Thứ Hai, 14 tháng 9, 2009

Hiệu ứng nhà kính

Hiệu ứng nhà kính làm cho nhiệt độ của không gian bên trong của một nhà trồng cây làm bằng kính tăng lên khi Mặt Trời chiếu vào. Nhờ vào sức ấm này mà cây có thể đâm chồi, ra hoa và kết trái sớm hơn. Ngày nay người ta hiểu khái niệm này rộng hơn, dẫn xuất từ khái niệm này để miêu tả hiện tượng nghẽn nhiệt trong bầu khí quyển của Trái Đất được Mặt Trời chiếu sáng là hiệu ứng nhà kính khí quyển. Trong hiệu ứng nhà kính khí quyển, phần được đoán là do tác động của loài người gây ra được gọi là hiệu ứng nhà kính nhân loại.
Hiệu ứng nhà kính
Hiệu ứng nhà kính, xuất phát từ effet de serre trong tiếng Pháp, do Jean Baptiste Joseph Fourier lần đầu tiên đặt tên, dùng để chỉ hiệu ứng xảy ra khi năng lượng bức xạ của tia sáng mặt trời, xuyên qua các cửa sổ hoặc mái nhà bằng kính, được hấp thụ và phân tán trở lại thành nhiệt lượng cho bầu không gian bên trong, dẫn đến việc sưởi ấm toàn bộ không gian bên trong chứ không phải chỉ ở những chỗ được chiếu sáng.
Hiệu ứng này đã được sử dụng từ lâu trong các nhà kính trồng cây. Ngoài ra hiệu ứng nhà kính còn được sử dụng trong kiến trúc, dùng năng lượng mặt trời một cách thụ động để tiết kiệm chất đốt sưởi ấm nhà ở.
Hiệu ứng nhà kính khí quyển
Các tia bức xạ sóng ngắn của mặt trời xuyên qua bầu khí quyển đến mặt đất và được phản xạ trở lại thành các bức xạ nhiệt sóng dài. Một số phân tử trong bầu khí quyển, trong đó trước hết là điôxít cacbon và hơi nước, có thể hấp thụ những bức xạ nhiệt này và thông qua đó giữ hơi ấm lại trong bầu khí quyển. Hàm lượng ngày nay của khí đioxit cacbon vào khoảng 0,036% đã đủ để tăng nhiệt độ thêm khoảng 30 °C. Nếu không có hiệu ứng nhà kính tự nhiên này nhiệt độ trái đất của chúng ta chỉ vào khoảng –15 °C.
Có thể hiểu một cách sơ lược như sau : ta biết nhiệt độ trung bình của bề mặt trái đất được quyết định bởi cân bằng giữa năng lượng mặt trời chiếu xuống trái đất và lượng bức xạ nhiệt của mặt đất vào vũ trụ. Bức xạ nhiệt của mặt trời là bức xạ có sóng ngắn nên dễ dàng xuyên qua tầng ozon và lớp khí CO2 để đi tới mặt đất, ngược lại bức xạ nhiệt từ trái đất vào vũ trụ là bước sóng dài, không có khả năng xuyên qua lớp khí CO2 dày và bị CO2 + hơi nước trong khí quyên hấp thụ. Như vậy lượng nhiệt này làm cho nhiệt độ bầu khí quyển bao quanh trái đất tăng lên. Lớp khí CO2 có tác dụng như một lớp kính giữ nhiệt lượng tỏa ngược vào vũ trụ của trái đất trên quy mô toàn cầu. Bên cạnh CO2 còn có một số khí khác cũng được gọi chung là khí nhà kính như NOx, Metan, CFC.
Ở thời kỳ đầu tiên của lịch sử trái đất, các điều kiện tạo ra cuộc sống chỉ có thể xuất hiện vì thành phần của điôxít cacbon trong bầu khí quyển nguyên thủy cao hơn, cân bằng lại lượng bức xạ của mặt trời lúc đó yếu hơn đến khoảng 25%. Cường độ của các tia bức xạ tăng lên với thời gian. Trong khi đó đã có đủ cây cỏ trên Trái Đất, thông qua sự quang hợp, lấy đi một phần khí điôxít cacbon trong không khí tạo nên các điều kiện khí hậu tương đối ổn định.
Hiệu ứng nhà kính nhân loại
Từ khoảng 100 năm nay con người tác động mạnh vào sự cân bằng nhạy cảm này giữa hiệu ứng nhà kính tự nhiên và tia bức xạ của mặt trời. Sự thay đổi nồng độ của các khí nhà kính trong vòng 100 năm lại đây (điôxít cacbon tăng 20%, mêtan tăng 90%) đã làm tăng nhiệt độ lên 2 °C.
Không nên nhầm lẫn hiệu ứng nhà kính nhân loại với việc làm tổn thất đến lớp khí ôzôntầng bình lưu cũng do loài người gây ra.

