Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

"Ai cho tiền thì bảo vệ người ấy"

Còn chức năng đứng về người lao động lại càng khó tròn vai, bởi "ăn cây nào rào cây ấy", ai cho tiền hoạt động thì bảo vệ người ấy; Công đoàn thời kỳ Đổi mới chưa bao giờ đứng ra tổ chức đình công để đấu tranh quyết liệt quyền lợi cho công nhân.

BTA có rồi, nhưng Quy chế ưu đãi phổ cập (GSP)[1] không thành hiện thực có căn nguyên từ Hiến pháp.
1. Một lý do được chỉ ra là quyền tự do gia nhập hội đã có, nhưng quyền tự do lập hội cho người lao động lại chưa có.
Trong quá trình đàm phán Hiệp định thương mại Việt - Mỹ (BTA), đoàn đàm phán đã nỗ lực yêu cầu Hoa Kỳ dành cho phía VN Quy chế ưu đãi phổ cập (GSP). Quy chế này nhằm khuyến khích sự phát triển kinh tế ở các nước đang phát triển bằng cách ưu đãi miễn thuế nhập khẩu 5.000 mặt hàng[2] (trong đó chủ yếu là các hàng thủ công nghiệp, mây tre, cói ngô...).
Ban đầu, phía Hoa Kỳ không chấp nhận, vì quy chế GSP đòi hỏi quốc gia hưởng quy chế GSP phải bảo đảm cho người lao động, tầng lớp công nhân quyền tự do lập hội, bao gồm quyền tự do lập công đoàn.
Công đoàn, quyền tự do lập hội, công nhân, đình công, quyền lợi người lao động
Theo báo Lao động, từ năm 1995 đến 7/2013, có hơn 5.000 cuộc đình công, có cuộc huy động đến 10.000 NLĐ, không có cuộc nào do Công Đoàn lãnh đạo. Ảnh minh họa
Quyền tự do lập công đoàn, giúp "công nhân, người lao động tụ tập với nhau, tự lập hội để nói chuyện với giới chủ", để giúp họ tự bảo vệ mình, mà không phải trông chờ từ nhà nước. Theo ông Nguyễn Đình Lương - nguyên Trưởng đoàn đàm phán BTA, quyền tự do thành lập công đoàn là một trong những chuẩn mực quy định của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), mà Việt Nam là một thành viên[3] .
Trước nỗ lực của phía Việt Nam, cuối cùng phía Hoa Kỳ ghi nhận vào BTA: "phía Hoa Kỳ sẽ xem xét dành GSP cho Việt Nam". Thế nhưng, "thắng lợi" của nỗ lực này không có cơ hội thành hiện thực. Vì phía Hoa Kỳ chưa xem xét GSP chừng nào quyền tự do lập công đoàn của người lao động Việt Nam chưa được bảo đảm, chừng nào Điều 10 Hiến pháp còn duy trì vai trò độc tôn của Công đoàn Lao động Việt Nam (viết hoa, số ít).
Sự độc tôn của công đoàn như vậy là đã điều chỉnh quyền lập hội, lập công đoàn của người lao động theo "cơ chế mậu dịch" của thời kỳ bao cấp. Nghĩa là chỉ có quyền "gia nhập, hoặc không gia nhập, đóng phí hay không đóng phí" mà thôi, chứ không còn quyền chọn lựa ai đó đại diện cho mình.
Ngắn gọn, người lao động không có quyền lập công đoàn, mà chỉ có quyền gia nhập một tổ chức mà Điều 10 Hiến pháp đã thiết kế sẵn.
Người lao động tưởng như đã thoát được "gạo mậu dịch" song còn những thứ "mậu dịch, bao cấp" khác thì có lẽ vẫn chưa thể.
2. Duy trì tính chất "á nhà nước" của Công đoàn nhằm giải quyết những vấn đề gì gì?
