường là đúng theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp bạn xin chứng thực văn bản song ngữ tại UBND phường trước ngày Nghị định số 04/2012/NĐ-CP có hiệu lực mà bị cán bộ tư pháp từ chối, bạn có thể khiếu nại hành vi của người đó tới UBND phường trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày bạn bị từ chối chứng thực để được giải quyết.

Thạc sĩ, Luật sưPhạm Thanh Bình ( Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội)

Theo Vnexpress.vn

Thứ Hai, 7 tháng 10, 2013

Chuyện bắt phi công

(Nguyễn Quang Lập)
Hồi chiến tranh dân Quảng Bình mê nhất hai thứ, một là đi kiếm dù, hai là bắt phi công. Dù có hai loại, dù pháo sáng là dù trắng và dù phi công là dù đỏ. Dù pháo sáng là chủ yếu, không đêm nào máy bay Mỹ không thả pháo sáng, vì thế không đêm nào dân Quảng Bình không nhặt được dù. Thỉnh thoảng vẫn nhặt được dù phi công, dù này quí hiếm vô cùng, ai nhặt được dù này còn mừng hơn bắt được vàng. Thật là như thế, một chỉ vàng hồi này chỉ 80 đồng, trong khi một cái dù đỏ phi công có thể bán 300 đồng, có khi lên tới 500 đồng.


            Dù là thứ vải rất bền và đắc dụng, làm vỏ chăn cũng tốt, may áo quần cũng hay, đặc biệt làm rèm che, làm  phông màn thì quá đẹp. Đám cưới nào có ba bốn cái dù vừa làm mái che rạp vừa làm phông màn gọi là đám cưới sang. Thà rằng cắt tóc đi tu/ cưới xin không có tấm dù ra chi. Những chiếc dù trọn vẹn rất hiếm, thường khi có một chiếc dù rơi xuống thì cả mấy trăm người tay dao tay câu liêm nhào tới xâu xé, may lắm mới kiếm được một rẻo. Có khi chẳng kiếm được rẻo nào, còn đánh nhau sứt đầu mẻ trán. Những chiếc dù trọn vẹn thường nhặt nơi rừng rú xa xôi, hoặc vận đỏ rơi trúng đầu, nửa đêm khuya khoắt thiên hạ ngủ cả, chiếc dù rơi trúng nhà mình.

            Bắt phi công không được dân chúng hồ hởi phấn khởi như đi kiếm dù nhưng cũng rất hấp dẫn. Ai bắt được phi công sẽ được huyện đội thưởng một con bò, lại được giấy khen bằng khen, được đi báo cáo thành tích, được báo tỉnh chụp ảnh đưa tin rất oách. Mình nhớ anh cu Cá ở Ba Đồn ở quê mình là người dân đầu tiên của tỉnh Quảng Bình bắt được phi công. Thường khi máy bay cháy, phi công Mỹ nhảy dù thì dân quân, bộ đội đã bố trí sẵn để chụp cổ chúng rồi, dân khó lòng “ tranh phần” với dân quân, bộ đội.

 Nhưng thỉnh thoảng phi công nhảy dù trong đêm không ai nhìn thấy, hoặc gió thổi dù bay lạc hướng phán đoán của dân quân, bộ đội thì khi đó dân mới bắt được. Anh cu Cá do đoán được hướng dù rơi mà bắt được phi công. Chuyện anh cu Cá bắt phi công mình đã kể rồi, không kể nữa.
 Mình nhớ năm 1967, ở làng Thuận Bài có một anh chuyên nghề mò cua bắt cá ở Sông Gianh, tên gì không nhớ nữa. Nhà anh nghèo, vì nghèo quá mà không sao cưới được vợ. Yêu nhau ba bốn năm rồi nhưng hễ đặt vấn đề cưới xin là tắc tị. Đừng nói mổ heo mổ bò, chỉ cần sắm cái giường cưới  cho tử tế nhà anh cũng không có khả năng. Anh chầu chực bắt phi công để kiếm một con bò cưới vợ nhưng hai ba năm trời không cách sao bắt được.

 Một hôm bộ đội pháo cao xạ bảo vệ cảng Gianh bắn cháy một chiếc F4H, thằng phi công nhảy dù rơi tõm xuống giữa sông Gianh. Một cuộc tranh giành phi công giữa bộ đội, dân quân với máy bay Mỹ xảy ra rất ác liệt suốt cả buổi chiều. Máy bay Mỹ mười mấy chiếc thi nhau quần nát một vùng rộng lớn bốn xung quanh sông Gianh, rồi đem máy bay trực thăng từ Hạm đội 7 bay vào nhằm trục vớt thằng phi công. Trực thăng bay thấp thế nhưng không ai làm gì được vì quanh nó có cả đàn phản lực vừa bắn rốc két vừa thả bom bảo vệ.