Những ảnh hưởng có thể xảy ra do hiệu ứng nhà kính nhân loại
Phần lớn các nhà khoa học ủng hộ giả thuyết cho rằng việc tăng nồng độ các khí nhà kính do loài người gây ra, hiệu ứng nhà kính nhân loại, sẽ làm tăng nhiệt độ trên toàn cầu (sự nóng lên của khí hậu toàn cầu) và như vậy sẽ làm thay đổi khí hậu trong các thập kỷ và thập niên kế đến.
Giả thuyết này bị phủ nhận bởi một số người gọi là nhà phê bình khí hậu mà con số các nhà khoa học trong họ đã giảm đi rõ rệt trong những năm vừa qua.
Sau đây là một số hậu quả liên đới với việc thay đổi khí hậu do hiệu ứng này có thể gây ra:
- Các nguồn nước: Chất lượng và số lượng của nước uống, nước tưới tiêu, nước cho kỹ nghệ và cho các máy phát điện, và sức khỏe của các loài thủy sản có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự thay đổi của các trận mưa rào và bởi sự tăng khí bốc hơi. Mưa tăng có thể gây lụt lội thường xuyên hơn. Khí hậu thay đổi có thể làm đầy các lòng chảo nối với sông ngòi trên thế giới.
- Các tài nguyên bờ biển: Chỉ tại riêng Hoa Kỳ, mực nước biển dự đoán tăng 50 cm vào năm 2100, có thể làm mất đi 5.000 dặm vuông đất khô ráo và 4.000 dặm vuông đất ướt.
- Sức khỏe: Số người chết vì nóng có thể tăng do nhiệt độ cao trong những chu kì dài hơn trước. Sự thay đổi lượng mưa và nhiệt độ có thể đẩy mạnh các bệnh truyền nhiễm. Nhiệt độ tăng lên làm tăng các quá trình chuyển hóa sinh học cũng như hóa học trong cơ thể sống, gây nên sự mất cân bằng.
- Lâm nghiệp: Nhiệt độ cao hơn tạo điều kiện cho nạn cháy rừng dễ xảy ra hơn.
- Năng lượng và vận chuyển: Nhiệt độ ấm hơn tăng nhu cầu làm lạnh và giảm nhu cầu làm nóng. Sẽ có ít sự hư hại do vận chuyển trong mùa đông hơn, nhưng vận chuyển đường thủy có thể bị ảnh hưởng bởi số trận lụt tăng hay bởi sự giảm mực nước sông.
Xa hơn nữa nếu nhiệt độ của quả đất đủ cao thì có thể làm tan nhanh băng tuyết ở Bắc CựcNam Cực và do đó mực nước biển sẽ tăng quá cao, có thể dẫn đến nạn hồng thủy.
Các nỗ lực hiện tại để giảm trừ Hiệu ứng nhà kính nhân loại
- Một trong những cố gắng đầu tiên của nhân loại để giảm mức độ ấm dần do khí thải kỹ nghệ là việc các quốc gia đã tham gia bàn thảo và tìm cách kí kết một hiệp ước có tên là Nghị định thư Kyoto. Tuy nhiên, hiệp ước này không được một số nước công nhận, trong đó quan trọng nhất là Mỹ với lí do là hiệp định này có khả năng gây tổn hại cho sự phát triển kinh tế của Hoa Kỳ.
Tiến sĩ Roderic Jones thuộc Trung tâm Khoa học Khí quyển, phân khoa hóa của Đại học Cambridge đã phát biểu: Tôi không muốn làm mọi người lo sợ nhưng cùng lúc tôi nghĩ rằng thật là quan trọng nếu họ hiểu được tình hình và, một cách tối yếu, sự cần thiết phải làm gì đó cho nó. Nghị định thư Kyoto rất quan trọng, mặc dù vậy, theo (nội dung) đề cập, nó không đủ để cân bằng hóa CO2.
- Tuy nhiên, về phía nội bộ nước Mỹ và các nước tiên tiến khác, nhiều nỗ lực để giảm khí độc mà chủ yếu thải ra từ xe máy nổ và các nhà máy kỹ nghệ đã được áp dụng khá mạnh mẽ. Ở Hoa Kỳ, hầu hết các tiểu bang đều có luật bắt buộc các phương tiện giao thông dùng động cơ nổ phải có giấy chứng nhận qua được các thử nghiệm định kì về việc đạt tiêu chuẩn nhả khói của hệ thống xe.
- Trồng nhiều cây xanh (nhất là những loại cây hấp thụ nhiều CO2 trong quá trình quang hợp) nhằm làm giảm lượng khí CO2 trong bầu khí quyển, từ đó làm giảm hiệu ứng nhà kính khí quyển.
(Nguồn Wiki)

Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2009

Trái đất nóng lên dông bão càng nhiều và phức tạp


Mặt trời là lò phản ứng khổng lồ, tổng hợp hiđrô thành hêli với công suất 5,3 tỉ tỉ mêgaoat. Cứ mỗi giây đồng hồ, mặt trời truyền cho trái đất một năng lượng gần 5000 triệu kilôoat/giờ. Chính năng lượng này gây ra các hiện tượng mưa, gió, dông, bão… Hiện nay, cùng với hiện tượng trái đất ngày càng nóng lên, dông bão hình thành ngày càng nhiều, diễn biến phức tạp và vô cùng nguy hiểm.

Nước ta ở bờ Tây Thái Bình Dương, trong 71% diện tích được bao phủ, diện tích Thái Bình Dương chiếm một nửa. Quanh Thái Bình Dương có tới 360 núi lửa đang hoạt động, chiếm 85% số núi lửa trên thế giới và chiếm tới 80% số lần động đất, nguồn gốc của các đợt sóng thần khủng khiếp. Thái Bình Dương không những rộng mà còn rất sâu, chỗ sâu nhất là hồ Mariana sâu hơn 11km. Nhiệt độ trung bình của nước biển Thái Bình Dương là 19oC nhưng có tới 1/4 diện tích có nhiệt độ trên 25oC. Ở vùng vĩ độ 7o Bắc, nhiệt độ nước biển lên tới 280C chính là nơi bắt nguồn các cơn bão lớn. Nhiệt độ nước biển cao làm cho nước biển bay hơi mạnh tạo thành những đám mây có nhiều hơi nước, nên khi có giông bão cũng thường kéo theo các trận mưa lớn gây nên lụt lội.

* Các cơn dông thường xảy ra vào mùa hè nóng bức. Những nơi mùa hè càng dài càng có nhiều cơn dông. Nơi có nhiều cơn dông nhất là thành phố nhỏ Maowa - Indonesia có vĩ độ 6o36’, một năm có 322 ngày có dông và hàng ngàn lần sét đánh. Bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) trung bình một năm có 130 ngày có dông. Sét đánh làm hỏng ống khói, đường dây điện, cháy rừng chết người... Cơn dông có khi kèm theo mưa đá, vòi rồng rất nguy hại. Các nhà khoa học Mỹ đã nghiên cứu thiết bị “tên lửa phá dông”. Trước khi có cơn dông, người ta phóng tên lửa này lên không trung, nó sẽ liên tục kích thích sự phóng điện nhỏ để không gây ra những lần phóng điện lớn (sét đánh).