Hiện nay, Công đoàn Lao động Việt Nam hưởng quy chế rất đặc biệt, quy chế á nhà nước.
Theo quy chế này, Công đoàn Lao động đứng về phía nhà nước, giúp nhà nước quản lý người lao động, thực hiện một số hành động nhân danh quyền lực nhà nước (ban hành thông tư liên tịch), đặc biệt hưởng ngân sách, giống như một cơ quan nhà nước.
Dùng ngân sách như cơ quan nhà nước, nhưng lại không phải là cơ quan nhà nước. Bởi ở mặt khác, tổ chức này lại khoác chiếc áo của một tổ chức xã hội, nên không cần được sự ủy thác của toàn dân thông qua bầu cử phổ thông, không có nghĩa vụ trả lời chất vấn trước Quốc hội, không phải chịu trách nhiệm trước những người đóng thuế.
3. Chức năng, vai trò thay đổi qua từng thời kỳ lịch sử
Trong thời kỳ Xô Viết Nghệ Tĩnh, Công đoàn đã có công lao lớn giúp Đảng giành được chính quyền, giúp công nhân đấu tránh chống lại sự bóc lột của giới chủ, đặc biệt là chống lại giới chủ người Pháp. Điều đó cần được tri ân.
Bước sang thời kỳ bao cấp, khái niệm "giới chủ" không còn, mà người sử dụng lao động chính là chính quyền dưới hình thức hợp tác xã, xí nghiệp nhà nước, cơ quan nhà nước. Nên Công đoàn thời kỳ này thay đổi chức năng, không còn nhiệm vụ đấu tranh chống lại người sử dụng lao động, mà phải cổ vũ, ủng hộ người sử dụng lao động, trở thành cánh tay nối dài giúp nhà nước quản lý người lao động.
Bước sang thời kỳ đổi mới, "giới chủ" tái xuất hiện, nhưng chức năng, vị thế của Công đoàn vẫn được tiếp tục duy trì như thời kỳ bao cấp. Công đoàn mới không được quyền thiết lập, công đoàn truyền thống không ra tay giúp công nhân. Những xung đột với giới chủ không còn phương thức hòa bình để giải quyết, công nhân đi đến đình công tự phát ở Bình Dương, Hải Phòng trong những năm 2008-2009, có nơi leo thang đến đập phá nhà máy giống như thời Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Tính chất á nhà nước, làm cho chức năng quản lý nhà nước của Công đoàn thiếu chính danh, thiếu trách niệm giải trình trước Quốc hội và toàn dân. Còn chức năng đứng về người lao động lại càng khó tròn vai, bởi "ăn cây nào rào cây ấy", ai cho tiền hoạt động thì bảo vệ người ấy; Công đoàn thời kỳ Đổi mới chưa bao giờ đứng ra tổ chức đình công để đấu tranh quyết liệt quyền lợi cho công nhân.
Duy trì vai trò độc tôn, hạn chế quyền tự do lập công đoàn của người lao động không chỉ làm ảnh hưởng quyền lợi của tầng lớp thợ thuyền, mà về mặt đối ngoại lại cản trở hội nhập quốc tế.
Trước thềm đàm phán TPP, nhân dịp sửa đổi Hiến pháp, chúng ta nên xem xét cải tổ cơ chế "bao cấp bảo vệ người lao động", cải tổ hệ thống "cửa hàng mậu dịch bốn cấp" (Công đoàn ở TW, tỉnh, huyện, cơ sở). Sao cho những người lao động thực sự được bảo vệ quyền lợi chính đáng.
TS Võ Trí Hảo (Khoa Luật, Đại học Kinh tế TP.HCM)