             Không phải một chiếc trực thăng mà ba chiếc, một chiếc trục vớt phi công, hai chiếc bay kèm hai bên, hễ thấy  ai đưa thuyền hay bơi ra sông là chúng bắn như như vãi đạn. Mọi người tính bó tay, để mặc cho thằng phi công được cứu thoát. Khi đó anh ở trong làng Thuận  Bài vừa bò vừa chạy ra, nhảy xuống sông, lặn chừng ba hơi thì đến giữa dòng. Khi  chiếc trực thăng thả thang dây xuống, thằng phi công vừa túm lấy thì anh này cũng vừa nhô lên, túm lưng quần thằng phi công kéo xuống.

 Anh vừa bơi vừa kéo thằng phi công vào bờ. Mấy chiếc trực thăng đều thấy cả nhưng không dám bắn, bắn thì chết luôn thằng phi công. Anh bắt thằng phi công giải đi, còn tụt quần vỗ đít chĩa về phía mấy chiếc trực thăng, nói vơ Đế quốc Mỹ…khu ( đít) tau đây nời.  Nghe nói huyện đội xét anh này  có công lớn, thưởng  cho anh hai con bò với ba trăm đồng, chẳng những đủ tiền cưới vợ mà còn làm được mái nhà tranh. Nhà báo tìm đến hỏi anh, nói vì sao đồng chí vượt qua lửa đạn để bắt phi công Mỹ. Anh nói bá cáo vì tui cần tiền cưới vợ. Nhà báo “ mớm cung”, nói khi đó lòng căm của đồng chí rực cháy phải không. Anh nhăn răng cười, nói bá cáo tui quen biết chi hắn mà căm thù.

 Hồi sơ tán ở làng Đông, nhà mình ở đầu làng, từ đấy cứ đi ngược lên phía Tây Bắc, băng qua rặng trâm bầu là gặp một cái bàu sen cực rộng, rộng đến nỗi đứng bên này bờ cứ tưởng mặt trời chui lên từ bờ bên kia. Bên kia bàu là một xóm nhỏ, có mấy túp lều tranh cất tạm, núp dưới rặng trâm bầu, xưa gọi là Xóm Bàu, bây giờ ai cũng gọi là Xóm gái hoang.  Ba người đàn bà ở đấy không phải gái chửa hoang, họ là những người đàn bà ế chồng. Một chị tên là Đóc Xấu, cao quá không ai lấy. Một chị tên Mai bị thương ở cổ, tụt lưỡi không nói được, nói gì cũng dá da da… dá da da, thành thử đàn ông ai cũng chê. Một chị tên Cà bị tây hiếp, chán đời không thèm lấy ai nữa, chị là người lớn tuổi nhất, năm 1968 đã hơn bốn mươi tuổi, vẫn gọi là Mụ Cà. Cả ba kéo nhau ra đây dựng nhà lập trại ăn ở với nhau như chị em, vô cùng thân thiết.

Một đêm, bộ đội dưới cảng Gianh bắn trúng máy bay, chiếc F105 cháy rùng rùng, đâm đầu xuống chân núi sau làng Trung Thuần, dân các làng sung sướng reo vang. Ba chị cùng nhảy cà tẩng, lấy soong nồi gõ ầm ĩ. Chợt nghe cái bụp phía bàu sen, ngó ra thì thấy một cái dù đỏ xoè rộng trên bàu. Ba chị sướng rêm, lội ra ngay. May tối hôm đó hình như mọi người mải xem máy bay cháy, không để ý, chẳng thấy có ai chạy ra, ba chị lần đầu được một cái dù trọn vẹn, lại dù đỏ, sướng ngây ngất. Cuốn xong dù thì thấy một cái đầu nhô lên, ba chị rú lên chực bỏ chạy. Cái đầu nói rốp rít xốp xít, ba chị nhìn lại, hoá ra là thằng phi công Mỹ, họ cứ đứng trơ nhìn  nhau.

 Mụ Cà sực tỉnh chĩa dao vào thằng Mỹ, nói dơ tay lên. Thằng Mỹ nói rốp rít xốp xít. Mụ Cà dơ dao đe, nói cha tổ mi, tau nói mi dơ tay lên. Thằng Mỹ cứ đứng trơ, nói rốp rít xốp xít. Chị Đóc Xấu nói bộ đội dặn khi mô bắt phi công Mỹ phải nói bút dò nó mới dơ tay lên. Thực ra bộ đội dặn phải nói put your hands up nhưng chị Đóc Xấu quên, hi hi. Mụ Cà nói mi nói đi, chị Đóc Xấu hô to bút dò bút dò! Mặt thằng Mỹ đực như ngỗng ỉa. Chị Mai thấy thế liền vung hai tay lên, nói dá da da… dá da da! Thằng Mỹ dơ hai tay lên liền. Mụ Cà, chị Đóc Xấu trố mắt ngạc nhiên, nói con Mai nói chi mình  cũng không hiểu mà thằng Mỹ hiểu liền. Mụ Cà chỉ tay vào xóm, trợn mắt với thằng Mỹ, quát dá da da … dá da da! Thằng Mỹ vội vàng đi vào xóm liền. Mụ Cà cười he he he, nói tưởng răng, tiếng Mỹ dễ òm!