* Các cơn bão là hiện tượng không ngăn chặn được. Bão xảy ra do mặt biển nhiệt đới có nhiệt độ cao, độ ẩm lớn. Không khí nóng bốc lên cao, ngưng tụ thành mưa, giải phóng nhiều nhiệt. Không khí mặt biển lại tiếp tục nóng lên, mặt biển lại bốc hơi nước lên cao, không khí nóng, ẩm càng tăng nhanh, cứ tuần hoàn như vậy sẽ hình thành những vùng áp thấp. Không khí lạnh xung quanh đổ dồn vào trung tâm áp thấp tạo nên một dòng xoáy lớn. Người ta gọi đây là cơn lốc nhiệt đới (áp thấp nhiệt đới), thông thường không phát triển thành bão, chỉ khi nào cơn lốc nhiệt đới được bổ sung liên tục không khí nóng ẩm và phía trên cơn lốc nhiệt đới hình thành một vùng tản nhiệt mạnh mẽ, khiến cho không khí nóng ẩm ở vùng thấp bốc lên luôn luôn tản ra xung quanh, khi ấy sẽ có thể phát triển thành bão.

Bão là một dòng xoáy không khí rất lớn, có đường kính từ mấy trăm đến hàng ngàn kilômét, độ cao khoảng trên 9km, cá biệt có thể vươn cao tới 27km. Trung tâm bão có một vùng rỗng, đường kính khoảng 10km, gọi là mắt bão. Ở đó không khí tĩnh lặng, trời trong. Xung quanh mắt bão là những bức tường mây dày đặc, là vùng mưa gió khủng khiếp. Bão di chuyển giống như con quay vừa xoay, vừa tiến lên. Đường đi của bão thường hay đổi hướng, tốc độ gió rất lớn khoảng 40-60m/s, cá biệt lên tới 110m/s. Lượng mưa của mỗi trận bão vào khoảng 200-300mm, có khi lên tới 1000mm, do đó bão thường kèm theo lũ lụt.

Các thông tin về bão cho biết kinh độ, vĩ độ của tâm bão và tốc độ di chuyển của bão, vậy làm thế nào để biết bão ở cách xa bao nhiêu và sau bao lâu bão sẽ đến? Giả sử kí hiệu kinh độ và vĩ độ của tâm bão là λb và φb, tọa độ nơi ta ở là λ và φ. Mặt đất có dạng mặt cầu, để tính khoảng cách chính xác khoảng cách trên mặt cầu phải dùng lượng giác cầu (nhưng nước ta ở gần xích đạo, dùng hình học phẳng có phạm sai số nhưng không lớn). Mỗi độ theo kinh độ hay vĩ độ có độ dài bằng chu vi trái đất chia cho 360o, gần bằng 111km. Vậy khoảng cách từ tâm bão đến nơi ta ở là đường chéo của hình chữ nhật có hai cạnh là 111 ׀ λb - λ ׀ km và 111 ׀ φb - φ ׀ km. Các giá trị λb, λ, φb, φ tính bằng đơn vị là độ (theo số thập phân). Khi biết được khoảng cách, biết tốc độ sẽ tính được thời gian bão đến.

* Dông và bão đều hình thành ở mặt biển có nhiệt độ cao (miền nhiệt đới). Trái đất nóng lên do công nghiệp và giao thông phát triển, thải vào khí quyển một lượng khí khổng lồ, chủ yếu là khí CO2 làm cản trở sự bức xạ hồng ngoại của trái đất vào không gian vũ trụ, nên nhiệt độ trái đất tăng làm băng tuyết tan, mực nước biển dâng cao, gây mất cân bằng sinh thái..., dẫn đến dông bão hình thành nhiều và diễn biến phức tạp hơn, khoảng thời gian có dông bão cũng kéo dài thêm.