Ông Nguyễn Bá Thanh bút phê được bao nhiêu hồ sơ xin việc?

(Dân trí) - Tại buổi tiếp xúc cử tri quận Sơn Trà chiều 23.9, sau khi nghe bà Lê Thị Giỏi ở phường An Hải Bắc trình bày chuyện con của bà là Phan Thị Trang Nhung, tốt nghiệp đại học và thạc sĩ ngành Sư phạm Văn loại giỏi, nhưng không xin được việc phải làm công nhân, ông Nguyễn Bá thanh đã hẹn gặp bà Giỏi để xem xét hồ sơ.

(Minh họa: Ngọc Diệp)
 (Minh họa: Ngọc Diệp)


Ông  Nguyễn Bá Thanh đã bút phê vào hồ sơ của Phan Thị Trang Nhung để xin việc cho nữ thạc sĩ này. Chắc chắn với uy tín của ông, thạc sĩ Nhung sẽ có việc làm đúng chuyên ngành được đào tạo.

Tấm lòng của ông Nguyễn Bá Thanh với người dân rất đáng được ghi nhận, cách xử lý nhanh gọn của ông cũng rất đáng nể.

Thế nhưng, vấn đề đặt ra là ông Thanh bút phê được bao nhiêu hồ sơ cho hàng vạn trường hợp như Phan Thị Trang Nhung. Chỉ riêng một doanh nghiệp ở Đà Nẵng thôi, ông Thanh cũng bó tay. Ví dụ,  báo Lao Động số ra ngày  6.3.2013 có bài “Nghịch lý nguồn nhân lực ở Đà Nẵng: Cả ngàn cử nhân làm công nhân tại một doanh nghiệp”.

Bài báo nêu vụ thể, Công ty TNHH điện tử Poster Đà Nẵng có 16.000 công nhân, nhưng có đến cả ngàn người có bằng cử nhân, kỹ sư. Cá biệt, có công nhân có cả 2 bằng cử nhân, hoặc cả hai vợ chồng đều là “ông bà cử” làm công nhân tại công ty.
Mới đây, La Văn Ngọ, người dân tộc Thái, quê Nghệ An, gia đình nghèo, nhưng bạn đã vượt qua khó khăn để đạt thành tích thủ khoa Đại học Giao thông Vận tải. Nhưng khổ thân cho chàng tân thủ khoa, vác đơn đi xin việc khắp nơi nhưng không ai nhận. Hay tin, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã “trải thảm đỏ” đón La Văn Ngọ về làm việc tại Viện Khoa học Công nghệ của Bộ GTVT. Có mấy ai được may mắn như La Văn Ngọ?
Cho dù việc làm các nhà chính trị có phần tạo dựng hình ảnh cá nhân thì chút tấm lòng đó cũng quý hóa lắm. Bởi vì, chẳng có mấy người làm được những việc như thế. Hoặc là họ thừa sức làm được, nhưng tấm lòng không đủ rộng mở để khai phóng cho cái trí nghĩ ra cách làm. Cám ơn ông Thanh, ông Thăng...
Có điều, với nhà chính trị tâm rộng tầm cao, đóng góp của họ không phải việc làm của một nhà từ thiện hay lòng hảo tâm của một doanh nhân, mà tạo ra một quốc gia giàu mạnh, có đủ việc làm cho người dân, hay ít nhất là những người được đào tạo có bằng cấp chuyên môn thì phải có việc làm.
Ông Nguyễn Bá Thanh, ông Đinh La Thăng giải quyết cho hai trường hợp thất nghiệp nhưng có thể họ rất đau lòng. Bởi vì tại sao để cho nhiều người có bằng cấp phải thất nghiệp như vậy, trong đó có trách nhiệm của cá nhân họ.
Mong rằng, họ đau lòng như vậy hơn là vui cười thỏa mãn vì mình giải quyết việc làm cho một người dân.

Lê Chân Nhân

Thứ Hai, 23 tháng 9, 2013

CHO TÔI THỞ TÝ



(FAXUCA) Ông giám đốc cơ quan nọ bị bệnh hiểm nghèo, đang phải thở ô xy trong bệnh viện. Phó giám đốc thường trực dẫn đầu đoàn cán bộ cơ quan đến thăm. Với bộ mặt thểu não, lo lắng, phó giám đốc nghẹn ngào nói: "Anh mới đi viện mấy ngày mà cả cơ quan nháo nhác như gà mất mẹ. Bọn em hết sức lo lắng, chỉ mong sao anh sớm bình phục về tiếp tục lãnh đạo cơ quan...". Ông giám đốc khó khăn lắm mới nói được mấy câu, giọng đứt quãng: "Cá...m ơ ... n đồng...chí, nhưng xin đồng chí thả tay ra cho tôi thở một tý". Té ra nãy giờ phó giám đốc miệng nói, nhưng tay thì bóp chặt ống tuy ô truyền ô xy!