Ba chị được huyện đội thưởng một con bò, họ dắt về làng mổ bò khao cả làng. Làng xóm xúm lại khen ngợi, nói giỏi hè giỏi hè. Mụ Cà vênh mặt lên, nói phải biết tiếng Mỹ mới bắt được phi công, nỏ phải chuyện chơi. Làng xóm xúm lại hỏi, nói tiếng Mỹ ra răng nói nghe coi. Mụ Cà nói è he dễ òm, dá da da… dá da da. He he.

Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013

MA CÔNG CHỨC

(FAXUCA)
Công Nông
- Bác Nông này, dân ta cứ hay ta thán thế, nhưng em thấy công chức nước ta thuộc loại mẫu mực nhất thế giới.
- Xì...
- Thì bác tính nhé. Đầu vào bỏ ra hàng trăm triệu để thi công chức, đậu rồi thì hưởng lương tháng vài ba triệu để phụng sự dân như đầy tớ.
- Xì...Bằng chứng đâu mà nói là công chức phụng sự dân rất tốt?
- Ô hay, cơ quan nào cũng gần 100% công chức là lao động tiên tiến, 30% chiến sỹ thi đua cơ sở, rồi chiến sỹ thi đua cấp tỉnh, rồi bằng khen, huân chương...Không tốt là gì?
- Xì...vớ vẩn.
- Nhưng quả này mới là vô đối này. Công chức ta không chỉ khi làm việc thì hy sinh, cung cúc tận tụy phục vụ nhân dân, mà đến khi chết vẫn làm... ma gương mẫu cho dân noi gương.
- Ma nào chả là ma...
- Rứa là bác lại lạc hậu rồi. Em hỏi bác, giả sử bây giờ bác chết nhé...
- Chém mồm chú đi, nói thế ma theo mồm thì tớ chết thật à?
- Ấy là em chỉ ví dụ thôi mà, trông bác phong độ thế thì còn lâu mới được   tiêu tiền âm. Ý em nói là một người chết thì có mấy vòng hoa?
- Cái đó là tùy người sống họ đi viếng chứ, có đám hàng chục, hàng trăm vòng, chưa kể trướng, có đám không...
- Như thế là bao nhiêu vòng hoa cũng được, đúng không?
- Đúng thế.
- Ấy thế mà khi công chức mất thì chỉ được phép có tối đa 7 vòng hoa viếng thôi. Nắp quan tài cũng không được lắp kính nữa. Em không bịa đâu nha, Nghị định 105 của Chính phủ vừa quy định như thế đấy.
- Ô hay, thế ngộ nhỡ có người tốt với dân khi mất đi dân người ta thương tiếc mang vòng hoa đến viếng, mà đã có đủ bảy vòng rồi thì sao?
- Thì phải nói họ mang về...
- Mang về đâu? Để làm gì?
- Bác cứ hỏi khó!
- Nói thật với chú, không hiểu sao dạo này người ta nghĩ ra lắm thứ luật lệ trên trời thế không biết. Hết ngực lép không được lái xe, đến căn cước ghi tên bố mẹ, rồi thịt lợn không được để quá tám giờ, rồi cấm “quốc lủi”, bây giờ lại “văn” ra cái...ma công chức này. Công chức ngày càng hư hỏng thì không lo nghĩ ra cách quản lý, sử dụng công chức làm việc cho tốt, lại cứ đi vẽ ra chuyện đám ma mấy vòng hoa.
- Thì hôm trước em đã nói rồi, mấy tay vẽ ra cái nghị định cấm “quốc lủi” là do chỉ biết uống rượu tây, chưa nhậu “quốc lủi” bao giờ...
- Đúng thế. Nhưng ý chú là sao?
- Ý em là mấy vị soạn ra cái nghị định “ma công chức” này cũng chưa ...chết, nên không có... kinh nghiệm. Chi bằng ta cho họ về thổi kèn đám ma một thời gian,
- Không được.
- Tại sao ạ?
- Thổi kèn đám ma cũng phải có phách, có nhịp, có giai điệu, tiết tấu. Thổi trời ơi đất hỡi thế này ma nào mà...chết được!