Để ngăn cản sự biến đổi khí hậu, việc đầu tiên con người có thể làm là trồng cây và bảo vệ rừng. Cây cối hấp thụ khí CO2 sẽ giảm thiểu hiệu ứng nhà kính. Đồng thời phải hạn chế sử dụng năng lượng hóa thạch như than đá, dầu mỏ bằng cách tăng cường dùng các năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng thủy triều, thủy điện, các năng lượng tái tạo như khí biogas, etanol...

Theo dự báo, nước ta là một trong 5 nước bị tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu. Đề phòng và hạn chế tác hại của dông bão là việc cấp bách và quan trọng nhưng cũng chỉ là biện pháp tình thế, còn việc ngăn cản và hạn chế sự biến đổi khí hậu toàn cầu mới là nhiệm vụ sống còn của mọi quốc gia./.

(PGS. Nguyễn Đình Noãn)

Thứ Sáu, 11 tháng 9, 2009

WTC bị 'san phẳng' và cuộc ném bom 'san phẳng' VN


- Để cho sự kiện đau đớn như 11/9 hay chiến tranh Việt Nam không xảy ra, cần có tầm nhìn nhân loại. Nếu chỉ nhìn thấy biên giới quốc gia, như cậu tôi thấy lũy tre quanh làng ở Hoa Lư, hay đồng nghiệp nhìn qua hàng rào nhà mình bên DC, chắc chắn còn xung đột.

Ground Zero - một dấu tích của sự kiện 11/9. (Ảnh: Hiệu Minh)


Cậu ruột của tôi rất quí những đứa cháu học hành đến nơi đến chốn, thoát ra lũy tre làng để lập thân, trong đó có tôi. Mỗi lần tôi thăm quê, mẹ thường mời họ hàng thân quen, trong đó có cậu, tới chơi nhà. Ngoài chuyện làm ăn, chuyện đường xa, cậu rất quan tâm đến nước Mỹ.

Câu hỏi của cậu là “Nước Mỹ có văn minh không?”. Đương nhiên câu trả lời là “có”. “Tại sao đế quốc Mỹ lại mang bom ném Việt Nam?"

Làng Tụ An thanh bình thuở nào bên dòng sông Hoàng Long yên ả, chẳng có gì đáng gọi là mục tiêu quân sự. Cống thủy lợi Trường Yên tưới tiêu cho cả tỉnh Ninh Bình. Thế mà nơi đây từng hứng chịu vài lần bom đạn đế quốc Mỹ, thực hiện "giấc mơ " làm "phẳng" miền Bắc của Tổng thống Mỹ lúc đó là Johnson. Giữa năm 1968, cống bị oanh tạc, mấy chục người chết thảm. Hai bên mố cống bị sụt lở và nứt. Năm đó lũ lụt đã tiếp tay phá tan đê. Hàng vạn người kêu khóc, trẻ em bà già nheo nhóc chạy lũ lên núi vào một đêm đen tối. Cậu tôi ghét đế quốc Mỹ là đương nhiên.

Năm 2005, sau khi định cư ở Mỹ vài năm, tôi về thăm. Lại câu hỏi khác về nước Mỹ: “Họ có mạnh không?”. Câu trả lời: “Mỹ mạnh nhất thế giới, cậu ạ”. “Mạnh mà để Bin Laden tấn công?”.

Cậu nói với vẻ hài lòng: “Ném bom làng mình, gây tội ác, thì phải nhận hậu quả thôi”. Đó là cách người nông dân ít học quê tôi nghĩ về sự kiện 11/9.