Thứ Ba, 17 tháng 9, 2013

Bí thư xã chửi dân 'ngu" bị kiểm điểm, phải xin lỗi dân

Trước những bức xúc của dư luận, huyện ủy Phổ Yên (Thái Nguyên) đã có văn bản yêu cầu Bí thư xã Thành Công làm kiểm điểm và giải trình vụ việc chửi dân "ngu" và "láo".


bí thư xã, xin lỗi dân, kiểm điểm, chửi dân ngu, bố láo
Ông Dương Đình Sáu - Bí thư Đảng ủy xã Thành Công. Ảnh: Tri thức trẻ

Những ngày qua, dư luận tỏ ra bất bình thước hành động chửi dân ngu và láo của ông Dương Văn Sáu - Bí thư xã Thành Công, huyện Phổ Yên, Thái Nguyên. 

Huyện ủy Phổ Yên vừa yêu cầu các cơ quan chức năng rà soát bộ máy của xã Thành Công và các cơ quan liên quan. 

Yêu cầu Bí thư Đảng ủy xã Thành Công báo cáo, tự kiểm điểm và giải trình vụ việc với Thường trực Huyện ủy. 

Trước đó, ngày 12/9, Huyện ủy Phổ Yên nhận được báo cáo đề nghị của Chi bộ Phú Đạt thuộc Đảng bộ xã Thành Công đề nghị làm rõ vụ việc, nếu có hành động như vậy bí thư xã phải xin lỗi dân. Thường trực Huyện ủy đã yêu cầu Chi bộ Phú Đạt phải làm rõ vụ việc trên với người dân trong xã. 

Được biết, ngày 30/1/2013, Dự án nghĩa trang "Công viên Thiên đường xanh" đã được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và có tổng diện tích 185 ha nằm trên 3 xóm Ao Sen, Hạ Đạt và Vạn Phú (xã Thành Công). 

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, dự án đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía người dân 3 xóm thuộc dự án nói trên. 

Theo đơn thư tố cáo của người dân, họ phản đối mạnh mẽ dự án là do chính quyền UBND xã Thành Công đã "vi phạm quy chế dân chủ", "Bí thư xã lập phe cánh", "mập mờ, nhiều khuất tất trong phổ biến, tuyên truyền về dự án". 

Trong lần trả lời báo chí về các thông tin liên quan đến đơn tố cáo của người dân hồi cuối tháng 8/2013, ông Dương Đình Sáu, Bí thư Đảng ủy xã Thành Công luôn tìm cách né tránh vụ việc trên. 

Không những thế, ông này còn có những lời lẽ miệt thị người dân, nói dân "ngu, kém hiểu biết", "lạc hậu và bố láo" nên mới... làm đơn tố cáo. 

Diệp Vy(tổng hợp)

Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2013

SỰ KIỆN NÔNG DÂN THÁI BÌNH NỔI DẬY NĂM 1997

NTT – Trong bài “Bạo lực đỏ” tôi có nhắc tới sự kiện nông dân tỉnhThái Bình nổi dậy chống lại lãnh đạo chính quyền vi phạm luật đất đai và tham nhũng. Sự kiện này dù được nghe “truyền miệng” nhiều nhưng lại ít thấy có cuốn sách nào, tờ báo chính thống nào nói một cách đầy đủ và hệ thống. Mới đây TỈNH ỦY-HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN-ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH chỉ đạo cho ra đời cuốn TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH do NXB Văn hóa Thông tin xuất bản 2010 đã có 4 mục nói về sự kiện này.
Cuốn sách, theo lời giới thiệu của ông Bùi Tiến Dũng – Bí thư tỉnh ủy – Chủ tịch HĐND tỉnh giới thiệu, “gồm 5.000 mục từ với hơn 1.300 trang”, đáng được xem là một công trình từ điển bách khoa về Thái Bình.
Không ngại va chạm để nói đến những sự kiện lịch sử có tính bước ngoặt, lần đầu tiên một ấn phẩm, một công trình đồ sộ do Tỉnh Thái Bình xuất bản chính thức đưa Sự kiện Thái Bình 1997 vào sách dưới những đề mục nhỏ, như một sự công nhận lịch sử mà không hề chối bỏ.
Cuốn TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH là sách tra cứu và không phải ai cũng có thể sở hữu vì số bản in không nhiều. Đối với sự kiện Thái Bình năm 1997, có 4 đề mục nhỏ là: Vụ Quỳnh Hoa, Vụ Quỳnh Hội, Vụ Quỳnh Mỹ và Vụ Thái Thịnh.
“Khi nông dân ra phố” xin trân trọng giới thiệu lại toàn bộ 4 vụ này trong cuôn TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH để chúng ta cùng đọc và suy ngẫm.

