Thứ Ba, 10 tháng 11, 2009

Các quân cờ

.
Trên bàn cờ,
Xe tranh công: chỉ có mình mạnh nhất
Dọc ngang nào ai cản được bước ta
Pháo mỉa cười: nếu gặp khoảng cách xa
Xe sao câu trúng được đầu quân địch?

Nghe thế
Sĩ, Tịnh liền tranh tâu thành tích
Không có ta bảo vệ cổng thành
Liệu “ông Tướng” có được lành yên ?
Cho các anh đánh đông dẹp bắc?

Im ngay, tất cả đừng dương dương tự đắc
Chúng mày chỉ là những kẻ bị khiến sai
Gặp người điều khiển chúng bay có đức, có tài
Thì dù con gì cũng được hoan nghênh chào đón

Nếu điều khiển là người tài hèn sức mọn
Chúng mày phải chạy quanh co trên bàn cờ như những con rối ngu si
Pháo hay Xe... nào có giá trị gì???
Thua chú Tốt của bên quân địch

Phải biết phát huy sức mạnh của mình khi cần thiết
Cài cắm vào nhau trong thế trận hợp tình
Đừng tranh nhau đứa nào giết được nhiều sinh linh
Cùng hợp lực để đến bến bờ chiến thắng
.

Thứ Hai, 9 tháng 11, 2009

Phạt 500 triệu hành vi săn, bắn động vật rừng, vận chuyển lâm sản trái phép

(Chinhphu.vn) - Với mức phạt cao như vậy, Nghị định 99/2009/NĐ-CP ngày 2/11/2009 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản đã tạo cơ sở pháp lý để phạt nặng các hành vi vi phạm, hạn chế tình trạng chặt phá rừng và khai thác lâm sản trái phép đang gia tăng hiện nay.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2010 và thay thế Nghị định số 159/2007/NĐ-CP ngày 30/10/2007.
Mức phạt cao nhất tới 500 triệu đồng

Người VPHC trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền. Ngoài ra, tùy theo tính chất mức độ vi phạm mà còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả.

Theo đó, người có hành vi lấn, chiếm rừng trái pháp luật bị phạt tiền từ 2 - 50 triệu đồng; vi phạm các quy định của Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy rừng gây cháy rừng bị phạt từ 3 - 50 triệu đồng tùy theo hậu quả đã gây ra.

Người có hành vi phá rừng trái pháp luật thì bị phạt từ 200.000 đồng đến 50 triệu đồng tùy theo diện tích rừng bị phá hoặc loại rừng là rừng sản xuất, rừng phòng hộ hay rừng đặc dụng. Đối với các hành vi khai thác rừng trái phép, mức phạt có thể lên tới 200 triệu đồng.

Đặc biệt, người có hành vi săn, bắn, bẫy, bắt; nuôi, nhốt; giết động vật rừng trái pháp luật; vận chuyển lâm sản trái pháp luật hay mua, bán, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản trái các quy định của Nhà nước có thể bị phạt với mức cao nhất là 500 triệu đồng.

So với Nghị định 159/2007/NĐ-CP quy định mức phạt cao nhất chỉ tới 30 triệu đồng, Nghị định mới đã tăng mức xử phạt cao gấp nhiều lần, góp phần hữu hiệu trong việc ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng và khai thác lâm sản trái pháp luật.
Thầm quyền xử phạt
Lực lượng Kiểm lâm và Chủ tịch UBND các cấp có thẩm quyền xử phạt VPHC trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.

Các cơ quan chức năng như Công an, Bộ đội biên phòng, Hải quan, Thuế, Quản lý thị trường, Thanh tra, các chủ rừng có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với cơ quan Kiểm lâm trong việc kiểm tra, thanh tra, ngăn chặn các hành vi vi phạm.

Nghị định cũng quy định cụ thể thủ tục áp dụng các biện pháp ngăn chặn, thủ tục xử phạt và thi hành quyết định xử phạt.

Phương Mai
(Nguồn: Nghị định 99/2009/NĐ-CP)