Vào 8 giờ 46 phút sáng 11/9/2001, chiếc máy bay American Airlines số 11 chở khách đầu tiên lao vào tầng 80 đã chia cắt những tầng lầu trên đó thành ốc đảo. Rất nhiều người thấy lửa cháy đang liếm dần lên tầng của mình, đã nhảy tự tử từ trên cao 300-400m vì biết không thể thoát. Trước khi chết, họ cũng căm thù tột độ những kẻ khủng bố cũng không kém so với ông cậu khi nhìn bom rơi xuống làng tôi mấy chục năm trước.

Người New York, thấy hai tòa tháp từ từ sụp xuống như que kem bị nắng hè làm tan chảy, vô cùng căm hận 19 tên cướp 4 máy bay. Tòa tháp đôi (Twin Towers) "phẳng" như bình địa (Ground Zero)

Bin Laden tính toán rất kỹ để đạo diễn vụ này. 11/9/2001 rơi vào thứ 3, máy bay ít người đi lại, hành khách chống trả sẽ yếu hơn. Vừa cất cánh nên rất nhiều xăng đủ thiêu đốt tòa nhà hàng trăm tầng. Tháng 9 mùa thu nước Mỹ, trời trong xanh và nắng vàng rực rỡ, quay tivi hay chụp ảnh thật tuyệt diệu.

Máy bay đầu lao vào tòa nhà phía Bắc, chiếc sau chậm khoảng 15 phút, đủ thời gian cho các hãng thông tấn tới quay cảnh tòa nhà đang cháy. Chiếc thứ hai đâm vào tòa tháp phía Nam trước các ống kính ti vi đã lắp sẵn sàng để truyền hình trực tiếp cú lao khủng khiếp.

911 cũng là số gọi cảnh sát hay chữa cháy. Bên Mỹ, tháng ghi trước ngày nên mới có 9/11, nghĩa là ngày 11 tháng 9. Nhắc đến 911 nghĩa là nhắc đến nỗi đau khôn nguôi của người Mỹ.

Một đồng nghiệp kể về ngày tuyệt vọng đó tại Washington DC trong tòa nhà cách Nhà Trắng đúng một phố. Vừa ngồi vào bàn làm việc thì ai đó hoảng hốt báo một máy bay hành khách lao vào tòa tháp đôi ở New York. Cả nhóm sang xem ti vi mà không biết chiếc United Airlines 175 đang tới. Anh nhìn thấy chiếc máy bay đâm vào tòa nhà, khối lửa bùng lên trên ti vi do CNN quay trực tiếp.

Vì chuyện xảy ra ở New York nên Washington DC cách xa 500km không cảm thấy ngay. Các anh đang đứng bàn tán chợt nghe tiếng còi rú inh ỏi ngoài đại lộ Pensylvania, Lầu Năm góc bị tấn công. Khói đen bay cao ngất trời. Mục tiêu tiếp theo có thể là Nhà Trắng cách đó một phố. Anh cảm thấy chưa chắc còn sống để quay về nhà với các con.

Hàng chục ngàn nhân viên vội ra lấy xe ở gara để về. Nhưng khi đó đã quá muộn. Đường phố Washington DC chật cứng. Từ gầm gara lên đến đường vài chục mét, anh đợi khoảng 6 tiếng. Con nhỏ ở trường không ai đón.

Nước Mỹ hỗn loạn, người nào cũng im lặng, vẻ mặt thất thần. So với trận ném bom của Mỹ năm 1968 ở Việt Nam hay lụt do vỡ đê của dân cố đô Hoa Lư đó, sự hoảng loạn tại thủ đô Hoa Kỳ cũng không khác mấy.

Với cậu tôi ở Trường Yên, bạn đồng nghiệp hay người thân của gần 3.000 linh hồn đã chết oan uổng dưới đống tro tàn của Trung tâm Thương mại Thế giới, Lầu Năm góc hay chiếc máy bay rơi ở Pensylvania thì những kẻ gây ra tội ác đáng bị treo cổ.