1. Vụ Quỳnh Hoa

“Điểm nóng số 1 của tỉnh. Chiều ngày 16/6/1997, khoảng 300 người dân xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Phụ đã bắt giữ Bí thư Đảng ủy, chủ tịch UBND xã và Phó ban tài chính xã dong lên huyện, đi bộ trên quãng đường 7km dưới trời mưa không cho đội mũ nón, vừa đi vừa lăng mạ, chử bới, đánh đập. UBND huyện cứ người ra tiếp, trong cuộc đối thoại, yêu sách của dân tập trung vào việc đòi xử lý cán bộ xã tham nhũng, tiêu cực; huyện yêu cầu trả tự do cho cán bộ xã và hứa cử đoàn thanh tra về làm rõ, nếu cán bộ vi phạm sẽ xử lý.
Sau đó, tại xã Quỳnh Hoa vẫn tiếp tục tiếp diễn tình trạng lăng mạ, vây ép đòi cán bộ xã phải ký vào những văn bản do một số người thảo sẵn. Ngày 12/9/1997, 34 cán bộ xã Quỳnh Hoa gồm Đảng ủy, UBND, Công an, xã đội, các đoàn thể HTX nông nghiệp và 6/10 trưởng xóm mang 6 con dấu và đơn xin nghỉ việc lên trả cho huyện. Không khí ở địa phương rất căng thẳng, ngày nào cũng có hàng trăm người lên UBND xã chất vấn cán bộ. Ngày 12/11/1997, khoảng 400 người dân xã Quỳnh Hoa kéo lên UBND tỉnh khiếu tố, đòi gặp chủ tịch tỉnh.
Do không chấp nhận giải thích của lãnh đạo UBND tỉnh, một số người đã hành động quá khích, gây rối trật tự công cộng, lăng mạ chửi bới cán bộ trước cổng UBND tỉnh. Đoàn người tập trung ngòai cổng trụ sở UBND tỉnh từ sáng tới chiều tôi thì nhiều người trèo qua cổng và hàng rào tràn vào UBND tỉnh, đập phá cửa kính, hò hét, chửi bới.
Trước tình hình đó, ngày 13/11 cơ quan bảo vệ pháp luật đã bắt một số người phạm pháp quả tang trong đoàn khiếu kiện tại thị xã và tại xã Quỳnh Hoa. Đối phó lại, ngay chiều tối hôm ấy, tại xã Quỳnh Hoa hàng nghìn người bao vây cản trở không cho công an thi hành nhiệm vụ, lùng sục bắt giữ 23 công an và 1 cán bộ Viện kiểm sát nhân dân tỉnh; cướp 1 máy bộ đàm ném xuống ao, phá hỏng 1 xe ô tô; đối xử tàn nhẫn thô bạo với những người bị bắt đồng thời tổ chức rào làng, đặt chướng ngại vật, huy động thanh thiếu niên sử dụng dao kiếm, côn gậy tuần tra canh gác, liê tục đánh kẻng, gõ mõ báo động, kiểm soát chặt chẽ “nội bất xuất, ngoại bất nhập” gây không khí căng thẳng.
Trong khi đó, hàng trăm người ở các xã Quỳnh Mỹ, Quỳnh Giao, Quỳnh Thọ, An Ấp, An Thái cũng kéo sang Quỳnh Hoa, càng làm cho tình hình thêm phức tạp.
Sau 2 ngày thuyết phục vận động, đến 16h ngày 16/11/1997, 20 cán bộ chiến sĩ công an mới được trả tự do (4 chiến sĩ đã tự giải thoát)
Hoạt động của tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể xã Quỳnh Hoa hoàn toàn bị tê liệt, không kiểm soát được tình hình. Các đoàn công tác của tỉnh, huyện cũng phải rút khỏi Quỳnh Hoa. Sự kiện Quỳnh Hoa gây chấn động dư luận, thu hút sự quan tâm chú ý của cả nước.
Từ ngày 2 đến 4/7/1998, Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, bắt giữ người trái pháp luật” xảy ra tại Quỳnh Hoa. Vụ án có 40 bị cáo, đông nhất từ trước đến nay ở Thái Bình, 28 bị cáo bị tạm giam, 12 bị cáo tại ngoại, một số bị cáo là thương binh, đối tượng chính sách.
Đào Văn Tá bị xử phạt 11 năm 6 tháng tù giam, Nguyễn Văn Hội 9 năm tù giam, Nguyễn Xuân Hùng 8 năm tù giam. Các bị cáo khác bị phạt tù từ 7 năm đến 18 tháng tù cho hưởng án treo. Đồng thời cơ quan cảnh sát điều tra Thái Bình cũng quyết định khởi tố vụ tham ô tài sản XHCN đối với Nguyễn Thanh Vận, Phan Văn Phền, Chủ nhiệm và nguyên chủ nhiệm HTX nông nghiệp Quỳnh Hoa.”
Trích: TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH. TỈNH ỦY-HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN-ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH. NXB VĂN HÓA THÔNG TIN. 2010. Trang 1082 – 1083.

2. Vụ Quỳnh Hội

“Sự kiện khởi đầu của tình hình mất ổn định chính trị – xã hội ở Thái Bình. Trong 2 tháng cuối 1996, hàng trăm người ở xã Quỳnh Hội huyện Quỳnh Phụ nhiều lần lên xã, huyện, tỉnh khiếu tố về việc UBND huyện Quỳnh Phụ không thực hiện quỹ đất 5% là trái với chủ trương của tỉnh; các khoản dân phải đóng góp quá lớn; cán bộ xã có hành vi tham nhũng, tiêu cực. Dân yêu cầu cấp trên thanh tra, xử lí cán bộ sai phạm.
Ngày 5/12/1996, UBND huyện Quỳnh Phụ thành lập đoàn thanh tra liên ngành, tiến hành thanh tra việc xây dựng cơ bản, ngân sách xã và kinh tế HTX Nông nghiệp. Kết quả thanh tra xây dựng cơ bản (trạm bơm, cải tạo mương máng, làm đường giao thông…) bước đầu phát hiện có dấu hiệu tham ô 90.600.000 đồng.
Thanh tra kinh tế, tài chính xã, phát hiện chi sai nguyên tắc 48.275.000 đồng. Ngoài ra còn có nhiều biểu hiện tiêu cực trong việc mua thóc giống, vay tiền cá nhân sử dụng cho HTX với lãi suất cao…
19h30 ngày 26/12/1996, Chi nhánh điện Quỳnh Phụ ngừng cấp điện cho xã vì còn nợ chi nhánh 3.800.000 đồng. Hàng nghìn người trong xã kéo đến nhà chủ tịch UBD xã thắc mắc và một số người quá khích đã đập phá tài sản, làm thiệt hại khoảng 3.000.000 đồng.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, dưới sự chỉ đạo của Lãnh đạo công an tỉnh, của Thường trực huyện ủy, UBND huyện Quỳnh Phụ, lực lượng công an và các ngành đã tập trung giải quyết nhằm ổn định tình hình.
Ngày 26/12/1996, Công an huyện Quỳnh Phụ đã khởi tố vụ án gây rối trật tự công cộng, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Toán, Phạm Văn Quýnh, Nguyễn Tiến Mừng.
Ngày 14/1/1997, khởi tố điều tra vụ án tham ô, cố ý làm trái gây thiệt hại tài sản XHCN, khởi tố 3 bị can: Đặng Đình Thảo (Bí thư Đảng ủy xã, nguyên Chủ nhiệm HTX), Nguyễn Quốc Dũng (kế toán trưởng), Vũ Thị Tám (thủ quỹ HTX nông nghiệp).” Trích: TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH. TỈNH ỦY-HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN-ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH. NXB VĂN HÓA THÔNG TIN. 2010. Trang 1083.