Tại sao còn có người Việt Nam ghét đế quốc Mỹ. Xin hỏi cậu tôi và những người bị mất mát trong chiến tranh.

Tại sao cả nước Mỹ căm thù Bin Laden và đồng bọn. Xin hỏi những người đã sống qua ngày 11/9 trong sự hoảng loạn đến tột cùng.

Tại sao một số dân Palestine lại hân hoan vào ngày 11/9? Xin đến bờ Tây, Dải Gaza xem họ sống như tù nhân trên chính tổ quốc mình.

Nước Mỹ thay đổi sau khi người lính cuối cùng rút khỏi Sài Gòn năm 1975. Cú đâm máy bay vào tòa tháp đôi và Lầu Năm góc của Bin Laden đã thay đổi cả thế giới.

Tổng thống Nixon muốn Việt Nam đầu hàng, nhưng phải ngồi vào hội nghị Paris, để cuối cùng rút chạy trong cay đắng. Tổng thống Bush định đưa thế giới từ đa cực thành đơn cực do Mỹ làm bá chủ nhưng thất bại. Quốc gia Nga hay cạnh tranh với Mỹ đã không còn mạnh như trước, nhưng cùng lúc đó, Trung Quốc và Ấn Độ lại trỗi dậy.

Tìm cách tiêu diệt hết kẻ thù để không còn khủng bố như Bush muốn là không thể. Giải tán Taliban ở Afganistan, treo cổ Sadam Hussen tại thành Baghdad lại có những thế lực khác thích máu đổ lại nổi lên.

Khi những kẻ thông minh dùng trí não cho việc giết đồng loại thì rất đáng sợ. Bin Laden đạo diễn vụ tấn công nước Mỹ là một minh chứng. Basayev tổ chức tấn công trường học Beslan ở Nga có kịch bản tương tự, giết càng nhiều càng tốt.

Để cho sự kiện đau đớn như 11/9 hay chiến tranh Việt Nam không xảy ra, cần có tầm nhìn nhân loại. Nếu chỉ nhìn thấy biên giới quốc gia, như cậu tôi thấy lũy tre quanh làng ở Hoa Lư, hay đồng nghiệp nhìn qua hàng rào nhà mình bên DC, chắc chắn còn xung đột.

Thế giới phẳng cần lãnh đạo “phẳng”, chính trị “phẳng”, chiến lược “phẳng”, nghĩa là tìm ra giải pháp đôi bên hay nhiều bên cùng có lợi. Cách tiếp cận “trạng chết chúa cũng băng hà” để tìm cách "san phẳng" nhau chỉ mang lại thêm đau khổ. Khăng khăng cái “lưỡi bò” làm của riêng thì nhất định sẽ còn hàng xóm thù địch lẫn nhau.

Bàn về 11/9, người đồng nghiệp đã bình tâm hơn. Anh nói, giá như mọi người biết đặt quyền lợi của mình trong cái chung, sẽ không có thảm họa. Nếu nghĩ đến cả cộng đồng thì ai cũng là người chiến thắng. Vơ vét cho riêng mình sẽ tự tiêu diệt. Cộng đồng toàn những kẻ tham lam, bạc bẽo, ngày kia sẽ tàn lụi.

Xa hơn nữa là tầm quốc gia và toàn cầu. Nghĩ đến “của mình, nước mình” thì thảm họa kiểu 11/9 hay chiến tranh Việt Nam tương tự sẽ còn, mà kẻ ích kỷ gây ra chưa chắc đã thoát bị trừng phạt, bằng cách này hay cách khác, dưới dạng này hay dạng khác.

Chỉ có điều, người lương thiện như cậu tôi, bạn tôi, người viết bài và kể cả độc giả sẽ bị thiệt thòi nhất. Bài học 11/9 với Twin Tower bị "san phẳng" thành Ground Zero hay cuộc ném bom "san phẳng" Việt Nam còn đó mãi với nhân loại.


(Hiệu Minh -Vietnamnet)