3. Vụ Quỳnh Mỹ

Vu gây rối trật tự nghiêm trọng nhất. Ngày 6/5/1997, Phạm Hữu Hoành, Phạm Văn Tới và Nguyễn Văn Ty tự nhận là đại diện cho nhân dân đứng ra in giấy mời, triệu tập Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, Bí thư chi bộ, xóm trưởng, trưởng các ban ngành của xã về Hội trường UBND để họp bàn chống tham nhũng.
Tại đây Phạm Hữu Hoành công khai đả kích , phê phán chính quyền xã, kích động quần chúng kéo lên huyện, tỉnh yêu cầu xử lý những cán bộ mà họ cho là tham nhũng.
Xét hành vi của Phạm Hữu Hoành và Phạm Văn Tới có dấu hiệu về tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm tới lợi ích của Nhà nước và xã hội”, ngày 8/5/1997, Công an huyện Quỳnh Phụ đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt Phạm Hữu Hoành và Phạm Văn Tới. Lập tức, từ ngày 9 đến 11/5/1997, hàng nghìn người xã Quỳnh Mỹ và các xã lân cận liên tiếp kéo lên huyện đòi thả người bị bắt.
Chiều 10/5, khoảng 3.000 người đã tràn vào Viện kiểm sát nhân dân huyện, một số người đã đập phá phòng làm việc và lăng mạ, súc phạm Viện trưởng; thu và xé tài liệu của Viện kiểm sát nhân dân.
Tình hình càng căng thẳng khi hàng trăm người của xã Quỳnh Hồng cùng số dân xã Quỳnh Mỹ kéo đến bao vây trụ sở công an huyện. Trong suốt 6 giờ đồng hồ (từ 19 giờ ngày 10/5 đến 1 giờ sáng ngày 11/5) khoảng 2.000 người tụ tập trước trụ sở công an huyện. Lợi dụng đêm tối, một số người quá khích hò hét, chửi bới, xô đổ cổng, dậu của Công an huyện và trường Đảng huyện; dùng gạch đá tấn công trụ sở và cán bộ chiến sĩ công an đang làm nhiệm vụ. Họ còn dùng các vật cản chắn đường ô tô, ngăn không cho lực lượng công an tỉnh và công an các huyện tăng cường; đồng thời tổ chức săn lùng, đánh đuổi các chiến sĩ công an. 11 cán bộ chiến sĩ công an bị thương, nhiều tài sản bị hư hỏng, trong đó có 3 xe chữa cháy, 1 xe cứu thương, 1 xe chở quân, vỡ nhiều lá chắn, hỏng toàn bộ cánh cửa nhà 2 tầng, hệ thống chiếu sáng và nhiều máy móc thông tin liên lạc..
Để giảm bớt áp lực của quần chúng, tạm ổn định tình hình, Thường trực Tỉnh ủy và UBND Tỉnh đã họp bàn thống nhất chủ trương tạm tha 2 đối tượng bị bắt. Được thể, một số người ở Quỳnh Mỹ đã ép Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện phải ký vào văn bản họ viết sẵn, thừa nhận việc bắt người là sai rồi công bố trên Đài truyền thanh xã Quỳnh Mỹ và tổ chức ăn mừng thắng lợi.
Trích: TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH. TỈNH ỦY-HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN-ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH. NXB VĂN HÓA THÔNG TIN. 2010. Trang 1083 – 1084.

4. Vụ Thái Thịnh

Vụ tham nhũng, tiêu cực và gây rối trật tự công cộng điển hình ở huyện Thái Thụy.
Ngày 25/6/1997, 60 người dân xã Thái Thịnh lên UBND tỉnh kiến nghị giải quyết thanh quyết toán các công trình xây dựng của xã và tố cáo Chủ tịch xã vi phạm luật đất đai, tham nhũng. Buổi tối cùng ngày, quần chúng họp tại 2 địa điểm xóm 1 và xóm 5 để nghe thông báo kết quả đi khiếu kiện ở tỉnh về.
14h ngày 26/6/1997, trong lúc Đảng bộ xã đang họp bàn chủ trương thực hiện công văn số 279 của UBND tỉnh, hơn 200 người kéo đến bao vây trụ sở, yêu cầu xã phải thực hiện ngay công văn số 279. Chủ tịch xã ra giải quyết yêu cầu mọi người giải tán. Quần chúng không nghe và có lời lẽ thô tục, lăng mạ.
5h chiều cùng ngày, Chủ tịch huyện cùng đoàn cán bộ huyện Thái Thụy về xã Thái Thịnh để giải quyểt, hứa sẽ chỉ đạo xã thực hiện nghiêm túc công văn 279 của UBND tỉnh. Có tới hàng nghìn quần chúng tụ tập tại trụ sở UBND xã. Những người quá khích đã ào lên vây giữ Chủ tịch huyện và đoàn cán bộ. Lực lượng công an tìm cách đưa được Chủ tịch huyện ra ngoài. Chủ tịch xã và Trưởng công an huyện bị một số phần tử xấu hành hung trọng thương. 6 cán bộ khác của xã, trong đó có Bí thư Đảng ủy và 3 an ninh viên bị xâm phạm đến thân thể. Toàn bộ bàn ghế, cánh cửa, tủ đựng tài liệu, tăng âm, loa đài của xã và HTX bị đập phá và mất 13,600,000 đồng quỹ UBND xã.
Sau đó, họ kéo đập phá nhà, tài sản gia đình Phạm Văn Chiêm (Chủ tịch xã), Phạm Văn Nghị (Phó Chủ tịch xã), Đinh Thị Tâng (Cán bộ địa chính xã), gây nhiều thiệt hại.
Tình hình rối loạn diễn ra từ 7 giờ tối ngày 26/6 đến 1 giờ sáng ngày 27/6/1997.
Để giải quyết ổn thỏa tình hình xã Thái Thịnh, Thường trực Tỉnh ủy Thái Bình đã chỉ đạo 3 ngành Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án tiến hành đồng thời việc điều tra truy tố những đối tượng quá khích, gây rối trật tự công cộng, vi phạm pháp luật với việc truy tố những cán bộ xã có hành vi tham nhũng, tiêu cực là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc khiếu kiện phức tạp của quần chúng.
Ngày 3/7/1997, Công an tỉnh đã thực hiện lệnh bắt 5 đối tượng chủ yếu (Vũ Văn Kiện, Vũ Văn Tuấn, Phạm Văn Vịnh, Ngô Thị Duyên, Phạm Văn Khuynh) trong 36 đối tượng gây rối trật tự công cộng, cố ý hủy hoại tài sản XHCN, tài sản công dân, cố ý gây thương tích, xảy ra đêm 26/6/1997 tại Thái Thịnh.
Đồng thời, Công an tỉnh khẩn trương điều tra, xác định Phạm Văn Chiêm (Chủ tịch xã từ 1991 – 1997) đã cấp trái phép 23.686m2 đất và đã cùng Phạm Văn Thiện (Phó ban tài chính xã) vi phạm các quy định về chế độ, nguyên tắc quản lí kinh tế nhà nước, gây thất thoát ngân sách xã hơn 220 triệu đồng. Chiêm tham ô 24.670.000 đồng, Thiện tham ô 63.804 ngàn đồng.
Một số cán bộ chủ chốt khác của xã như Phạm Thanh Nghị (Phó chủ tịch xã) , Phạm Văn Thái (Bí thư Đảng ủy xã), Phạm Huy Khản (Phó Bí thư Đảng ủy xã), Phạm Thị Duyên (Thủ quỹ UBND xã) đồng phạm gây thất thoát 154 triệu đồng ngân sách xã. Ngoài ra, Nghị còn tham ô 13 triệu đồng, Thái 11 triệu đồng, Khản hơn 2 triệu đồng, Duyên 5 triệu đồng, Tăng hơn 13 triệu đồng.
Trích: TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH. TỈNH ỦY-HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN-ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH. NXB VĂN HÓA THÔNG TIN. 2010. Trang 1084 – 1085.
Nguồn: Nguyenvanhoc